Hơn một năm qua, sau nhiều đợt rạp phim đóng cửa vì dịch COVID-19, rất nhiều phim đã sản xuất xong vẫn chưa thể ra rạp. Có lẽ không còn “chịu nhiệt” nổi nữa, tháng 4 này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt có 12 phim lên lịch ra rạp.
Sau phim Người lắng nghe, Bẫy ngọt ngào của Minh Hằng sản xuất là phim thứ hai công bố rút khỏi cuộc đua 12 phim Việt ra rạp tháng 4 này.
(Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)
Đáng tiếc trong các phim doanh thu thấp vẫn có những phim chất lượng không quá tệ nhưng thời điểm ra rạp cùng nhiều yếu tố khác về quảng bá làm phim chết yểu. Điều này dường như đang tiếp tục xảy ra với hàng loạt phim Việt quyết ra rạp tháng 4 này. |
Hai đại diện phim tết còn lại ra rạp
Suốt những ngày qua, khi Gái già lắm chiêu V và Bố già vẫn đang song song ra rạp thì hàng loạt phim Việt lên lịch ra rạp trong tháng 4. Mới nhất, chiều 9-3, phim Song song công bố lịch khởi chiếu là ngày 2-4, phim Trạng Tí công bố lịch chiếu của mình vào dịp lễ 30-4.
Trước đó, 10 phim khác đã công bố lịch ra rạp dự kiến gồm: Người lắng nghe (ngày 2-4), Vô diện sát nhân (ngày 9-4), Thiên thần hộ mệnh (ngày 9-4), Lật mặt: 48h (ngày 16-4), Kiều (ngày 16-4), Bẫy ngọt ngào (ngày 16-4), Rừng thế mạng (ngày 21-4), Chìa khóa trăm tỉ (ngày 23-4), Bóng đè (ngày 30-4) và 1990 (ngày 30-4). Theo lịch dự kiến này, riêng ngày 16-4 và 30-4, mỗi ngày có ba phim ra rạp.
Trong 12 phim kể trên, Trạng Tí và Lật mặt: 48h chính là hai trong bốn phim dự kiến ra rạp dịp tết Nguyên đán vừa qua. Thế nhưng dịch bệnh làm đóng cửa rạp khiến cả hai phải lùi lịch chiếu và quyết định nhảy vào lịch chiếu tháng 4 trong tuần qua.
Và không chỉ phim tết bị lùi lịch chiếu vì rạp đóng cửa, hàng loạt phim vỡ kế hoạch phát hành. Đơn cử như phim Người lắng nghe ấn định lịch chiếu bây giờ quyết định dời.
“Khi nào thì Người lắng nghe sẽ công chiếu? Câu hỏi này vừa là nguồn động viên, song cũng vừa là một áp lực cho tôi. Khi khán giả sốt ruột một thì nhà sản xuất sốt ruột đến trăm. Tôi mong phim mình sẽ sớm được ra mắt khán giả chứ. Nhưng thực tế thì thị trường phim sau một thời gian ngưng hoạt động vì dịch bệnh, dù hiện giờ đang trở lại rất khí thế với Bố già và Gái già lắm chiêu V thì điều đó không có nghĩa là thị trường đã ổn định.
Tình hình nghỉ dịch hơn một tháng dịp tết đã khiến cho toàn bộ kế hoạch phát hành của tất cả phim cả Việt lẫn nước ngoài đều bị xáo trộn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các phim không thể phát hành trong tháng 2, tháng nghỉ dịch, mà nó ảnh hưởng dây chuyền đến tất cả phim dự kiến phát hành trong các tháng tiếp theo đó, ít nhất là các phim có lịch trong quý I và quý II năm nay” - Khoa Nguyễn, đạo diễn phim Người lắng nghe, phân tích.
Điện ảnh Việt Nam trong suốt giai đoạn 2015-2019 có những bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng toàn thị trường 20%-25% mỗi năm. Nhiều phim Việt gia nhập vào câu lạc bộ những phim có doanh thu trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều phim lọt vào câu lạc bộ doanh thu dưới 1 tỉ đồng và lặng lẽ rời rạp sau ba ngày công chiếu.
Đáng tiếc trong các phim doanh thu thấp vẫn có những phim chất lượng không quá tệ nhưng thời điểm ra rạp cùng nhiều yếu tố khác về quảng bá làm phim chết yểu. Điều này dường như đang tiếp tục xảy ra với hàng loạt phim Việt quyết ra rạp vào tháng 4 này.
Bên cạnh đó, 12 phim dự kiến ra rạp tháng 4 tới giờ bắt đầu đã có hai phim công bố rút khỏi cuộc đua là Người lắng nghe và Bẫy ngọt ngào. Một số nhà sản xuất thì đang lên nhiều phương án xem tình hình rút hay dời ngày để có phim nào rời lịch chiếu thì họ lập tức nhảy vào thế chỗ.
Nhà sản xuất, đạo diễn nên hợp tác “Việc quyết định phim ở lại hay rời khỏi rạp chiếu chỉ có nhà sản xuất mới hiểu chính xác nhất. Bởi chính mình mới biết phim mình chất lượng ra sao… Để có thể có một thị trường điện ảnh cùng tiến, câu chuyện không phải các nhà sản xuất chăm chăm vào lịch phát hành mà nhà sản xuất, đạo diễn… có nghề cần hợp tác để ra phim chất lượng. Biết khán giả của mình hướng tới là ai, khi đó việc cạnh tranh không còn là lịch chiếu” - nhà sản xuất, diễn viên Thanh Thúy chia sẻ. |
Quyết định rời khỏi rạp
Nhà sản xuất, diễn viên Minh Hằng của phim Bẫy ngọt ngào cũng sẽ rút phim mình khỏi tháng 4 này, bởi Minh Hằng cho rằng: “Tổng quan nền điện ảnh Việt sau năm thành công rực rỡ 2019 thì bước vào năm 2020, 2021 vấp đại dịch.
Điêu đứng là điều thấy rõ nhưng chúng ta chưa đến mức phải cạnh tranh suất chiếu với lượng phim ra rạp dày đặc như thế. Thị phần khán giả ra rạp vì phim Việt chưa lớn và chưa ổn định. Chúng ta có phim doanh thu hàng trăm tỉ nhưng có phim chỉ 1, 2 tỉ, rất hiếm có phim doanh thu trung bình, gỡ vốn… Nhìn lịch phim tháng 4, rất nhiều phim chất lượng, khán giả có vô cùng nhiều chọn lựa. Và khi buộc phải chọn một, họ sẽ bỏ qua những phim chất lượng. Rất hiếm khán giả có thể ra rạp liên tục mỗi ngày để xem hết năm, ba phim… Tại sao các nhà sản xuất không ngồi lại cùng nhau để có người lùi, người tiến với kết quả cuối cùng là vì một nền điện ảnh Việt cùng tiến?”.
Thực tế, một phim ra rạp thắng hay thua thể hiện rõ trong suất chiếu ba ngày đầu tiên. Sau ba ngày phim không nhiều người xem, hẳn nhiên nhà phát hành sẽ giảm suất chiếu, giờ chiếu không đẹp, rạp chiếu không trung tâm. Phim nào rơi vào tình trạng đó giỏi lắm sống sót thêm không quá một tuần.
“Chúng tôi sau đó đã ấn định ngày ra rạp chính thức nhưng vẫn quyết định dời lịch phát hành. Đoàn phim hoàn toàn hiểu các phim đang bị dồn sau thời gian dài rạp đóng cửa vì COVID-19.
Bất cứ phim nào phát hành trong giai đoạn này cũng đồng nghĩa với việc đối đầu nhau, theo tôi điều đó không nên. Lịch phim Việt ra rạp từ nay đến cuối năm chưa có nhiều, vậy tại sao phim Việt phải đấu với nhau trong một tháng ngắn ngủi? Từ câu hỏi đó, chúng tôi đã ngồi lại với nhà phát hành, các nhà đầu tư cùng cân nhắc lại thời điểm ra rạp. Người lắng nghe sẽ ra rạp sau tháng 5 để các phim giảm bớt chia sẻ thị phần, giảm rủi ro về doanh thu. Chúng tôi tạm thời chọn phương án lùi một bước riêng mình để thị trường chung cùng tiến” - ông Nguyễn Nguyên Duy, nhà sản xuất phim Người lắng nghe, chia sẻ.
Đại dịch, thiên tai… là những điều không ai mong muốn ở bất cứ lĩnh vực nào. Tuy nhiên, giữa thị trường điện ảnh đang khó khăn như hiện tại, các nhà sản xuất, nhà phát hành càng cần bình tĩnh trước những sự cố ảnh hưởng đến việc ra rạp của phim. Càng mất bình tĩnh thì cạnh tranh càng không lành mạnh, nhà sản xuất càng dễ rơi vào doanh thu thấp hoặc ôm lỗ mà thôi.