Cụ thể, dự kiến từ mức 8,38 cent/kWh (theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg), giá điện mặt trời áp mái sẽ giảm xuống chỉ còn 5,2 - 5,8 cent/kWh (tương đương giảm gần 30%) với từng loại công suất dự án, thay vì áp dụng "đồng giá" như trước.
Mức giá của từng dự án sẽ phụ thuộc vào quy mô công suất hệ thống lắp đặt, quy mô càng lớn giá sẽ càng thấp, khuyến khích hộ gia đình lắp đặt hơn các trang trại, khu nhà công nghiệp.
Đáng chú ý, dự thảo cũng quy định tỷ lệ tự dùng của các dự án này. Các bên mua lại điện từ các dự án cũng chỉ được phép mua một phần nhất định sản lượng điện phát, còn lại phía nhà sản xuất phải cam kết sử dụng. Dự kiến, dự thảo này sẽ trình Chính phủ trong tháng 3/2021.
Trước đó, tình trạng dư thừa điện đã tồn tại do các nguồn tái tạo phát triển một cách ồ ạt trong năm 2020. Tính đến hết 31/12/2020, theo EVN, đã có tới 101.029 công trình điện mặt trời áp mái được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt gần 9.300 MWp (công suất phát trong điều kiện tối ưu).
BloombergNEF nhận định: "Con số hơn 9 GW này cao gần gấp 3 lần dự báo của BNEF cho Việt Nam hồi đầu năm. Điều này cũng đưa Việt Nam trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ ba thế giới".
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, trong năm 2021, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ kWh năng lượng tái tạo do sự tăng trưởng đột biến, thay vì con số 365 triệu kWh như trong năm 2020 (gấp 3,56 lần). Trong đó, có hơn 500 triệu kWh do vấn đề thừa nguồn vào các thời điểm trưa, quá tải đường dây 500KV.
Nhã Mi
Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.95953045101301202-03-iot-iam-pa-iort-tam-neid-aig-teis-es/nv.zibefac