Người dân thành phố Mandalay (Myanmar) biểu tình ngồi ngày 10-3, kêu gọi Liên Hiệp Quốc thực hiện nguyên tắc “Trách nhiệm bảo vệ” trước những “vi phạm nhân quyền” ở Myanmar - Ảnh: Reuters
Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng HĐBA lên tiếng về tình hình Myanmar. Và đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất của HĐBA, kể từ khi quân đội Myanmar đảo chính lật đổ chính quyền dân sự hôm 2-1.
Thông điệp của HĐBA
HĐBA nhấn mạnh sự ủng hộ đối với nền dân chủ ở Myanmar, nhắc lại "mối quan ngại sâu sắc" về những gì đang xảy ra và "lên án mạnh mẽ bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, bao gồm cả phụ nữ, thanh niên và trẻ em".
Đáng chú ý, HĐBA cũng yêu cầu quân đội Myanmar "kiềm chế tối đa" và nhấn mạnh cơ quan này đang theo dõi sát các diễn biến ở Myanmar. Tuyên bố chung tiếp tục kêu gọi trả tự do cho các lãnh đạo dân cử bị bắt giữ ngày 1-2, bao gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.
Một số hãng tin quốc tế, trong đó có Reuters và CNN, dẫn các nguồn thạo tin cho biết để ra được tuyên bố chung, dự thảo do Anh đề xuất đã được điều chỉnh. Các cụm từ đe dọa trừng phạt chính quyền quân sự Myanmar và lên án mạnh mẽ "đảo chính" đã bị lược bỏ theo đề nghị của 4 nước trong HĐBA, trong đó có Nga và Trung Quốc.
Ngay sau tuyên bố chung của HĐBA, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân đã ra một tuyên bố riêng, nhấn mạnh đã tới lúc "đối thoại và ngoại giao" đồng thời kêu gọi "xuống thang căng thẳng" ở Myanmar. "Cộng đồng quốc tế nên tạo môi trường thuận lợi cho các bên liên quan ở Myanmar giải quyết những khác biệt trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật của họ", ông Trương nêu quan điểm chính thức của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bạo lực vẫn xảy ra trong ngày 11-3 tại Myanmar sau những lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế. Theo Reuters, ít nhất 8 người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh Myanmar nổ súng vào đám đông biểu tình ôn hòa ở thị trấn Myaing thuộc miền trung Myanmar và các thành phố Yangon, Mandalay.
Việt Nam kêu gọi kiềm chế
Tham gia đóng góp, xây dựng Tuyên bố chủ tịch của HĐBA LHQ về tình hình ở Myanmar, Việt Nam - thành viên không thường trực của HĐBA - nhấn mạnh yêu cầu chấm dứt bạo lực, tìm giải pháp phù hợp hiến pháp, pháp luật, ý chí của người dân Myanmar.
Tại họp báo thường kỳ chiều 11-3, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định rất quan ngại về tình trạng bạo lực và thương vong liên tục gia tăng tại Myanmar trong thời gian gần đây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam kêu gọi các bên hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, thông qua đối thoại hòa bình để giải quyết các bất đồng và mong muốn Myanmar sớm ổn định vì lợi ích của nhân dân Myanmar, vì hòa bình và ổn định của khu vực.
Theo bà Thu Hằng, Việt Nam cũng chia sẻ lập trường chung của ASEAN đã được nêu tại tuyên bố của chủ tịch ASEAN về diễn biến ở Myanmar cũng như trong tuyên bố của chủ tịch ASEAN về kết quả hội nghị không chính thức bộ trưởng ngoại giao ASEAN vừa qua. Các tuyên bố này nhấn mạnh đến việc tuân thủ Hiến chương ASEAN, ủng hộ đối thoại, hòa giải và mong muốn tình hình của Myanmar sớm trở lại bình thường, phù hợp với ý chí và lợi ích của nhân dân Myanmar, để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN.
Liên quan đến công dân Việt Nam tại Myanmar, Bộ Ngoại giao cho biết hiện nay có khoảng 600 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Myanmar.
"Trong bối cảnh tình hình phức tạp tại Myanmar hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã và đang theo dõi sát tình hình, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, các đầu mối cộng đồng Việt Nam ở Myanmar để cập nhật thông tin, kịp thời đưa ra các khuyến cáo đối với công dân, đồng thời cũng sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết" - bà Thu Hằng nói.
Bà Suu Kyi bị cáo buộc nhận hối lộ
Chuẩn tướng Zaw Min Tun, người phát ngôn của chính quyền hiện tại, ngày 11-3 nêu cáo buộc bà Aung San Suu Kyi "nhận một số tiền và vàng bất hợp pháp trị giá 600.000 USD" và nhấn mạnh đã xác minh được sau khi thẩm vấn nhiều người.
Cũng theo ông này, Tổng thống Win Myint cùng một số bộ trưởng đã nhận hối lộ và gây áp lực để Ủy ban bầu cử Myanmar không xem xét các cáo buộc gian lận của quân đội. Theo Reuters, "nhận hối lộ" hiện là tội danh cáo buộc nặng nhất mà quân đội Myanmar đưa ra đối với các lãnh đạo dân sự vốn đang bị giam giữ từ sau ngày 1-2 đến nay.
TTO - 'Có video gây sốc cho thấy những vết thương do súng bắn vào đầu người biểu tình và video cho thấy binh sĩ kéo lê hay mang đi thi thể của các nạn nhân' - nhà điều tra Thomas Andrews nói với Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Xem thêm: mth.21370537021301202-tehc-iougn-8-meht-ramnaym-o-on-nav-gnus-gneit-nel-qhl/nv.ertiout