Doanh nghiệp ngành tôm chuẩn bị cho hậu Covid-19
Nam Bình
(KTSG Online) - Hàng loạt doanh nghiệp trong ngành tôm đang rục rịch mở rộng diện tích nuôi cũng như xây thêm nhà máy chế biến nhằm đón đầu nhu cầu thị trường tôm trong thời gian tới.
Tăng thêm diện tích vùng nuôi, xây thêm nhà máy chế biến
Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) khai trương năm mới bằng việc khánh thành và đưa vào sử dụng nhà máy chế biến tôm An An trên diện tích 3ha, công suất chế biến 50tấn thành phẩm/ngày tại tỉnh Tiền Giang. Vốn đầu tư cho nhà máy này của Thuận Phước khoảng 400 tỉ đồng. Với nhà máy mới này, khi được phát huy hết công suất thiết kế, Thuận Phước sẽ tăng gấp đôi năng lực chế biến tôm của mình.
“Mục tiêu của Thuận Phước vẫn là phục vụ những khách hàng sẵn có, vì nhu cầu của họ cũng đang ngày càng tăng”, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, chia sẻ.
Cũng theo ông Lĩnh, trong vòng hai năm đầu, nhà máy chỉ mới đủ nguyên liệu để vận hành khoảng 50% công suất. Để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho nhà máy này, ngoài vùng nguyên liệu 200ha tại huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre), hiện Thuận Phước cũng đang lên kế hoạch xây dựng thêm vùng nguyên liệu tôm tại tỉnh Tiền Giang.
Không riêng Thuận Phước, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến tôm cũng đang có kế hoạch mở rộng quy mô nuôi, nâng cấp nhà máy chế biến, đặc biệt là tại vùng trọng điểm nuôi tôm của cả nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Có thể kể đến như Công ty CP Nha Trang Seafood (Bình Thuận) với kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến tôm ở Hộ Phòng (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) với công suất 10.000 tấn/năm. Hiện nhà máy đang ở những bước hoàn thiện cuối cùng trước khi đưa vào hoạt động.
Fimex cũng đã khởi công xây dựng hai nhà máy chế biến tôm tại khu công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng) với công suất chung khoảng 20.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỉ đồng nhằm bắt kịp với nhịp phát triển của ngành tôm.
Hay như “anh cả” trong ngành tôm là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng đang có kế hoạch xây dựng hai nhà máy chế biến tôm tại Hậu Giang và Cà Mau vào cuối qúi 1-2021. Với mức đầu tư 1.000 tỉ đồng, công suất chung của hai nhà máy mới này đạt khoảng 50.000 tấn/năm. Tại Kiên Giang, Minh Phú cũng đang có kế hoạch xây thêm nhà máy chế biến tôm mới.
Quy trình sơ chế tôm ở một nhà máy. Ảnh: Nam Bình. |
Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn Online, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex) cho rằng, tại thời điểm hiện tại, hoạt động thương mại ngành tôm đang diễn tiến khá bình lặng nhưng nhất định sẽ sớm sôi động. "Đặc biệt là trong sáu tháng cuối năm nay, khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát và vaccine phòng dịch được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng", ông Lực nói.
Ngành tôm đặt khát vọng “số một thế giới”
Phát biểu tại sự kiện "Đối thoại 2045" do Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuối tuần qua ở TPHCM, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết hiện nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản, đặc biệt là tôm, đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn.
Theo ông Quang, tôm là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam và các doanh nghiệp ngành tôm trong nước đang nỗ lực thay đổi để đạt mục tiêu trở thành quốc gia số một thế giới về sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu vào năm 2045.
Tại Minh Phú, doanh nghiệp này đã xây dựng kế hoạch về một chuỗi giá trị tôm thông minh xanh sạch, hữu cơ tuần hoà và cân bằng carbon và vừa sức tải môi trường, triển khai thông qua các khu phức hợp nuôi tôm đạt chất lượng cao của doanh nghiệp này.
Theo đánh giá của Tập đoàn thủy sản Minh Phú, các mô hình khu phức hợp nuôi tôm thông minh, sạch, vừa sức tải môi trường là giải pháp tiềm năng và khả thi nhất cho ngành tôm Việt Nam. Ảnh: Nam Bình. |
Theo đánh giá của ông Quang, các mô hình khu phức hợp nuôi tôm này là giải pháp tiềm năng và khả thi nhất để mang lại công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, nâng cao GDP bình quân đầu người của khu vực đồng bằng sông cửu Long. Ngoài ra, sẽ đóng góp vào nguồn ngân sách Nhà nước khoảng 1,1 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo kinh tế-xã hội và tương lai phát triển của khu vực duyên hải các tỉnh từ Kiên Giang đến Ninh Thuận.
“Đặc biệt là sẽ biến Việt Nam thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số một thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỉ đô la Mỹ vào năm 2045”, ông Lê Văn Quang phát biểu tại buổi "Đối thoại 2045" vừa diễn ra.
Để thực hiện được điều này, ông Quang cho rằng cần sự chấp thuận và ủng hộ của Nhà nước cũng như chính quyền các cấp trong việc tạo ra các hành lang pháp lý cũng như các cơ chế, chính sách thông thoáng, đặc thù. Qua đó, các dự án được triển khai trong thời gian nhanh nhất có thể. Điều này nhằm tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp ngành tôm cùng phát triển mà trong đó Minh Phú là đơn vị “đầu đàn”.
“Nếu có được những sự hỗ trợ trên, chúng tôi tự tin rằng chuỗi giá trị tôm này sẽ thu hút được sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ từ nhiều nguồn lực khác nhau... cùng xây dựng một hệ sinh thái tôm hoàn chỉnh, bền vững và thành công”, ông Lê Văn Quang nói.
Năm 2020, ngành tôm Việt Nam dù phải đối mặt nhiều khó khăn chung vì dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm 2020 ước đạt gần 3,7 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng 10,9% so với năm 2019. Năm 2021, ngành tôm đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 4 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng trên 15% so với năm 2020. |
Xem thêm: lmth.91-divoc-uah-ohc-ib-nauhc-mot-hnagn-peihgn-hnaod/264413/nv.semitnogiaseht.www