vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ tai nạn gần nhà bị mang xác đi chôn: Những tình tiết bất ngờ và khía cạnh pháp lý

2021-03-11 10:42

Từ những quy định pháp luật...

Để tìm hiểu rõ quy định của Luật giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật liên quan đến trường hợp này, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội)

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Điều 38, Luật giao thông đường bộ 2008 quy định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông như sau: Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

An ninh - Hình sự - Vụ tai nạn gần nhà bị mang xác đi chôn: Những tình tiết bất ngờ và khía cạnh pháp lý

Gia đình nạn nhân trao đổi thông tin vụ việc với PV.

 

Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây: Bảo vệ hiện trường; Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; Bảo vệ tài sản của người bị nạn; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này. Cơ quan công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và Ủy ban nhân dân địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm kịp thời thông báo cho cơ quan công an, y tế đến để xử lý, giải quyết vụ tai nạn; tổ chức cứu chữa, giúp đỡ người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn; trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất. Trường hợp vụ tai nạn vượt quá khả năng giải quyết, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên. Về nguyên tắc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Điều 3 Thông tư 63/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 quy định:

- Tất cả các vụ tai nạn giao thông xảy ra phải được điều tra, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện; các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, xử lý tin báo về tai nạn giao thông phải khẩn trương cử cán bộ đến hiện trường để giải quyết theo quy định thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Lực lượng cảnh sát giao thông phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong công an nhân dân khi điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông bảo đảm tập trung, thống nhất theo chỉ đạo của thủ trưởng công an các cấp. Cơ quan, đơn vị, cá nhân cấp dưới chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của cấp trên; cá nhân chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

- Không được lợi dụng, lạm dụng công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

An ninh - Hình sự - Vụ tai nạn gần nhà bị mang xác đi chôn: Những tình tiết bất ngờ và khía cạnh pháp lý (Hình 2).

Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội). Ảnh: Facebook LS Cường.

 

Khi tai nạn giao thông xảy ra, trình tự giải quyết tai nạn giao thông được thực hiện như sau:

+ Tiếp nhận tin báo và xử lý tin báo; giải quyết ban đầu khi cán bộ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phát hiện vụ tai nạn giao thông hoặc được phân công đến hiện trường vụ tai nạn giao thông (tổ chức cứu nạn, cứu hộ, Bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông; tổ chức, hướng dẫn giao thông không để xảy ra ùn tắc; thu thập thông tin ban đầu; huy động, trưng dụng phương tiện,… )

Trong giai đoạn này cán bộ cảnh sát giao thông phải xác định số người chết, bị thương, thông báo kịp thời cho cơ sở y tế nơi gần nhất để tổ chức cấp cứu người bị nạn. Trường hợp người bị thương còn nguyên vị trí tại hiện trường sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông phải đánh dấu vị trí người bị nạn, xét thấy cần thiết thì tổ chức sơ cứu trước khi đưa nạn nhân đi cấp cứu; trường hợp sử dụng phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông để đưa người bị nạn đi cấp cứu phải đánh dấu vị trí của phương tiện, vị trí dấu vết trên phương tiện; tạm giữ giấy tờ của phương tiện và giấy tờ của người điều khiển phương tiện (nếu có); Trường hợp đến hiện trường mà người có liên quan trong vụ tai nạn giao thông bị thương đã được đưa đi cấp cứu hoặc rời khỏi hiện trường, phải cử cán bộ xác minh nhân thân của nạn nhân; thông qua bác sỹ, nhân viên cơ sở y tế cấp cứu nạn nhân để xác minh nhanh tình trạng tổn thương cơ thể của nạn nhân; trường hợp người bị nạn đã chết phải giữ nguyên vị trí và che đậy lại, không di chuyển các phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông tại hiện trường.

Khi thu thập thông tin ban đầu, cán bộ cảnh sát giao thông phải quan sát để phát hiện, thu thập các dấu vết dễ bị thay đổi hoặc mất; những thay đổi ảnh hưởng đến hiện trường trong quá trình tổ chức cấp cứu người bị nạn; tìm người điều khiển phương tiện và những người có liên quan đến vụ tai nạn giao thông; kiểm tra, tạm giữ giấy tờ của người và phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông; tìm những người làm chứng, người biết việc để thu thập thông tin về vụ tai nạn giao thông (nếu có thì ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân); Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang cấp cho lực lượng cảnh sát giao thông để kiểm tra ngay nồng độ cồn hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng đối với người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông tại hiện trường hoặc yêu cầu cơ sở y tế kiểm tra nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn đang được cấp cứu; xem xét, thu thập dữ liệu điện tử qua Hệ thống giám sát giao thông của cảnh sát giao thông; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp cung cấp dữ liệu điện tử của thiết bị giám sát hành trình gắn trên phương tiện đi qua khu vực hiện trường hoặc hình ảnh qua camera của cơ quan, tổ chức, cá nhân xung quanh khu vực hiện trường trong khoảng thời gian xảy ra tai nạn giao thông (nếu có).

Khám nghiệm hiện trường: Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường phải lập biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ theo mẫu số 05/TNĐB ban hành theo thông tư này và vẽ Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ theo mẫu số 06/TNĐB ban hành theo thông tư này; sơ đồ hiện trường phải đồng nhất với biên bản khám nghiệm hiện trường …

Như vậy, khi có vụ việc tai nạn giao thông xảy ra thì căn cứ vào hồ sơ, tài liệu của hoạt động điều tra, xác minh, trường hợp xác định vụ tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm thì cán bộ cảnh sát giao thông báo cáo kết quả và đề xuất giải quyết vụ tai nạn giao thông đến lãnh đạo có thẩm quyền ra thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn gia thông.

Trường hợp này việc giải quyết vụ tai nạn giao thông theo thủ tục hành chính: Cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ mời các bên liên quan hoặc đại diện hợp pháp của họ đến trụ sở đơn vị để thông báo kết quả điều tra, xác minh (kết luận nguyên nhân, diễn biến vụ tai nạn giao thông, xác định lỗi của những người có liên quan trong vụ tai nạn giao thông và hình thức xử lý vi phạm hành chính), đồng thời lập biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông theo mẫu số 15/TNĐB ban hành theo thông tư này.

Lập biên bản vi phạm hành chính (nếu có) theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính; Nếu một trong các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông vắng mặt có lý do chính đáng, thì phải lập biên bản ghi nhận việc vắng mặt và hẹn thời gian đến giải quyết.

Báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có). Cho các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông tự giải quyết bồi thường thiệt hại dân sự tại trụ sở cơ quan. Trường hợp các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông không tự thỏa thuận giải quyết bồi thường thiệt hại dân sự thì phải lập biên bản, đồng thời hướng dẫn các bên liên hệ với tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Sau khi hoàn thành việc điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông, cán bộ Cảnh sát giao thông thụ lý hoàn chỉnh hồ sơ và báo cáo lãnh đạo đơn vị kết thúc việc điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo tai nạn giao thông đường bộ, lưu hồ sơ theo quy định của bộ Công an và pháp luật có liên quan.

Trường hợp vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm: Cán bộ cảnh sát giao thông thuộc công an cấp huyện phải báo cáo trưởng công an cấp huyện chuyển hồ sơ, tài liệu, tang vật, phương tiện vụ tai nạn giao thông cho đội điều tra tổng hợp tiếp nhận điều tra, giải quyết; cán bộ cảnh sát giao thông thuộc cục Cảnh sát giao thông phải báo cáo cục trưởng, cán bộ cảnh sát giao thông thuộc phòng cảnh sát giao thông công an cấp tỉnh phải báo cáo trưởng phòng để chỉ đạo việc điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông.

Trường hợp phát hiện vụ việc do cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý gây ra vụ tai nạn giao thông để xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người khác hoặc để che giấu hành vi phạm tội khác thì cán bộ cảnh sát giao thông phải báo cáo lãnh đạo đơn vị chuyển hồ sơ, tang vật, phương tiện cho cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền điều tra, giải quyết.

Dưới góc độ pháp lý, nếu người gây tai nạn giao thông làm chết người mà có vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây tai nạn.

Trường hợp có người cố ý thực hiện hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nhằm gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng cho cá nhân, tổ chức khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người (Điều 123 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017), tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017), tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017) ...

...đến những những tình tiết bất ngờ cần làm rõ

Như vậy, khi có tai nạn giao thông xảy ra thì cán bộ cảnh sát giao thông phải tuân thủ quy trình, thủ tục giải quyết theo quy định tại thông tư 63/2020/TT-BCA nêu trên. Trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì sau khi đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật, cơ quan cảnh sát giao thông có thể đồng ý để Ủy ban nhân dân có thẩm quyền tổ chức chôn cất.

Cần xem xét cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc tai nạn giao thông đã thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục chưa? Khi đồng ý cho Ủy ban nhân dân chôn xác nạn nhân thì cơ quan công an đã tiến hành xác minh tung tích, thông báo tìm kiếm nhân thân của nạn nhân theo quy định chưa? Nếu cơ quan cảnh sát giao thông đã thực hiện đúng theo quy trình, quy định và không xác định được tung tích và thân nhân của nạn nhân thì có thể đồng ý để Uỷ ban nhân dân chôn cất theo quy định.

Trường hợp có hành vi tự ý chôn xác của nạn nhân tai nạn giao thông chưa đúng theo quy định pháp luật hoặc có dấu hiệu của hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc che giấu tội phạm thì có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Cũng theo Luật sự Đặng Văn Cường, Luật không quy định cụ thể trong vòng bao lâu thì phải chôn cất thi thể nạn nhân. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải thực hiện thủ tục thông báo tìm kiếm theo quy định nêu trên. Thông thường thì việc chôn cất sẽ được thực hiện trong không quá 24 giờ đồng hồ, trừ trường hợp thực hiện chưa xong thủ tục.

Tối 10/3, thông tin từ Công an Thanh Hóa, khoảng 20h ngày 06/3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoằng Hoá tiếp nhận thông tin từ Công an xã Hoằng Đồng, với nội dung: Khoảng 20h30 ngày 6/03, tại Km 321+60 Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô đầu kéo mang BKS:36C- 101.16, kéo rơ moóc mang BKS: 36R- 004.75 do Lại Thế Long (SN 1984), trú ở phường Ba Đình, TX.Bỉm Sơn điều khiển đi theo hướng từ TP.Thanh Hoá đi Hà Nội với người đi bộ chưa rõ danh tính.

Hậu quả, người đi bộ bị tử vong tại hiện trường. Sau khi tiếp nhận thông tin, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoằng Hóa đã phân công tổ công tác thuộc đội Điều tra tổng hợp xuống hiện trường, phối hợp với Viện kiểm sát Nhân dân huyện Hoằng Hoá và chính quyền địa phương, tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định danh tính tung tích nạn nhân, đồng thời trưng cầu phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hoá tiến hành khám nghiệm tử thi.

Trong quá trình khám nghiệm, cơ quan điều tra đã thông báo cho công an các xã lân cận hiện trường vụ tai nạn, đặc biệt là ban công an xã Hoằng Đồng đến nhận dạng tử thi nhưng vẫn không xác định được danh tính.

Công an huyện Hoằng Hoá đã thu mẫu để phục vụ công tác giám định và truy tìm tung tích nạn nhân. Sau khi tiến hành xong các thủ tục theo quy định, do trời mưa to, thi thể nạn nhân đã biến dạng, trong người nạn nhân không có giấy tờ tuỳ thân, không có điện thoại di động, cũng như không xác định được danh tính nạn nhân. Căn cứ quy định của pháp luật, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoằng Hoá đã tiến hành lập biên bản bàn giao tử thi cho UBND xã Hoằng Đồng để mai táng, chôn cất theo quy định của pháp luật và phong tục của địa phương. 

Ngày 07/3/, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoằng Hoá đã ra thông báo truy tìm tung tích nạn nhân, gửi kèm theo ảnh tử thi đến công an các xã, đài truyền thanh huyện để thông báo và truy tìm, tiếp tục điều tra, làm rõ vụ tai nạn. Đến ngày 09/3 anh Lê Văn Thành (SN 1993), trú ở thôn Quang Trung xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa đến công an xã Hoằng Đồng nhận diện nạn nhân qua ảnh và làm đơn gửi cơ quan điều tra để xác định danh tính nạn nhân.

Qua hình anh công an cung cấp, gia đình cho biết, nạn nhận của vụ tai nạn trên là ông Lê Văn D. (SN 1963), trú tại thôn Quang Trung, xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Vụ tai nạn xảy ra vào đêm 6/3, trên QL1A, đoạn qua xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa.

Chiều 9/3, ông Lê Văn Hùng (SN 1957 – anh trai nạn nhân) cho biết, gia đình và người dân địa phương rất ngờ, khó hiểu khi lực lượng công an và chính quyền địa phương vội mang thi thể nạn nhân chôn cất ngay trong đêm, mà không thông báo với gia đình. Đến lúc này, họ chưa nhận được bất kỳ lời giải thích nào từ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. 

Theo ông Hùng, tối 6/3, em trai ông ra khỏi nhà tới các gia đình trong thôn chơi. Đến khuya không thấy ông D. về nên mọi người đi tìm nhưng không thấy. Sáng hôm sau, vợ và con tiếp tục đi tìm nhưng tung tích ông D. vẫn “bặt vô âm tín".

15h ngày 7/3, gia đình ông Hùng nghe thông tin đêm qua có một người đàn ông bị tai nạn (va chạm với xe đầu kéo) và đã được chôn cất trong nghĩa trang của thôn. Do không thấy ông D. về nhà, tìm kiếm không có kết quả, gia đình đã tới công an xã hỏi thăm, xin cho xem hình ảnh chụp nạn nhân bị tai nạn. Xem hình ảnh xong, gia đình nạn nhân tá hỏa, người được công an và chính quyền chôn cất ngay trong đêm tại nghĩa trang thôn Quang Trung chính là ông D. Cũng theo ông Hùng, thông tin gia đình nắm được, vụ tai nạn xảy ra trong khoảng thời gian từ 21 – 22h ngày 6/3, trên tuyến đường tránh QL1A, đoạn qua xã Hoằng Đồng (cách nhà nạn nhân khoảng 1km). Đến khoảng 4 -5h sáng hôm sau (ngay trong đêm), thi thể ông D. đã được công an và chính quyền địa phương đem tới chôn cất tại nghĩa trang của thôn Quang Trung, mà gia đình không hề hay biết.

Tới sáng 9/3, hệ thống loa phát thanh của xã Hoằng Đồng mới phát thông báo tìm tung tích người gặp nạn chính là ông D., trong khi ông này đã được chôn cất cách đó 3 ngày. Theo gia đình nạn nhân, dù bị tai nạn tử vong, nhưng khuôn ông D. không biến dạng, khi xem qua hình ảnh mọi người trong nhà đều dễ dàng nhận ra ông này.

Ông Nguyễn Hữu Phương – Chủ tịch UBND xã Hoằng Đồng xác nhận, việc ông Lê Văn D. bị tai nạn giao thông tử vong và được chôn cất ngay trong đêm 6/3 tại nghĩa trang thôn Quang Trung là đúng thực tế.

Theo ông Phương, khoảng 00h ngày 7/3, ông này nhận được tin có một người đàn ông tử vong sau vụ va chạm với xe đầu kéo trên tuyến đường tránh QL1A, đoạn qua địa bàn xã.

“Khoảng 00h đêm, các anh em công an xã điện nói công an huyện muốn gặp anh. Họ báo cáo tôi có việc chôn cất người đề nghị xã chỉ địa điểm và thanh toán tiền chôn cất người chết vì tai nạn giao thông, sau họ sẽ làm hồ sơ hoàn lại. Khoảng 5h, gần sáng thì chôn cất. Đến bây giờ (PV – chiều 9/3) tôi cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo gì từ công an xã. Xã không chủ trì và quyết định việc chôn cất mà do Đội Cảnh sát điều tra tổng hợp Công an huyện Hoằng Hóa” – ông Phương cho hay.

 

Xem thêm: lmth.901805a-yl-pahp-od-cog-av-al-teit-hnit-nohc-id-cax-gnam-ib-nan-iat-uv/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vụ tai nạn gần nhà bị mang xác đi chôn: Những tình tiết bất ngờ và khía cạnh pháp lý”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools