"Ngang hàng Mao Trạch Đông"
Kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc 2021 đang diễn ra, bên cạnh đó, vấn đề người kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình lại nổi lên và thu hút sự chú ý của dư luận.
Theo hãng tin CNN, giới chuyên gia cho biết, hiện ông Tập đang nỗ lực để củng cố vị trí của mình ngang hàng với các lãnh đạo Trung Quốc tiền nhiệm trước thềm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7, đặc biệt, ông muốn sánh ngang hàng với Mao Trạch Đông.
Trong những tháng gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã hết lời ca ngợi vai trò của ông Tập trong chiến dịch xóa đói giảm nghèo. Vào ngày 23/2, Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ viết: "Tổng Bí thư Tập Cận Bình luôn sao sát đến người dân".
Chỉ vài ngày trước khi Lưỡng hội bắt đầu, tờ này cũng xuất bản một bài xã luận khác đề cao vai trò của ông trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, mô tả ông là người có "tầm nhìn rộng lớn và lòng dũng cảm phi thường của một chính trị gia và chiến lược gia".
Kỳ Lưỡng hội năm nay sẽ thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, bản kế hoạch chi tiết đặt ra các ưu tiên của Trung Quốc cho đến năm 2025, từ phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu và nghiên cứu công nghệ.
Nhưng năm nay, Lưỡng hội cũng thảo luận về tầm nhìn phát triển của Trung Quốc đến năm 2035.
Chuyên gia quan sát quan hệ Mỹ-Trung Bill Bishop nhận định, điều này cho thấy, ông Tập Cận Bình đã đặt tầm nhìn của mình trong nhiều năm.
Giới chuyên gia tin rằng, ông Tập đang củng cố vị thế để sánh ngang hàng Mao Trạch Đông. Ảnh: CNN
Ông này nhấn mạnh thêm, có thể chia 70 năm lãnh đạo của ĐCSTQ thành ba thời đại - thời đại Mao Trạch Đông, thời đại Đặng Tiểu Bình và bây giờ là Tập Cận Bình.
"Ông Tập chắc chắn đang nỗ lực nâng cao vị thế của mình lên ngang hàng Mao Trạch Đông", Bishop nói.
Chưa có người kế nhiệm
Nhiệm kỳ lãnh đạo của ông Tập Cận Bình sẽ kết thúc vào tháng 11/2022 nhưng tại kỳ Lưỡng hội 2018, Trung Quốc đã sửa đổi hiến pháp và bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước.
Thời điểm đó, có nhiều bình luận cho rằng, quyết định này tạo điều kiện cho ông Tập có khả năng giữ quyền lực trọn đời.
Steven Tsang, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc SOAS cho hay, kết hợp với tình hình hiện tại, vấn đề "Ai là người kế nhiệm Tập Cận Bình" đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết và người đó không phải ai xa lạ, mà đó chính là bản thân ông Tập.
Tsang nói: "Trừ khi có điều gì đó bất thường xảy ra mà chúng ta không thể lường trước được, còn không, ông Tập sẽ có nhiệm kỳ thứ ba".
Richard McGregor, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chiến lược Lowy (Australia), thì cho rằng, chủ đề hiện đã chuyển sang "liệu người kế nhiệm ông Tập từ đại hội đảng năm 2027 có được tiết lộ vào tháng 11/2022 hay không". Nếu không có người kế nhiệm tiềm năng, điều đó có nghĩa là ông Tập có kế hoạch tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư hoặc lâu hơn.
Thời gian từ nay đến Đại hội ĐCSTQ năm 2022 còn chưa đầy 18 tháng. Tuy nhiên, trong Ban thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy người, nơi thường sẽ có Tổng bí thư tiếp theo, tất cả các ủy viên đều đã luống tuổi để phục vụ thêm nhiệm kỳ nữa trước khi đến tuổi nghỉ hưu không chính thức là 68.
Theo CNN, tất cả các chuyên gia đều đồng ý rằng, điều này cho thấy rõ ràng rằng, ông Tập gần như chắc chắn có kế hoạch phục vụ thêm ít nhất một nhiệm kỳ nữa.