- Đằng sau lệnh cấm các công ty công nghệ Trung Quốc của Mỹ
- Khi "ông trùm" công nghệ Trung Quốc ở thế tựa vào sông
Theo thông báo từ Eastern Communications, một công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Thông tin Phủ Điền Trung Quốc (Potevio), công ty mẹ sẽ tái cơ cấu và sáp nhập vào Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC). Thông tin này nhanh chóng khiến dư luận chú ý bởi cả Potevio và CETC đều là các doanh nghiệp nhà nước, trực tiếp do Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc (SASAC) chỉ đạo.
Sau thông tin kể trên, Chủ nhiệm SASAC Hác Bằng (Hao Peng) đã có bài phát biểu, trong đó phác thảo kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo các mục tiêu của “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14”, trong đó đáng chú ý là việc thúc đẩy nhiều công nghệ quan trọng hơn ở trong nước cũng như cam kết đẩy nhanh các nỗ lực nghiên cứu và phát triển.
Một kế hoạch quy mô
CETC và Potevio đều nằm trong số những công ty “cốt lõi” của Trung Quốc - một tập hợp gồm gần 100 doanh nghiệp do chính quyền trung ương trực tiếp kiểm soát và là các nhà cung cấp trang thiết bị cho quân đội nước này. Potevio là doanh nghiệp chuyên sản xuất các thiết bị viễn thông, như linh kiện phục vụ hạ tầng 5G, hệ thống máy chủ, bộ nhớ, máy rút tiền tự động. Điểm mạnh của Potevio liên quan đến truyền thông không dây và bảo mật. Doanh thu của Potevio trong năm 2019 là 116,4 tỷ nhân dân tệ (NDT).
Trong khi đó, CETC là nhà cung cấp chính cho hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu (Beidou) và được biết là nhà cung cấp phần mềm cũng như nhiều dịch vụ cho quân đội Trung Quốc. Công ty này cũng tham gia quá trình phát triển một phiên bản hệ điều hành Windows gần gũi với bản sắc Trung Quốc và phát triển nhiều lĩnh vực khác như sản xuất chất bán dẫn và ăng-ten phục vụ cơ sở hạ tầng không dây thế hệ thứ 5 (5G) cũng như thiết bị cho công nghệ xe tự hành.
Trung Quốc muốn trở thành cường quốc kỹ thuật số. |
Nhiều ý kiến miêu tả kế hoạch sáp nhập các doanh nghiệp như trên là tham vọng xây dựng một "tàu sân bay thông tin liên lạc", củng cố sức mạnh và phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Tổng doanh thu thường niên năm 2019 của hai doanh nghiệp kể trên là 53 tỷ USD, chỉ đứng sau Huawei (135 tỷ USD) và Tập đoàn Lenovo. CETC, đạt doanh thu 227,6 tỷ NDT (khoảng 35,3 tỷ USD) vào năm 2019 và được cho là nhà cung cấp công nghệ thông tin duy nhất có thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của lực lượng vũ trang, như mạng, cơ sở hạ tầng và các thiết bị điện tử như radar.
Potevio có thế mạnh trong xuất khẩu song doanh nghiệp mới rất có thể sẽ hướng nội hơn bởi CETC nằm trong danh sách “các thực thể có liên quan tới quân đội Trung Quốc” bị cấm giao dịch mà Mỹ đã vạch ra và thực tế là nhiều quốc gia trên thế giới cũng ngày càng tỏ ra cảnh giác trước công nghệ 5G từ Trung Quốc. Việc sáp nhập được cho là nhằm mục đích tăng cường khả năng phục hồi của CETC trước các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các công ty thuộc tập đoàn, trong đó có cả Hikvision, nhà sản xuất camera an ninh hàng đầu thế giới.
Mục tiêu chính
Chưa rõ những thành quả thu về từ sự sáp nhập của các doanh nghiệp nhà nước song bài phát biểu của Chủ nhiệm SASAC Hác Bằng nhấn mạnh tới mục tiêu phát triển nền kinh tế quốc gia nhanh hơn, cải thiện tỷ suất lợi nhuận, thúc đẩy các hoạt động mua bán và nghiên cứu cũng như nâng cao năng suất lao động. Ông Hác Bằng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tái tổ chức và tái cơ cấu trong các lĩnh vực chính để nâng cao khả năng cạnh tranh”, khẳng định các công ty quốc doanh như CETC sẽ đi đầu trong nỗ lực này.
Trung Quốc cần những công nghệ tự lực để có thể hoàn thành tham vọng trở thành siêu cường kỹ thuật số. |
Sáp nhập và tái cơ cấu là ưu tiên hàng đầu đối với cải cách doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc kể từ năm 2016, khi Ủy ban Quản lý doanh nghiệp quốc doanh cảnh báo về những “cơ cấu bất hợp lý”, “hiệu quả phân bổ nguồn lực thấp” và “cạnh tranh cũng như chồng chéo” trong chức năng nhiệm vụ của các công ty quốc doanh.
Thông báo về việc sáp nhập của CETC và Potevio được đưa ra một ngày sau khi SASAC công bố kế hoạch cải cách cho năm 2021 và nhắc lại quyết tâm của chính phủ trong việc tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Trong giai đoạn từ 2016-2020, SASAC đã hợp nhất 12 cặp doanh nghiệp quốc doanh và nhiều khả năng sẽ tiếp tục kế hoạch này theo hướng linh hoạt hơn.
Ưu tiên công nghệ nội địa là cách để đảm bảo sức bền cho nền công nghiệp công nghệ thông tin. |
Chiến lược "tuần hoàn kép" để phục vụ tăng trưởng kinh tế do Chính phủ Trung Quốc đề ra hồi tháng 7-2020 đòi hỏi việc xây dựng chuỗi cung ứng nội địa cho các ngành công nghiệp chủ chốt để đảm bảo nền kinh tế có sức bền, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của quốc gia về các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến, cũng như tiếp tục hoạt động mà không phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ.
Các công nghệ tiên tiến như 5G và viễn thông, hàng không vũ trụ và xe tự hành được coi là những ưu tiên hàng đầu. Năm ngoái, Bắc Kinh đã đưa ra các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp chất bán dẫn. Tháng 1 vừa qua, Bắc Kinh cũng đã công bố kế hoạch mở rộng thị trường linh kiện điện tử - nền tảng quan trọng cho lĩnh vực công nghệ - tới 2023 lên khoảng 20% so với năm 2019.
Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Tiêu Á Khánh gần đây tuyên bố Trung Quốc có nhu cầu lớn nhất đối với các sản phẩm công nghiệp và công nghệ thông tin chất lượng cao, trong khi dân số 1,4 tỷ người cũng rất quan tâm đến các sản phẩm này và “nhu cầu khổng lồ như vậy không thể được đáp ứng bằng cách mua sản phẩm từ các quốc gia khác”.
Sản lượng công nghiệp quốc gia Trung Quốc, một chỉ số kinh tế quan trọng, đã đạt 31,31 nghìn tỷ NDT (4,84 nghìn tỷ USD) trong năm 2020, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia sản xuất công nghiệp lớn nhất thế giới trong 11 năm liên tiếp. Tuy nhiên nhiều thách thức vẫn tồn tại bởi Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu các công nghệ quan trọng như linh kiện máy móc và robot cao cấp.
Giới chức Trung Quốc thừa nhận quốc gia này xây dựng các kế hoạch nhằm tìm kiếm sự tự chủ trong một số công nghệ quan trọng nhất định là nhằm đối phó với lệnh cấm xuất khẩu những công nghệ này sang Trung Quốc. Cuộc chạy đua phát triển công nghệ tiên tiến nhất đang làm dấy lên căng thẳng Mỹ-Trung sau nhiều thập niên hội nhập giúp nâng mức sống trên toàn cầu.
Đòi hỏi tất yếu
Việc tập trung vào công nghệ là vấn đề cấp thiết do hiệu quả của mô hình kinh tế Trung Quốc đang suy yếu, một mô hình vốn dựa vào đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng. Với việc doanh số bán nhà giảm do tốc độ đô thị hóa chậm lại và chính quyền địa phương vật lộn để tìm các dự án cơ sở hạ tầng khả thi, Bắc Kinh phải tận dụng công nghệ để tăng năng suất nhằm đáp ứng mục tiêu năm 2035 là tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế so với các chỉ số của năm 2020.
Công nghệ 5G đã nằm trong tầm tay của doanh nghiệp Trung Quốc. |
Theo một số ước tính, từ năm 2014-2019, Chính phủ Trung Quốc đã huy động được ít nhất 6,7 tỷ NDT (1 tỷ USD) trong một loạt quỹ đầu tư mạo hiểm để thành lập các công ty công nghệ cao. Trung Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư 1,4 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2025 vào cơ sở hạ tầng công nghệ cao, gồm các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) đến các trạm phát 5G và đường sắt cao tốc.
Nếu những nỗ lực này gặt hái thành quả và Trung Quốc tạo dựng một mô hình tăng trưởng có sự chỉ đạo tập trung hơn, quốc gia này có thể sẽ tháo gỡ hàng loạt thách thức nội bộ mà họ đang phải đối mặt. Ngược lại, nếu mô hình do nhà nước lãnh đạo không hiệu quả, Trung Quốc sẽ lãng phí “vốn liếng” của cả một thế hệ khi theo đuổi giấc mơ đổi mới công nghệ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên công bố mục tiêu đưa Trung Quốc thành siêu cường không gian mạng trong một bài phát biểu vào năm 2014, hai năm sau khi ông nắm quyền lãnh đạo. Kể từ đó, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh kế hoạch này như một chiến lược quốc gia và nâng cao tầm quan trọng của tham vọng công nghệ thông tin tại nhiều cuộc họp chính trị. Các sự kiện về công nghệ đáng chú ý như Tuần lễ An ninh mạng Trung Quốc và Hội nghị cấp cao Trung Quốc kỹ thuật số hàng năm cũng là những sự kiện ghi đậm dấu ấn của quyết tâm này. Quan trọng hơn, Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan ra quyết định hàng đầu với khoảng 370 quan chức cấp cao, đã tái khẳng định mục tiêu trở thành siêu cường không gian mạng là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong cuộc họp hồi cuối tháng 10-2020.
Nói một cách đơn giản, đây là lời kêu gọi hành động mang tính chiến lược nhằm gia tăng năng lực, sự ổn định và tự cường trong không gian mạng cũng như xây dựng các công nghệ nền tảng. Vị thế siêu cường không gian mạng được xác định bởi các mục tiêu cốt lõi như phát triển các công nghệ nội địa và thiết lập một hệ thống phòng thủ mạng bất khả xâm phạm. Trung Quốc đã đề ra nhiều mục tiêu để hiện thực hóa tham vọng của mình, cụ thể là bồi dưỡng một đội ngũ nhân tài công nghệ nội địa, xây dựng các công ty công nghệ cao có ảnh hưởng toàn cầu để mở rộng hơn mô hình “chủ quyền mạng” nhằm kiểm soát chặt chẽ mạng Internet. Các mục tiêu khác còn có thể kể đến như đảm bảo cơ sở hạ tầng thông tin an toàn, tăng cường sự kiểm duyệt và giám sát của nhà nước trong không gian kỹ thuật số, xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số có quản lý và nâng cao năng lực an ninh mạng.
Bắc Kinh nỗ lực xây dựng một “Trung Quốc kỹ thuật số”, một Trung Quốc dẫn đầu thế giới về công nghệ của tương lai. Điện toán lượng tử, 5G, chất bán dẫn, công nghệ chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing) và robot đều là những công nghệ dường như đã nằm trong tầm tay. Trong một bài phát biểu năm 2016 về tư duy chiến lược đối với vị thế siêu cường trong không gian mạng, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh các công nghệ cốt lõi vừa là nhân tố quan trọng vừa là “mối nguy tiềm ẩn lớn nhất” của đất nước, vì chúng “bị kiểm soát bởi những người khác”.
Nói cách khác, “gót chân Achilles” của Trung Quốc là thiếu các công nghệ “cây nhà lá vườn” trong nhiều lĩnh vực như sản xuất chất bán dẫn, một điểm yếu mà các đối tác khác có thể tận dụng và áp đặt những hạn chế xuất khẩu khi mâu thuẫn nảy sinh. Lúc này, “nạn nhân” không ai khác chính là nền công nghiệp đang trên đà phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc có lẽ đã hiểu rất rõ điều này.
Thái Hân (Tổng hợp)