Ông Kazuyoshi Sasaki không kiềm chế được cảm xúc khi gọi cho người vợ quá cố bên trong “buồng điện thoại của gió” - Ảnh: Reuters
Để gió cuốn đi
"Ông ơi, 10 năm trôi qua rồi, bây giờ con sắp sửa vào cấp II. Có một con virus mới đang giết chết rất nhiều người. Đó là lý do tại sao chúng con phải đeo khẩu trang. Nhưng tất cả rồi sẽ ổn thôi ông ạ" - giọng cậu bé Daina vang lên trong "buồng điện thoại của gió" (để tâm sự với người quá cố).
"Tôi cảm thấy giọng anh ấy đang trả lời thằng bé từ bên kia đầu dây" - bà Sachiko Okawa nói về người chồng quá cố bằng giọng vỡ vụn.
Yuto Naganuma lặng lẽ nhìn xa xăm khi những làn gió biển lướt qua những bức tường đổ nát của Trường tiểu học Okawa thuộc tỉnh Miyagi.
Chính tại nơi này, 10 năm trước, cơn sóng thần hung hãn đã ập vào bờ kéo theo hàng trăm sinh mạng, trong đó có em trai của Naganuma. Bà nội và bà cố của anh cũng bị sóng cuốn đi khi đang chờ xe buýt chở em trai Naganuma về.
"Sóng thần như đã cuốn đi một nửa cơ thể của tôi. Tôi mất gia đình, mất cả cộng đồng - những thứ đã xây dựng nên con người tôi" - Naganuma đau khổ và luôn tự trách mình giữa mớ câu hỏi tại sao ông trời lại tha cho mình. Anh chọn trở thành nhà nghiên cứu quản lý thảm họa để hướng dẫn mọi người những điều cần làm khi thiên tai ập đến.
Naganuma không phải là trường hợp duy nhất sống trong sự dằn vặt vì là người sống sót. Nỗi đau phải là người ở lại lúc nào cũng dai dẳng và thấu tận tâm can của nhiều người như ông Kazuyoshi Sasaki ở tỉnh Iwate.
Cẩn thận quay số điện thoại di động của vợ, bà Miwako, tay ông Sasaki run run vì tuổi đã cao và quá cảm động. Cuộc gọi ấy sẽ chẳng có người hồi đáp vì Miwako, người vợ mà ông hết mực yêu thương, đã mãi không về sau thảm họa.
Nhưng Sasaki cũng giống nhiều người khác đã tìm đến "buồng điện thoại của gió" ở thị trấn Otsuchi vì tin rằng những gì ông nói qua điện thoại sẽ được gió đưa đến tai người cần nghe. Ký ức tràn về, giọng ông Sasaki như nghẹn lại khi kể về những ngày đi khắp nơi tìm kiếm tung tích vợ, từ các trung tâm sơ tán đến cả nhà xác và những đêm bên ngoài căn nhà đổ nát.
"Tất cả xảy ra chỉ trong một cái chớp mắt, tôi không thể quên được - ông Sasaki vừa nói vừa gạt nước mắt - Bà tệ lắm, tôi gửi cho bà một tin nhắn hỏi bà đang ở đâu nhưng bà chẳng bao giờ trả lời tôi cả!".
Vòng quay số của chiếc điện thoại cũ kỹ vẫn đều đặn quay mỗi ngày kể từ khi ông Itaru Sasaki mở cửa "buồng điện thoại của gió".
Một cách tinh tế, không mê tín dị đoan, "buồng điện thoại của gió" đã trở thành một công cụ xoa dịu tinh thần của những người mất đi người thân trong thảm họa.
Ở tuổi 76, người đàn ông này đang muốn mở thêm một số "buồng điện thoại của gió" ở vài nơi khác để xoa dịu những người mất người thân vì đại dịch.
"Cũng giống như thảm họa tự nhiên, đại dịch bất ngờ xảy ra và kéo theo những cái chết đột ngột, để lại nỗi đau khôn cùng với nhiều gia đình" - ông Sasaki tâm sự.
Một trong nhiều minh chứng về sự hồi sinh sau thảm họa năm 2011: bức ảnh chụp cùng một vị trí ở Minamisoma, tỉnh Fukushima một ngày sau thảm họa và năm 2021 - Ảnh: AFP
Tái thiết và trở lại
Namie, một thị trấn nhỏ nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khoảng 10km, từng có 25 công ty chế biến cá nhưng hôm nay chỉ còn lại một. Nó thuộc về cụ Koichi Shiba, 82 tuổi. Với cụ Shiba, sẽ không còn ai quay lại Namie nữa.
"Không ai muốn trở lại đây khi họ đã xây nhà và làm quen với cuộc sống mới ở những nơi khác" - cụ Shiba trầm ngâm trong câu chuyện với tạp chí Nikkei Asia.
10 năm sau thảm họa, những khu vực bị ảnh hưởng như Namie vẫn đang vật lộn để phục hồi. Cư dân tỉnh Fukushima sống ở các khu vực cách nhà máy hạt nhân 20km và các khu vực khác có mức độ phóng xạ cao đã được lệnh sơ tán ngay trong năm 2011.
Khoảng 160.000 người chạy đến những vùng khác trong tỉnh Fukushima hoặc các tỉnh khác. Không ít người chạy sâu vào đất liền để chôn vùi nỗi sợ thảm họa kép. Vào lúc đỉnh điểm, hơn 470.000 cư dân đã phải rời bỏ nhà cửa.
Hiện nay, nhiều lệnh sơ tán đã được dỡ bỏ, diện tích vùng giới hạn người sống cũng thu hẹp từ 1.150km xuống còn 337km2 , trong đó có Namie. Nhưng kể từ khi thị trấn này được mở cửa trở lại một phần vào năm 2017, chỉ có 1.100 người trong tổng số 21.000 người đã từng sinh sống tại đây quay trở lại.
Ngay cả cụ Shiba, người gánh vác trách nhiệm tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, suýt chút nữa đã quyết định sống luôn ở Tokyo nếu không có lời cầu xin của các ngư dân và quan chức địa phương. "Tôi làm điều này chỉ vì thị trấn" - cụ Shiba trải lòng.
Tuy nhiên, nhiều nơi cũng đã phát triển mạnh trở lại. Chính phủ Nhật Bản đã trợ cấp cho các khu vực bị ảnh hưởng để tái thiết cơ sở hạ tầng và hồi phục kinh tế.
Theo Nikkei Asia, nhờ dòng vốn đầu tư mạnh, tăng trưởng kinh tế của 3 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Miyagi, Iwate và Fukushima đã hồi phục và bắt đầu vượt mức phát triển trước thảm họa vào năm 2017.
Hơn 30 nghìn tỉ yên (khoảng 280 tỉ USD) đã được chi cho việc tái thiết toàn khu vực, bao gồm dọn dẹp các đống đổ nát, xây dựng lại cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các nạn nhân. Ngoại trừ một số khu vực của Fukushima vẫn là vùng cấm vì sự cố nhà máy hạt nhân, công việc xây dựng ở các khu vực ven biển bị sóng thần tàn phá ít đã hoàn thành.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến chi thêm 1,6 nghìn tỉ yên cho các vùng bị ảnh hưởng trong các năm tài chính 2021-2025.
An toàn và tình thương yêu
Người Nhật có tính nhẫn nại, cần cù, nghiêm cẩn và kiên cường. Sau 10 năm kể từ ngày thảm họa kép động đất, sóng thần kinh hoàng đã cướp đi nhiều sinh mạng cùng tổn thất nặng nề tâm lý, vật chất, người Nhật lại "đứng lên" và hồi sinh như bao lần trong lịch sử. Và trong đó có tôi, cô gái đến từ Việt Nam được trải nghiệm cùng họ.
Những năm qua, Nhật không ngừng xét nghiệm mọi thứ liên quan đến chất phóng xạ từ nhà máy hạt nhân ở Fukushima bị sự cố vì động đất, sóng thần để an toàn cho gieo trồng.
Trung tâm thử nghiệm nông nghiệp ở thành phố Koriyama đã phân tích 210.000 mẫu sản phẩm địa phương, bao gồm đào, gạo, măng tây, dâu tây và thịt bò từ khu vực nguy hiểm.
Cho đến nay, chính quyền Nhật đã ban bố vùng an toàn loại trừ 3% diện tích khu vực vẫn bị giới nghiêm và đang trong quá trình xử lý. Nhật Bản cho xây dựng lại mảnh đất đau thương thành địa điểm du lịch nổi tiếng và thu hút nhiều người tìm đến.
Nhờ hỗ trợ từ chính phủ mà hằng năm đều có chính sách khám định kỳ cho trẻ dưới 18 tuổi ở Fukushima. Con cái chúng tôi may mắn được tham gia chương trình "Một tuần xét nghiệm và trải nghiệm dành cho công dân trẻ sinh ra, lớn lên trong vùng đất phóng xạ Fukushima".
Các trẻ được xét nghiệm miễn phí và giao lưu với bạn bè trong toàn tỉnh để hiểu thêm nhiều điều cho tương lai của mình, của nước Nhật và thế giới. Mỗi năm tại Koriyama, trong hệ thống cửa hàng đều có chương trình trích quỹ đóng góp từ thiện "Vì trẻ em mồ côi sau thiên tai động đất tỉnh Fukushima" do nghị sĩ Nagao tỉnh Fukushima sáng lập.
Điều cuối cùng, nếu có ai hỏi bạn vẫn chọn Fukushima để sống, tôi sẽ không ngần ngại bảo Fukushima là quê hương thứ hai trong tim. Dù đã, đang và sẽ trải qua bất hạnh hay hạnh phúc thì tôi vẫn chọn Fukushima.
THÙY TRANG (từ Nhật)
*********
Một bức tường bằng băng được xây dựng để ngăn phóng xạ nhiễm vào nguồn nước ngầm bên dưới nhà máy Fukushima Daiichi...
>> Kỳ tới: Vạn lý trường thành bằng băng dưới lòng đất
TTO - 10 năm kể từ thảm họa động đất, sóng thần kinh hoàng và rò rỉ hạt nhân ở Nhật Bản, nỗi đau thương vẫn hằn sâu nhưng một lần nữa người Nhật lại đứng lên thành công...