- NSND Đào Mộng Long: Nỗi sầu muộn mênh mông...
- NSND Vi Hoa: Còn khán giả, còn hơi thở là còn hát
- NSND Đào Trọng Khánh: Người lưu giữ ký ức
Niềm say mê bất tận
Gặp nhau chúng tôi hồ hởi ôn lại những kỷ niệm của một thời sôi nổi và tràn đầy nhiệt huyết. Chị bật cười nhớ lại tuổi thơ của mình đã từng trèo tường để trốn mẹ đi xem múa, sau đó còn bí mật đi thi tuyển vào trường múa khi mới 14 tuổi (1975).
Ngọc Bích rời quê Thái Bình lên Hà Nội học trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Mẹ chị cho dù ra sức ngăn cản nhưng rồi vẫn ngậm ngùi tiễn con lên đường. Bà nhìn con gái bé bỏng gày còm mà rớt nước mắt. Nhưng lá thư đầu tiên và tấm ảnh của con gái gửi về đã làm bà ngạc nhiên. Đó không còn là một cô bé đen đủi nghịch ngợm nữa mà là một thiên nga xinh xắn đang bay lượn trước một quảng trường rộng lớn và tràn ngập sắc màu.
Vai mẹ Thứ do NSND Ngọc Bích biểu diễn. |
Quả nhiên càng lớn Ngọc Bích càng xinh đẹp và có một thân hình lý tưởng trên sân khấu. Bốn năm sau tốt nghiệp trường Múa với tấm bằng xuất sắc (1979), Ngọc Bích đã được biên chế vào Đoàn ca múa nhạc Trung ương (Nhà hát ca múa Việt Nam hiện nay).
Chuyến đi biểu diễn đầu tiên của Ngọc Bích lên biên giới vẫn còn vương mùi khói đạn. Một vũ điệu quê hương bay bổng với tà áo dài thơ mộng. Cột mốc biên cương như một biểu tượng kiên cường cùng với âm nhạc đồng quê như một lời thề sắt son của quân và dân tộc anh hùng. Đó là cảm xúc thiêng liêng với dân tộc và Tổ quốc. Từ đó Ngọc Bích bắt đầu hành trình biểu diễn khắp đất nước.
Dường như Ngọc Bích sinh ra để múa và tạo hình vũ đạo. Trở thành một trong những vũ công chính của đoàn, Ngọc Bích thường được “sô lô” (múa đơn) những trích đoạn khó và thể hiện tình cảm sâu sắc. Chị đã cùng đồng đội đoạt nhiều HCV qua các kỳ hội diễn trong hơn mười năm biểu diễn. Đặc biệt Ngọc Bích đã từng đoạt giải bạc trong cuộc thi tài năng trẻ và trở thành một ngôi sao đầy triển vọng của ngành múa Việt Nam.
Nhưng bất ngờ khi Ngọc Bích bén duyên sang làm biên đạo từ năm 1997. Đó là một chân trời mới trên sàn múa mà Ngọc Bích phát huy được sức sáng tạo trên hình thể. Biên đạo là một nghề có chiều sâu về tư duy hình tượng.
Ngọc Bích chăm chỉ học tập và tốt nghiệp xuất sắc với tác phẩm “Một thoáng Chăm”. Đây là tiết mục gây ấn tượng sôi động trong một dịp đi biểu diễn ở nước ngoài. Cái tên biên đạo Ngọc Bích được nêu danh từ đó. Không ít đạo diễn sân khấu và nhà hát đã mời chị dàn dựng các tiết mục múa và là biên đạo cho những kịch mục lớn.
Theo trí nhớ của tôi dường như hàng trăm vở kịch ở các thể loại nghệ thuật của đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang đều gắn bó với cái tên biên đạo Ngọc Bích. Trên sàn múa của Nhà hát thì Ngọc Bích vừa làm biên đạo vừa trực tiếp biểu diễn rất thành công.
Với những thành tựu đạt được, Ngọc Bích đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2006. Đây là dấu mốc hàng chục năm hoạt động không biết mệt mỏi của nghệ sĩ và biên đạo Ngọc Bích.
Hình tượng người mẹ anh hùng
Đặc biệt nghệ sĩ Ngọc Bích đã dành nhiều cảm xúc trong khi dàn dựng những tiết mục múa về các bà mẹ anh hùng. Đề tài những người chiến sĩ và cuộc sống đầy gian khổ của họ đã trở thành nguồn sáng tạo mới lạ của Ngọc Bích. Đây cũng là những dự án nghệ thuật đầy nỗ lực của chị với nhà hát ca múa Việt Nam. Đó là tiết mục “Ngày trở về”, hay “Hồi ức chiến tranh”, “Đội quân ngầm”, hoặc “Mắt biển”…
Không ít chương trình mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế đều có sự đóng góp của biên đạo Ngọc Bích. Khán giả không thể quên những tác phẩm của chị như “Áo mùa đông”, “Người mẹ Quảng Trị”, hay “Trở về đất mẹ”, hoặc “Chào mừng giải phóng miền Nam”…
Đề tài cách mạng giải phóng dân tộc và hình tượng người mẹ anh hùng gắn bó với sự sáng tạo của Ngọc Bích rất sâu sắc. Mỗi ngày một khởi sắc, mỗi kịch mục lại thêm mới lạ, Ngọc Bích đã có lần bảy tỏ tâm sự rằng: “Người lính hiện lên trong tôi là sự hy sinh cao cả. Họ dũng cảm và xả thân vì đất nước…”.
NSND Ngọc Bích. |
Nghệ sĩ Ngọc Bích bồi hồi nhớ lại kỷ niệm biểu diễn ở Quảng Nam. Đó là công trình nghệ thuật mà chị dành nhiều tâm huyết biên đạo qua tiết mục “Người mẹ Quảng Nam” (2014). Người thể hiện hình tượng người mẹ không ai khác chính là Ngọc Bích.
Đây là chân dung mẹ Thứ, người có tới 9 con ruột và cháu đã hy sinh cho đất nước. Trong dáng vóc gày gò và khắc khổ, Ngọc Bích làm xúc động lòng người. Những bước chân run rẩy của người mẹ đi tìm các con trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng. Tuy vậy nét kiên gan và quả cảm của hình tượng đã vượt lên đau khổ.
Chín ngọn đèn chập chờn trong bước nhảy chậm rãi mà Ngọc Bích thể hiện đã tạo nên cảm xúc sâu sắc cho khán giả. Cùng với đó là màn múa trong lời ru chan chứa tình nhớ thương: “À…a…ơi…Bao nhiêu lá rụng trên rừng/ Bao nhiêu dào dạt sóng lừng biển khơi/ Bao nhiêu xao xác trên trời/ Bao nhiêu tình mẹ/ Bao nhiêu tình mẹ/ Một đời mẹ thương con”.
Âm nhạc trầm buồn man mác với nỗi lòng tê tái. Nhưng ngay sau đó là nhịp hành quân rộn ràng. Hình ảnh mẹ Thứ đột ngột chuyển động với nét rạo rực trong khí thế bừng sôi. Bà đã chuyển động theo những bước đi điệp trùng trong hàng quân.
Bước chân mẹ gắng gỏi vượt lên cùng các con trong lời ca: “Nén nỗi đau/ Nén nỗi đau/ Trút muôn vàn nỗi đau/ Tóc tang thương đau đến từng ngõ từng nhà/ Bộ đội hàng dài như vô tận/ Lũy tre làng chở che những nghĩa trang” (Âm nhạc Doãn Nho).
Đó là những nỗi đau không thể gọi thành tên mà người mẹ luôn vượt lên. Từ đó hình ảnh chiến sĩ, anh hùng luôn xuất hiện trong các tác phẩm của nghệ sĩ Ngọc Bích. Chị tâm sự mình muốn cất tiếng gọi tên cho những nỗi đau khôn nguôi của những người mẹ anh hùng. Đó là những vũ điệu sâu lắng biểu hiện khí phách bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Những kỷ lục bất ngờ
Điều lạ lùng với Ngọc Bích xuất hiện trước công chúng luôn gây ấn tượng với những quy mô mang tính hùng ca. Những màn múa đông người và những sự chuyển động hài hòa trong nhịp điệu. Suốt 40 năm biểu diễn và biên đạo, hàng trăm tiết mục của chị luôn nổi bật nét hoành tráng và tràn đầy sức sống.
Ngọc Bích sớm tham gia biên đạo sân khấu kịch và dân ca nên luôn hứng khởi với những quy mô phức tạp. Với tâm hồn nghệ sĩ khi đó mọi sự thanh thoát và bay bổng. Trao đổi với tôi về ngôn ngữ múa dân gian đã được chị vận dụng triệt để trong mỗi tiết mục.
Không ai không nhớ đến tác phẩm “Sóng lụa ven đô” của Ngọc Bích (HCV năm 2009). Điều đáng chú ý là tiết mục này cho đến nay vẫn còn được Nhà hát biểu diễn. Cùng với đó không ít đoàn ca múa khác đều dàn dựng tiết mục này để mở màn cho những đêm trình diễn. Đây là một trong số ít điệu múa có sức sống lâu dài so với nhiều tác phẩm khác.
Song song với kỷ lục trên, Ngọc Bích còn tham gia dự án biên đạo đặc biệt về đề tài cách mạng. Đó là những vở kịch múa kể lại cuộc đời các đồng chí Tổng Bí thư qua các giai đoạn cách mạng. Khởi động dự án này bắt đầu từ 2012 đến nay, Ngọc Bích đã dàn dựng được 10 chương trình dài hơi và bề thế trên sân khấu vũ đạo.
Gần đây Ngọc Bích còn nêu một kỷ lục làm kinh ngạc nhiều người khi chị làm tổng đạo diễn cho 5.000 nghệ sĩ và nghệ nhân múa (9-2019). Công trình “Đại xòe” diễn ra tại Nghĩa Lộ (Yên Bái) cùng với sự biến hóa sắp đặt hình tượng cho số lượng người khổng lồ không dễ dàng chút nào. Sự nỗ lực và say mê với nghiệp biên đạo của Ngọc Bích đã đem lại nhiều hiệu ứng nghệ thuật cho cộng đồng.
Năm 2015, Ngọc Bích đã được đón nhận danh hiệu NSND và Huân chương Lao động hạng Ba. Hiện chị còn là Ủy viên Ban chấp hành Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam (2020-2025). Đó là những phần thưởng xứng đáng cho người nghệ sĩ đã hiến dâng cả cuộc đời của mình cho nghệ thuật.
Chung TửXem thêm: /657236-ac-gnuh-ueid-uv-gnuhn-ioV-hciB-cogN-DNSN/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv