vĐồng tin tức tài chính 365

Phân tích về chiến lược mới của Trung Quốc

2021-03-11 11:58

Phân tích về chiến lược mới của Trung Quốc

TS. Phạm Sỹ Thành (*)

(KTSG) - Kỳ họp hàng năm của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (quốc hội) và Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, khai mạc hôm 4-3-2021, có một ý nghĩa quan trọng khác thường vì sẽ thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc năm năm lần thứ 14 và cũng là lần đầu tiên Tầm nhìn 2035 được trình để quốc hội Trung Quốc thông qua.

Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc tham dự cuộc họp khai mạc kỳ họp thứ tư của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân.

Những điểm mới

Về phương hướng. Nếu kế hoạch năm năm lần thứ 13 giới thiệu khái niệm “trạng thái bình thường mới” phản ánh nhận thức về cách ứng phó của lãnh đạo Trung Quốc với thay đổi của môi trường bên ngoài còn tương đối mơ hồ thì ở kế hoạch lần này, lãnh đạo Trung Quốc cho rằng đã chuyển sang “một giai đoạn phát triển mới” nên cần “triết lý phát triển mới” với “cách thức phát triển mới” (gọi là “ba tuyến mới”).

Trong đó, giai đoạn phát triển mới được hiểu là Trung Quốc chuyển từ xây dựng xã hội khá giả toàn diện sang xây dựng đất nước hiện đại hóa, đồng thời các thách thức đến từ môi trường bên ngoài là không thể tranh khỏi. Trong bối cảnh đó, triết lý phát triển mới nhấn mạnh đổi mới sáng tạo (innovation), bền vững (green), mở cửa và chia sẻ lợi ích của phát triển đồng đều hơn cho người dân. Cách thức phát triển mới chủ yếu dựa vào sức mạnh tự thân.

Về các ưu tiên. Mặc dù kế hoạch và tầm nhìn cũng bao gồm 10 trọng tâm như kế hoạch năm năm lần thứ 13, nhưng thứ tự ưu tiên và cách diễn đạt đã thay đổi hoàn toàn. Có ba ưu tiên đáng chú ý được cho là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự phát triển của Trung Quốc trong năm năm tới và có thể xa hơn nữa (đến năm 2035). Đó là (i) tăng cường cho đổi mới sáng tạo và (ii) trở thành cường quốc về chế tạo và (iii) thay đổi cách quản lý xã hội.

Để thực hiện tăng cường đổi mới sáng tạo, Chính phủ Trung Quốc cam kết tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) thêm 7%/năm, năm 2021 chi cho nghiên cứu cơ bản sẽ tăng 10,6%. Điều này được cho là để vá lỗ hổng mà cuộc chiến công nghệ với Mỹ đã phơi bày điểm yếu của nghiên cứu cơ bản tại Trung Quốc. Số liệu cho thấy chi cho R&D của Trung Quốc tương đương 2,1% GDP (xếp thứ 18 thế giới) nhưng chi cho nghiên cứu cơ bản chỉ chiếm 5% trong chi cho R&D (con số này của Mỹ là 15% của R&D).

Để thực hiện kế hoạch toàn diện nâng cấp năng lực sản xuất của mình cho tới năm 2025, kế hoạch lần này đã xác định tám lĩnh vực ưu tiên gồm đất hiếm và vật liệu mới, robot, động cơ máy bay, phương tiện năng lượng mới và ô tô thông minh, thiết bị y tế cao cấp và y học sáng tạo như vaccin, máy móc nông nghiệp, thiết bị chính được sử dụng trong ngành đóng tàu, hàng không và đường sắt cao tốc, và các ứng dụng công nghiệp của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Bắc Đẩu

Về mục tiêu cụ thể. Một khác biệt quan trọng là kế hoạch năm năm lần 14 không còn đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân cụ thể cho giai đoạn năm năm tiếp theo (lần trước mục tiêu là tăng trung bình 6,5%). Đây là một bước tiến về tư duy điều hành chính sách của Trung Quốc khi chỉ tập trung vào chỉ tiêu việc làm/thất nghiệp và kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, nó cũng giúp giảm áp lực nợ công cho các địa phương và hạn chế bệnh báo cáo thành tích giả.

Nhận diện Trung Quốc với những thay đổi lớn

Thứ nhất, con số 2035 có thể gợi ý rằng Trung Quốc có thể sẽ có một lãnh đạo tiếp tục tại vị đến năm 2035 mà không có sự chuyển giao thế hệ giữa chừng. Điều này, nếu xảy ra, sẽ cho phép chúng ta hình dung về các đặc tính chính sách hiện nay của Trung Quốc sẽ được duy trì nhất quán và thậm chí ở một mức độ cao hơn.

Thứ hai, nội dung đề cương của kế hoạch năm năm cho thấy về mặt chiến lược, Trung Quốc hướng đến việc điều chỉnh để không phụ thuộc vào môi trường bên ngoài theo cách trước đây. Nói cách khác, quốc gia này đặt trọng tâm vào ngăn ngừa rủi ro của môi trường bên ngoài.

Điều này đã sớm thể hiện từ đầu năm nay khi các lãnh đạo địa phương Trung Quốc dẫn lại lời ông Tập Cận Bình nhận định rằng “Mỹ là nguồn gốc của nhiễu loạn trên thế giới. Mỹ là đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển và an ninh của nước ta”. Để ngăn ngừa rủi ro bên ngoài, kế hoạch năm năm lần thứ 14 nhấn mạnh ba giải pháp là phải phấn đấu để “tự chủ công nghệ”, “duy trì thế mạnh về chuỗi cung ứng” không để các nhà đầu tư nước ngoài dời đi và cần khai thác thị trường trong nước tốt hơn nữa qua chiến lược “tuần hoàn kép”.

Thứ ba, Trung Quốc sẽ quyết đoán hơn giai đoạn trước. Trung Quốc sắp tới được dự báo sẽ (i) tăng cường sức mạnh diễn ngôn của mình hơn nữa, (ii) tích cực mở rộng các lợi ích địa chính trị ở mọi khu vực và (iii) củng cố các vùng lợi ích cốt lõi. Điều này đã phần nào được thể hiện khi ngay lập tức ngân sách quốc phòng năm 2021 được ấn định ở mức tăng 6,8% so với năm trước.

Thứ tư, Trung Quốc trong tương lai sẽ là một Trung Quốc xanh hơn.

Và thứ năm, Trung Quốc sẽ hiện đại hơn với kế hoạch và tầm nhìn xác định những lĩnh vực cụ thể sẽ tập trung vào xây dựng kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, chuyển đổi số cho các ngành.

Tác động đối với thế giới và khu vực

Xét trong bối cảnh hiện nay, năm phương hướng phát triển nêu trên có thể sẽ tạo ra những thay đổi lớn đối với thế giới và khu vực mà Việt Nam không thể không chú ý.

Thứ nhất, sự gia tăng căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này có thể khó tránh khỏi khi Mỹ và các đồng minh thể hiện sẽ không thay đổi cách tiếp cận, trong khi đó, Trung Quốc lại ngày càng quyết đoán trong chính sách đối ngoại. Rủi ro từ các hoạt động trả đũa ngoại giao hoặc các xung đột quân sự ngoài ý muốn càng gia tăng khi Trung Quốc đã thông qua Luật Cảnh sát biển và Luật Quốc phòng vào đầu năm nay.

Thứ hai, Trung Quốc đẩy mạnh triển khai ngoại giao quyết đoán. Một trong những mối quan tâm chính của Bắc Kinh có thể là triển vọng về một liên minh mới giữa các quốc gia có chung tư tưởng để đối đầu với Trung Quốc trên trường quốc tế.

Chúng ta có thể sẽ chứng kiến một cuộc đua quảng bá mô hình, ở đó Trung Quốc sẽ quảng bá về tính vượt trội trong mô hình quản trị của mình so với các nền dân chủ tự do, giống như cách họ đã làm trong làn sóng đầu tiên của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, lời lẽ có thể được giảm bớt một chút để phù hợp với tinh thần mới của chủ nghĩa đa phương mà Trung Quốc kêu gọi.

Thứ ba, Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong các tổ chức quốc tế. Năm 2021 có thể sẽ chứng kiến những nỗ lực hơn nữa của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng trong hệ thống Liên hiệp quốc, với số lượng thay đổi lãnh đạo sắp tới tại các cơ quan quan trọng.

Trung Quốc sẽ không bỏ qua cơ hội này để xây dựng liên minh các nước đang phát triển và có cùng chí hướng bằng cách tìm cách để các ứng cử viên của mình được bầu hoặc bằng cách hỗ trợ các ứng cử viên của các nước thân thiện. Bằng cách tăng cường ảnh hưởng của mình tại đây, Trung Quốc có thể ngăn chặn hơn nữa sự giám sát của quốc tế đối với hành vi của mình và tiếp tục đóng vai trò chính trong việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu.

Thứ tư, Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương để đánh giá về quan hệ giữa Mỹ với châu Âu. Có hai sự kiện lớn là Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo NATO và kết quả đánh giá của Liên minh châu Âu về việc thực hiện Triển vọng chiến lược EU - Trung Quốc năm 2019.

(*) Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS), VNUA

Xem thêm: lmth.couq-gnurt-auc-iom-coul-neihc-ev-hcit-nahp/414413/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phân tích về chiến lược mới của Trung Quốc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools