Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken - Ảnh: AFP
Theo thông báo của Nhà Trắng ngày 10-3, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cũng sẽ góp mặt trong cuộc hội đàm trực tiếp ở Alaska.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki kế đó ngầm bác bỏ việc Mỹ và Trung Quốc thảo luận riêng trong cuộc gặp trên đất Mỹ. Bà Psaki khẳng định cuộc gặp diễn ra sau khi Washington đã "gặp và tham khảo ý kiến chặt chẽ những đối tác và đồng minh ở cả châu Á và châu Âu".
"Đây là cơ hội để giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm cả những vấn đề mà chúng tôi có những bất đồng sâu sắc", Thư ký báo chí Nhà Trắng nói về cuộc gặp sắp tới.
Phát biểu trong một cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ ngày 10-3, Ngoại trưởng Blinken bác bỏ việc Mỹ đang đặt nhiều kỳ vọng trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Ông khẳng định Mỹ sẽ dựa trên "những tiến triển và kết quả hữu hình" để quyết định có các cuộc tiếp xúc tiếp theo hay không.
Theo Reuters, phát ngôn này cho thấy Mỹ và Trung Quốc sẽ không có các cuộc đối thoại cấp cao thường xuyên. Những cuộc hội đàm như vậy thường diễn ra dưới thời các chính quyền tiền nhiệm của ông Biden, nhưng gần đây đã vấp phải nhiều chỉ trích vì không đạt được tiến bộ đáng kể.
Hãng tin Reuters đã dành sự chú ý cho thời điểm diễn ra cuộc gặp. Theo Reuters, cuộc gặp sẽ diễn ra ngay sau chuyến công du châu Á đầu tiên của Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
"Cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực ngoại giao để định hình các liên minh ở châu Á và châu Âu để chống lại Trung Quốc", hãng tin của Anh bình luận.
Tổng thống Biden và người đồng cấp Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã điện đàm vào tháng trước và cho thấy sự mâu thuẫn về hầu hết các vấn đề. Chủ tịch Trung Quốc khi đó đã cảnh báo đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là một thảm họa cho cả hai nước.
Ông Biden dự kiến sẽ có cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước Nhật Bản, Úc và Ấn Độ trong tuần này, đánh dấu cuộc họp đầu tiên của lãnh đạo nhóm 4 nước được biết đến với tên gọi "Tứ giác kim cương". Trung Quốc xem "Bộ Tứ" này là một tập hợp nhằm kiếm chế tham vọng và răn đe nước này mở rộng ảnh hưởng tại khu vực.
Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận xét Mỹ đang muốn gởi thông điệp "các liên minh của chúng tôi rất mạnh mẽ" khi chọn gặp ở Alaska vào thời điểm này.
Những vấn đề có thể thảo luận bao gồm các chính sách của Trung Quốc đối với Hong Kong, sức ép của Bắc Kinh đối với Đài Loan, cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và những gì Washington coi là sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc với Úc.
"Nếu người Trung Quốc tiếp tục lặp lại thông điệp rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm cho các vấn đề phát sinh trong quan hệ Mỹ-Trung và quả bóng đang ở phần sân Mỹ, cuộc gặp này coi như chẳng đạt được gì tích cực", bà Glaser nêu quan điểm.
Alaska là bang có diện tích lớn nhất Mỹ nhưng mật độ dân số thuộc vào hàng thưa nhất. Nhiệt độ trung bình của Alaska trong tháng 3 nằm ở mức lạnh, dao động không nhiều xung quanh mốc 0 độ C
TTO - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết nước này không thay đổi quan điểm về việc Trung Quốc đã phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người trong cách đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương.
Xem thêm: mth.29685007011301202-couq-gnurt-iov-uad-nal-tam-pag-ion-mal-oel-hnal-cuv-uhk-nohc-ym/nv.ertiout