So với đường dây sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, Sóc Trăng) bị khởi tố và bắt giữ năm 2019 thì đường dây buôn lậu và làm xăng giả mới bị công an Đồng Nai triệt phá có quy mô mà mức độ còn lớn hơn, nghiêm trọng hơn. Theo đó, chuyên án 920-G với 31 ngày phá án đã khởi tố, bắt tạm giam hơn 40 đối tượng.
Thủ đoạn tinh vi
Trong vụ Trịnh Sướng, 39 đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam với hành vi chủ yếu là dùng hàng ngàn tỉ đồng mua hoá chất pha chế dung môi (Naphtha, Solmix, Orgasol, BMSol White, BMSol Petro) với xăng nền, hóa chất tăng RON (Toluene, MTBE, Xylene, Ethanol) và hỗn hợp màu Azo để tạo thành xăng A95, E5, RON 92 giả bán ra thị trường. Qua đó thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng.Tuy nhiên, thủ đoạn của các đối tượng trong vụ xăng giả ở Đồng Nai tinh vi hơn. Theo báo cáo của công an Đồng Nai, các đối tượng sử dụng tàu biển có trọng tải lớn trực tiếp nhập xăng từ ngoài phao số 0, sau đó để che giấu hành vi phạm tội và gây khó khăn cho lực lượng chức năng, các đối tượng đã sử dụng ụ nổi đưa ra giữa lòng sông Hậu có bề rộng lòng sông là 2,5 km, thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long để neo đậu các tàu, xà lan bơm hút xăng. Đồng thời tổ chức lực lượng, sử dụng các tàu cao tốc để cảnh giới xung quanh khu vực ụ nổi. Ở trên bờ, đối tượng dùng các nhà nuôi chim yến để cảnh giới người lạ xâm nhập…
Đường dây được tổ chức chặt chẽ, với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng, liên quan đến nhiều tỉnh thành trong cả nước. Các đối tượng tham gia đường dây này có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, từ nhập hàng, bơm hút, pha chế, hợp thức hóa chứng từ và vận chuyển đến các cây xăng để tiêu thụ.
Các đối tượng sử dụng mạng lưới các đơn vị bán lẻ xăng dầu ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… nhằm chi dấu hành vi.
Chuyên án 920-G và 31 ngày phá án
Bắt đầu tư nguồn tin tố giác tội phạm, Công an Đồng Nai phát hiện một số cây xăng trên địa bàn tỉnh có biểu hiện mua bán xăng giả kém chất lượng nên đã xác lập chuyên án để đấu tranh. Chuyên án mang tên 920-G.
Thực hiện chuyên án và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, trên cơ sở chứng cứ đã thu thập được, đêm 6.2.2021, Công an tỉnh Đồng Nai đã chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triển khai 14 tổ công tác, huy động trên 500 cán bộ, chiến sĩ, đồng loạt khám xét khẩn cấp các địa điểm kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng tại các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, bắt quả tang các đối tượng khi đang vận chuyển, mua bán, “sang mạn” tàu để pha chế, bơm hút, vận chuyển xăng nhập lậu với số lượng lớn tại ụ nổi trên sông Hậu thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Khi lực lượng Công an áp sát, các đối tượng đã chống trả quyết liệt, liều lĩnh dùng tàu lớn lao thẳng vào tàu của lực lượng Công an, bỏ chạy nhằm xóa bỏ hiện trường. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an đã nhanh chóng khống chế toàn bộ các đối tượng, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho quần chúng nhân dân và lực lượng tham gia.
Vật chứng thu giữ gồm: 2 tàu biển có tải trọng 1.500 tấn, 5 xà lan có tải trọng từ 400 đến 1.000 tấn, 6 xe bồn, 2.680.000 lít xăng, 04 thùng hóa chất để tạo màu, trên 100 tỉ đồng tiền mặt, gần 50 quyển sổ đỏ, 12 thùng tài liệu hồ sơ, sổ sách và các tang vật liên quan đến hoạt động phạm tội của các đối tượng.
Mở rộng chuyên án, ngày 9.2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với hàng chục đối tượng, trong đó có Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ. Đây là hai đối tượng xác định là những kẻ cầm đầu đường dây buôn lậu xăng giả.
Ngày 10.2, Công an tỉnh Đồng Nai công bố đã bắt Trần Ngọc Thanh (46 tuổi, ngụ Đồng Tháp). Đây là đối tượng được xác định là “vợ bé” của kẻ cầm đầu Nguyễn Hữu Tứ.
Tiếp đó, ngày 18.2, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đã bắt khẩn cấp Lê Thanh Trung (38 tuổi, TP.Cần Thơ). Trung được xác định “trùm” mua bán hóa đơn giả để tiêu thụ xăng giả trong đường dây.
Đáng chú ý, ngày 5.3, hai đối tượng là đối tượng Dương Văn Mẫn (sinh năm 1978, trú tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, là thuyền trưởng tàu Nhật Minh 07) và Trịnh Xuân Mơ (sinh năm 1984, trú tại quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, là thuyền trưởng tàu Nhật Minh 09). Đây cũng chính là hai chiếc tàu đã bỏ trốn khỏi hiện trường trong đêm 6.2.2021 khi lực lượng Công an đồng loạt khám xét khẩn cấp các địa điểm kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng tại các tỉnh Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi bỏ trốn, để che mắt lực lượng chức năng các đối tượng trên hai tàu Nhật Minh 07 và Nhật Minh 09 đã tổ chức sơn sửa lại, việc làm này đã gây rất nhiều khó khăn trong quá trình truy tìm của lực lượng Công an. Đến chiều 24.2.2021, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện và thu giữ hai tàu Nhật Minh 07 và Nhật Minh 09 tại cầu cảng sông Hậu (xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).
Gần đây nhất, ngày 9.3.2021, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an triển khai lực lượng đồng loạt khám xét khẩn cấp tại 10 địa điểm là kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở; thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Lê Thanh Tú (giám đốc) và vợ là Trần Thị Thanh Vân (quản lý điều hành) của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc về tội Buôn lậu.
Đối tượng Lê Thanh Tú và vợ là Trần Thị Thanh Vân cùng trú tại phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã mua xăng nhập lậu, xăng giả của Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ sau đó phân phối ra thị trường để tiêu thụ.
Hơn 40 đối tượng và sự tiếp tay của cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu
Ngày 5.3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Văn Thụy (57 tuổi), cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, để điều tra về tội nhận hối lộ. Trước khi bị bắt tạm giam, ông Ngô Văn Thụy giữ chức vụ Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan. Ông Thụy bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến nhận tiền hối lộ của một số bị can bị bắt trong đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả quy mô lớn do Phan Thanh Hữu cầm đầu.
Tính đến ngày 9.3, đường dây buôn lậu và bán xăng giả của Nguyễn Hữu Tú đã bị khởi tố, bắt tạm giam hơn 40 đối tượng về các hành vi “buôn lậu”, “sản xuất, buôn bán hàng giả”, “mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.
Hiểm hoạ từ 200 triệu lít xăng giả
Công ty Vân Trúc của cặp vợ chồng Tú - Vân có trụ sở chính tại số 71/1G, khu phố Đồng An 2, phường Bình Hòa, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ngoài trụ sở chính, Lê Thanh Tú và Trần Thị Thanh Vân còn thành lập thêm 11 chi nhánh của Công ty Vân Trúc tại TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, xây dựng 1 bến thủy nội địa có thể tiếp nhận tàu thủy chở xăng với tải trọng 1.000 tấn, sử dụng 4 tàu có tải trọng từ 400 đến 1.000 tấn để vận chuyển xăng nhập lậu, xăng giả; 1 kho với 7 bồn chứa, tổng dung tích khoảng 4,5 triệu lít. Trung bình mỗi ngày, Lê Thanh Tú và Trần Thị Thanh Vân đã đưa ra thị trường tiêu thụ trên 500.000 lít xăng nhập lậu, xăng giả.
Đây chỉ là một mắt xích trong đường dây buôn lậu xăng giả do “ông trùm” Nguyễn Hữu Tú cầm đầu.
Theo cơ quan công an, hàng ngày, các đối tượng của đường dây đã cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả, kém chất lượng ra thị trường; tính từ tháng 8.2020 đến nay, các đối tượng đã cung cấp ra thị trường trên 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng.
Số lượng xăng khổng lồ này khi được sử dụng sẽ mang nhiều nguy cơ đối với phương tiện. Theo các cơ quan giám định: Những mẫu xăng không đạt tiêu chuẩn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ và có thể gây hỏng. Trong thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ các phương tiện khi tham gia giao thông”.
Chuyên án 920-G chưa kết thúc và tiếp tục được mở rộng điều tra để đưa đường dây xăng giả khủng này ra trước pháp luật.
Xem thêm: odl.667788-na-ahp-yagn-13-til-ueirt-002-aig-gnax-yad-gnoud-ahp-teirt-hnirt-hnah/taul-pahp/nv.gnodoal