Bên cạnh hai giải pháp tạm thời được chọn là chuyển sàn giao dịch và áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), thì đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 đã không được Bộ Tài chính chấp thuận.
CHỌN GIẢI PHÁP ÁP DỤNG HỆ THỐNG HNX CHO HOSE
Chiều ngày 9/3, Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với Tập đoàn FPT để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán. Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên sàn HOSE trong thời gian qua phải sớm được xử lý dứt điểm. Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cũng đã xây dựng đồng thời nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống.
Một trong ba giải pháp do Bộ Tài chính xây dựng được cho là khá phù hợp với quan điểm của FPT đã được các bên liên quan phân tích đánh giá và bàn giải pháp thực hiện tại buổi làm việc. Bộ Tài chính và FPT cùng chung nhận định giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HoSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 - 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.
Trước đó, tại cuộc gặp mặt với chủ đề "Đối thoại 2045" giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu và lãnh đạo một số bộ, ngành, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT đã đề xuất Chính phủ và Thủ tướng đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Đề xuất này ngay lập tức đã được Bộ Tài chính hoan nghênh và triển khai ngay việc phối hợp với FPT nhằm tìm giải pháp hiệu quả nhất. Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT khẳng định quyết tâm cùng Bộ Tài chính xây dựng giải pháp tháo gỡ tình trạng nghẽn mạng trong giao dịch trên sàn chứng khoán HOSE trong thời gian nhanh nhất.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của Tổ công tác và sự chủ động, trách nhiệm của Tập đoàn FPT. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính và Sở giao dịch chứng khoán chủ động phối hợp với FPT để triển khai phương án giải quyết tình trạng tắc nghẽn mạng trong giao dịch chứng khoán. Giải pháp thực hiện không làm gián đoạn thị trường và ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Bộ Tài chính sẽ sớm có báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán.
Bên cạnh việc quyết tâm cao nhất để sớm hoàn thiện hệ thống giao dịch chứng khoán, Bộ trưởng cũng cho rằng, trước mắt không áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000 nhưng khuyến khích việc chuyển đổi giao dịch một số cổ phiếu từ HOSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của HOSE, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống giao dịch chứng khoán.
Liên quan đến việc chuyển sàn, sau Công ty chứng khoán VNDirect, hiện có thêm Công ty chứng khoán BIDV (BSC), Tập đoàn PAN và 7 công ty thành viên của PAN đang xin ý kiến Hội đồng quản trị về việc chuyển sàn từ HOSE về HNX.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, ông mong có nhiều doanh nghiệp niêm yết đồng cảm với câu chuyện nghẽn hệ thống và tạm chuyển giao dịch cổ phiếu từ sàn HOSE sang HNX. Đây là giải pháp ngắn hạn mà thị trường chứng khoán Việt Nam cần nhất để giảm tải áp lực lệnh vào sàn HOSE, trong giai đoạn chờ hoàn tất các giải pháp trung và dài hạn.
Bà Nguyễn Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN Group chia sẻ, sau khi Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước có công văn hướng dẫn việc chuyển giao dịch cổ phiếu từ HOSE sang HNX và một hai doanh nghiệp như: VNDS, BSC tính đến phương án này, bà đã quyết định trao đổi với tổng giám đốc 7 công ty thành viên, sau đó là từng thành viên hội đồng quản trị, cả trong và ngoài nước. Có người chỉ cần trao đổi một lần, có người đến 2-3 lần, nhưng điều may mắn là tất cả đều ủng hộ ý tưởng tạm thời chuyển cổ phiếu sang giao dịch trên sàn Hà Nội.
BA THÁNG HAY SÁU THÁNG?
Chia sẻ với báo chí ngay tối 9/3, ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Hệ thống thông tin FPT (thuộc Tập đoàn FPT) cho biết sau khi Thủ tướng phê duyệt kế hoạch thì FPT sẽ lên kế hoạch chi tiết cho việc "sửa nghẽn sàn HOSE".
Ông Triều cho biết, tại buổi họp chiều 9/3 giữa FPT và Bộ Tài chính, FPT có nêu một số phương án và Bộ Tài chính cũng có 3 phương án nội bộ. Tuy nhiên, giải pháp được chọn và cũng phù hợp với một trong những quan điểm của FPT là giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE.
Cụ thể, FPT sẽ chỉnh sửa hệ thống (hệ thống giao dịch tại hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX – giải pháp của FPT – PV) sau đó cài vào HOSE, rồi mua thêm phần cứng và cài vào hệ thống riêng. Các công ty chứng khoán và các bên liên quan không phải sửa gì.
Phương án trên được đánh giá hoàn toàn khả thi và có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán. Ông Triều cho biết, cơ quan quản lý sẽ có văn bản gửi lên Thủ tướng để phê duyệt. Sau khi Thủ tướng phê duyệt phương án FPT sẽ lên kế hoạch chi tiết.
Tất nhiên, theo ông Triều, FPT vẫn sẽ làm song song trong thời gian đợi phương án được phê duyệt, như rà soát phần mềm hiện tại, rồi đề xuất phần cứng (cần bao nhiêu máy chủ), phần mềm sửa cái gì, bao lâu thì xong phần cứng, bao lâu thì cài đặt xong phần mềm... Rồi chi phí thì cứ làm trước đã, có thể huy động sau chứ không phải đợi có tiền mới làm.
"Chúng tôi tính toán 3 tháng là sẽ làm xong. Khả năng là vậy nhưng tất nhiên còn phụ thuộc vào Nhà nước, như thời gian chờ phê duyệt, lập đội thực hiện dự án...", ông Triều nói và cho biết khâu mất thời gian nhất là test hệ thống, nhất là khi việc test này không do một mình FPT làm mà phải "đẩy sang" cho các công ty chứng khoán test nữa.
Bình luận về giải pháp liên quan đến hệ thống này, giới công nghệ thông tin cho rằng thời gian phụ thuộc nhiều vào thời gian đấu nối hệ thống mới tạm thời với hệ thống sẵn có của HOSE, của công ty chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) vì việc đấu nối này không chỉ là đấu nối hệ thống khớp lệnh mà còn phải đảm bảo liên thông cả hệ thống giám sát giao dịch và công bố thông tin. Đấy mới là điều quan trọng mà bài toán giải pháp cần tính toán kỹ và bao quát. Những ý kiến thận trọng thì nói cần 6 tháng cho việc hoàn tất.
Theo một khảo sát nhanh mới đây của HNX với các công ty chứng khoán thành viên về thời gian công ty chứng khoán cần để thực hiện chỉnh sửa hệ thống phần mềm tại công ty chứng khoán nhằm đáp ứng trường hợp chuyển một số chứng khoán hiện đang giao dịch trên HOSE sang giao dịch tại một Bảng mới trên hệ thống của HNX, nhưng vẫn giữ nguyên các quy định giao dịch như của HOSE (biên độ, kết cấu phiên, bước giá...), có 50% công ty chứng khoán nói cần 2 tháng, 50% còn lại trả lời sớm nhất là 4 tháng.
Trước đó, trả lời báo chí, Chủ tịch FPT IS cũng đề xuất 2 cách để xử lý sự cố "nghẽn" lệnh chứng khoán. Cách 1: rà soát phần mềm hiện tại để xử lý kỹ thuật. Cách 2: triển khai hệ thống thay thế tạm thời cho đến khi Hệ thống chính thức của KRX vận hành chính thức.
Qua nghiên cứu bước đầu và dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, cũng như năng lực hiện có của FPT, ông Triều nghiêng về cách thứ 2. Phương án này sẽ đáp ứng tốt hơn về tính chủ động trong công nghệ, sự an toàn cho hệ thống hiện tại vẫn đang giao dịch hàng ngày, cũng như các quy định về pháp lý.
Thời gian triển khai phụ thuộc nhiều yếu tố (ví dụ các công ty chứng khoán có sửa nhiều hay ít hệ thống của họ hay không), nhưng phải trên nguyên tắc là đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và không ảnh hưởng nhiều tới hệ thống của các công ty chứng khoán, cũng như hệ thống quản lý nội bộ của HOSE, đảm bảo an toàn bảo mật, tính sẵn sàng cao, có khả năng chịu tải cao phục vụ nhiều giao dịch một thời điểm, đáp ứng và xử lý được gấp đôi năng lực của hệ thống hiện nay của HOSE và đủ mềm dẻo để nâng cấp được theo nhu cầu của thị trường.
Nguồn lực sẽ được tính toán cụ thể theo từng phương án, đảm bảo chất lượng nhưng không lãng phí nguồn lực đầu tư.
Cũng theo Chủ tịch FPT IS, về hệ thống công nghệ thông tin cho HOSE hiện nay, sau khi trao đổi với các chuyên gia, sẽ có rất nhiều việc phải làm. Phương án mà FPT dự kiến là triển khai phần cứng, cài đặt, phát triển phần mềm hoặc sử dụng công nghệ có sẵn để chỉnh sửa mở rộng nâng cấp phần mềm theo quy định về giao dịch hiện tại, kiểm thử với các công ty chứng khoán, các đơn vị liên quan, rà soát an ninh bảo mật. Sau khi nghiệm thu hoàn chỉnh sẽ đưa vào vận hành chính thức và FPT sẽ hỗ trợ HOSE trong việc quản lý và vận hành hệ thống.
Từ những năm 2000, FPT đã phát triển hệ thống lưu ký, thanh toán bù trừ kết nối với hệ thống giao dịch do Sở Giao dịch chứng Thái Lan cung cấp để chuẩn bị cho việc đưa HOSE vào hoạt động tháng 7/2000. Tiếp đó, FPT xây dựng thành công Hệ thống giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dich chứng khoán Hà Nội (HNX - năm 2004), Hệ thống giao dịch UpCOM (năm 2009), Hệ thống trái phiếu chính phủ (năm 2012)".
FPT cũng là đơn vị xây dựng hệ thống Đăng ký, Lưu ký và Thanh toán bù trừ cho Trung tâm lưu ký (VSD - năm 2008), sau đó nâng cấp hệ thống này vào năm 2010. Từ 2012 đến nay, FPT cũng là đơn vị xây dựng và triển khai thành công nhiều ứng dụng cho ngành chứng khoán như Hệ thống Giám sát các công ty niêm yết và Giám sát cho Uỷ ban chứng khoán Việt Nam, Hệ thống giao dịch phái sinh cho HNX và VSD (2017 đến nay), hệ thống Quản lý kho quỹ (2011-2012) và Hệ thống giao dịch giấy tờ có giá và thị trường mở cho Ngân hàng Nhà nước Việt nam (2015-2017).
Xem thêm: mth.82031505111301202-aun-ual-oab-nehgn-uihc-noc-ut-uad-ahn-hcid-oaig-gnoht-eh-aus/nv.ymonocenv