Ngày 12-3, dự kiến Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison sẽ có phiên họp thượng đỉnh bốn bên đầu tiên trong khuôn khổ các nước thành viên thuộc nhóm “bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD). Hội nghị sẽ được tổ chức trực tuyến. Trong bối cảnh Trung Quốc (TQ) thời gian gần đây tăng cường các động thái gây bất ổn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, giới chuyên gia kỳ vọng cuộc họp sẽ là viên gạch lót đường cho bước chuyển mình để QUAD trở thành một liên minh đa quốc gia hoàn chỉnh.
Từ trái qua: Thủ tướng Úc Scott Morrison, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tham dự thượng đỉnh “bộ tứ kim cương” vào ngày 12-3. Ảnh minh họa: THE NIKKEI
Cần tập trung vào vấn đề trọng tâm
Nhà Trắng cho biết các lãnh đạo QUAD sẽ thảo luận một loạt vấn đề, từ đảm bảo an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến phối hợp phân phát vaccine COVID-19, tăng cường hợp tác kinh tế và giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, PGS Salvatore Babones thuộc ĐH Sydney (Úc) trong bài viết mới đây cho tạp chí Foreign Policy thì cho rằng nhóm QUAD chỉ nên giới hạn trong vấn đề an ninh vốn mang tính cấp bách và liên quan mật thiết tới hòa bình, ổn định khu vực. Bắc Kinh hồi tháng 2 ban hành luật hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh TQ sử dụng vũ lực trong cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này. Nhật và TQ tháng qua mâu thuẫn trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Úc và TQ liên tiếp đối đầu trong một loạt tranh chấp thương mại cũng như việc điều tra nguồn gốc COVID-19. Đến ngày 8-3, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị ngang nhiên lên tiếng chỉ trích Mỹ và các nước phương Tây cố tình “phá vỡ sự ổn định khu vực” ở Biển Đông và chia rẽ “quan hệ giữa TQ và các nước xung quanh khác”, theo tờ The Straits Times.
Theo chuyên gia này, từ các hành động của TQ có thể thấy để đảm bảo tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở hiện nay không đơn giản chỉ dựa vào sức mạnh quân sự đơn thuần nữa mà cần phải kết hợp đấu tranh toàn diện, lâu dài trên cả mặt trận luật pháp, ngoại giao.
“Khi đặt trước tình thế đáng lo ngại như trên thì rõ ràng những vấn đề kinh tế, COVID-19 hay môi trường hoàn toàn có thể gác lại được. Hơn nữa, ngoại trừ kinh tế thì bản chất hai vấn đề còn là thách thức toàn cầu và đã có những liên minh, tổ chức khác giải quyết. Trong khi đó, vấn đề an ninh của riêng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì đến nay chưa bên nào trong khu vực đủ sức đối đầu với TQ, tức đang có một khoảng trống mà QUAD cần phải nhanh chóng lấp vào. QUAD ban đầu được lập ra cũng để giải quyết duy nhất vấn đề an ninh chứ không có các cơ chế cần thiết để bàn sang những chuyện khác” - chuyên gia Babones nhận xét.
Mặt khác, việc ôm đồm quá nhiều vấn đề một lúc, theo ông Babones, sẽ biến QUAD từ một tập hợp các quốc gia có tiềm năng tiến lên thành liên minh chính thức trở thành một diễn đàn đối thoại không có gì nổi bật, khó tạo được thay đổi đáng kể. Ngoài ra, theo ông nếu xét về khả năng kiến tạo đối thoại thì ASEAN làm tốt hơn nhiều bởi tổ chức này tập hợp nhiều nước trong khu vực hơn.
Lịch sử loài người đầy rẫy những liên minh đa quốc gia chết yểu vì không giữ được định hướng ban đầu. Lãnh đạo Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ đừng để QUAD phải đi đến kết cục như vậy, nhất là khi hiện nay QUAD là hy vọng tốt nhất cho một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, thoát khỏi cái bóng của TQ. PGS SALVATORE BABONES, |
Ông Biden và di sản QUAD của ông Trump
Nhìn lại bốn năm nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, một trong những thành tựu nổi bật nhất của nhà lãnh đạo này là nhìn ra tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đề ra được chiến lược an ninh cụ thể và không ngại đối đầu trực diện với TQ ở khu vực này. Nhóm QUAD cũng được chính quyền ông Trump kéo ra khỏi tình trạng đóng băng kể từ khi thành lập vào năm 2007 với cuộc tập trận chung bốn bên ở Ấn Độ Dương vào tháng 11 năm ngoái, đánh dấu sự trở lại chính thức của “bộ tứ kim cương”.
Giới chuyên gia thời điểm đó kỳ vọng ông Trump sẽ thành công đưa QUAD trở thành một liên minh quân sự châu Á giống NATO để đối trọng với TQ, đồng thời mở rộng cửa kết nạp thêm các quốc gia châu Á khác. Bản thân của ông Trump cũng đã có kế hoạch như vậy khi theo nội dung tài liệu về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được ông cho giải mật hồi tháng 1. Mỹ dự tính sẽ điều chỉnh chiến lược này cho phù hợp với chiến lược của các thành viên khác trong nhóm và nâng cấp vai trò của QUAD thành trụ cột quan trọng trong cấu trúc an ninh ở đây. Việc ông tái tranh cử thất bại vừa qua đã khiến những dự định này không thể thực hiện được.
Vì thế, chuyên gia Babones cho rằng “có thể thấy mọi chuyện giờ phụ thuộc vào các quyết định sắp tới của ông Biden vào ngày 12-3”. Cũng theo chuyên gia này, “dựa vào những phát ngôn của ông Biden khi còn tranh cử, có thể ông vẫn sẽ mở rộng hoạt động hợp tác với các thành viên trong nhóm”. Tuy nhiên theo ông, “QUAD sẽ khó trở thành một liên minh quân sự toàn diện bởi ông Biden từng tuyên bố vẫn muốn hợp tác với TQ trong một số lĩnh vực nhất định”.
Giải thích cho nhận định này, chuyên gia Babones cho rằng nếu QUAD hình thành liên minh quân sự thì đây sẽ là bước leo thang đáng kể “và chúng ta không thể biết được lúc đó TQ sẽ phản ứng lại như thế nào”.
Theo tạp chí The Diplomat, một số vấn đề khác như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hay khủng hoảng chính trị Myanmar cũng có thể được đưa vào chương trình nghị sự của thượng đỉnh QUAD sắp tới. Về Triều Tiên, quan hệ Mỹ-Triều từ khi ông Biden nhậm chức nhìn chung chưa có chuyển biến lớn. Bên cạnh đó, chính sách Triều Tiên của Tổng thống Joe Biden cũng chưa thực sự rõ ràng. Do đó, thượng đỉnh có thể là cơ hội để ông chia sẻ lập trường và mang tới những thay đổi tích cực cho khu vực này. Còn về vấn đề Myanmar, tình trạng bất ổn nước này đang tác động tiêu cực tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại Đông Nam Á nói riêng và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung. Vì thế, tìm kiếm giải pháp toàn diện cho khủng hoảng là một nhiệm vụ mà QUAD không thể xem nhẹ. Trong các thành viên QUAD, chỉ có Mỹ và Úc là công khai chỉ trích chính quyền quân sự. Nhật đến nay chỉ có một tuyên bố chung về Myanmar với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng 2, còn Ấn Độ chưa đưa ra tuyên bố nào. |