Liên quan đến vụ thăm dò mỏ khoáng sản ở khu vực đồi Charlie (Sạc Ly), huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị việc xin được thăm dò, khai thác ở khu vực cách xa Di tích Điểm cao 1015 nhằm phát huy tiềm năng, lợi ích kinh tế. Trong khi đó, UBND tỉnh Kon Tum vẫn giữ nguyên quan điểm bảo vệ di tích lịch sử, cảnh quan môi trường, dù cho dự án có hiệu quả về mặt kinh tế.
Bị hiểu nhầm đã khai thác mỏ đá, mỏ vàng
Ông Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum - cho biết, điểm di tích 1015 trong khu vực đồi Sạc Ly được UBND tỉnh Kon Tum xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2019, diện tích bảo vệ di tích được xác định là 1.281m2.
Trước đó, liên quan đến khu vực này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Quyết định số 203/QĐTTg ngày 27.1.2014. Năm 2019, có một số doanh nghiệp đề xuất lập đề án thăm dò đối với diện tích 110,9ha. Sau khi phối hợp lấy ý kiến của các sở, ngành, địa phương liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum đã tổng hợp báo cáo gửi UBND tỉnh.
Đến năm 2020, UBND tỉnh Kon Tum cung cấp thông tin về hiện trạng tại khu vực đồi Sạc Ly để gửi ra Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổng hợp, báo cáo lên Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét giải quyết theo quy định. Trong đó, Đề án thăm dò đã cắt bỏ 59,9ha do liên quan đến di tích lịch sử văn hoá, còn lại khoanh làm 2 khu, gồm khu I và khu II với diện tích 51ha.
Diện tích xin thăm dò, khai thác không thuộc diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích. Đồng thời qua kiểm tra, đoàn liên ngành tỉnh Kon Tum đã loại tiếp 3ha, khu vực thăm dò của Đề án còn lại 48ha. Ngày 21.9.2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành giấy phép thăm dò khoáng sản: “Cho phép Cty cổ phần Khoáng sản Lộc Thiên Phú thăm dò đá Quarzit làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát tại xã Pô Kô, huyện Đắk Tô và xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum”, với diện tích 48ha. Mục đích là thăm dò, đánh giá làm rõ tiềm năng, nguồn lực khoáng sản trên địa bàn để định hướng cho công tác quản lý tiếp theo.
“Qua kiểm tra, đoàn không phát hiện Cty khai thác khoáng sản trái phép, Cty thực hiện công tác thăm dò theo đúng quy định tại giấy phép được cấp” - ông Võ Thanh Hải nói.
Tuy nhiên, trong thực tế một số hoạt động thăm dò có thể gây hiểu nhầm như: Cty có duy tu, sửa chữa, san ủi lại đường cũ và mở mới một vài đoạn để di chuyển thiết bị thăm dò. Việc này dễ bị hiểu nhầm là hoạt động khai thác khoáng sản, các khay để đựng mẫu lõi khoan hiểu nhầm là máng đãi vàng, hố nước dùng cho tuần hoàn máy khoan bị hiểu nhầm là hố đãi vàng...
Lợi ích kinh tế vì có tiềm năng
Làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum, đại diện doanh nghiệp cho hay, công tác thăm dò đã hoàn thành ngoài thực địa, bước đầu đã cơ bản đánh giá được tiềm năng, chất lượng của khoáng sản đá Quarzit. Việc triển khai các bước tiếp theo như nghiên cứu khả thi về khai thác, Cty Lộc Thiên Phú đề nghị các cấp, ngành nhất là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét sớm tham mưu cơ quan có thẩm quyền khoanh vùng bảo vệ di tích Điểm cao 1015, kể cả vùng phụ cận cần bảo vệ cảnh quan... để Cty cập nhật và cam kết chấp hành.
Cty nhận thấy có một số điểm nằm xa các khu vực cấm có tính khả thi cao để thăm dò, khai thác. Cty bày tỏ việc mong nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ngành chức năng, tạo điều kiện cho Cty thực hiện dự án đầu tư, nhằm mang lại lợi ích kinh tế, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trước đó, do lo ngại việc thăm dò khoáng sản sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc, cảnh quan di tích, đại diện Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng bằng - Sư đoàn 320 đã ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Kon Tum về việc phản đối khảo sát, thăm dò khai thác khoáng sản gần di tích lịch sử Điểm cao 1015. Việc bảo tồn di tích để nhắc nhở thế hệ mai sau ghi nhớ công lao của thế hệ đã ngã xuống vì độc lập, tự do dân tộc. Ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - nêu quan điểm của tỉnh là không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, dù cho dự án có hiệu quả về mặt kinh tế. Cty phải thực hiện các biện pháp khắc phục những tồn tại làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.