Giải cứu nông sản không cứu được nông dân
Rất nhiều nông dân khi được hỏi đều cho biết, không biết nhu cầu thị trường ra sao, họ trồng trọt, chăn nuôi theo thói quen. Hệ quả là sản lượng thường vượt quá nhu cầu thị trường, không bán được, nông dân lại kêu gọi… giải cứu.
Từ đầu năm đến nay, số lượng các đợt giải cứu nông sản có xu hướng tăng |
Ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, chia sẻ khi vùng trồng chuối tại tỉnh Đồng Nai trông chờ giải cứu, ông có đến tìm hiểu thì được biết hầu hết hộ trồng gần như không biết thông tin gì về thị trường. Họ chỉ biết trồng, đến kỳ thu hoạch thì trông chờ thương lái thu mua xuất đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Những thương lái này cũng mù tịt về thị trường, mua bán theo đơn đặt hàng miệng từ các đầu mối bên kia biên giới. Phía nhập khẩu có thể dừng mua bất cứ lúc nào và khi không có đầu ra thì chuối hay nhiều loại nông sản khác thừa mứa phải kêu gọi giải cứu là điều dễ hiểu.
Ở mỗi đợt giải cứu, người trồng chỉ quan tâm được “cứu”, tức là làm sao bán được hết. Qua đợt rồi, mọi thứ lại như cũ, các giải pháp lâu dài để tránh tái diễn rất ít được quan tâm. Với đặc thù quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán, nông dân sản xuất tự phát theo phong trào. Đầu ra thì trông chờ vào thương lái khiến nông sản luôn đối diện với rủi ro.
Không chỉ cá nhân, nhóm tự phát… đứng ra tổ chức, kêu gọi giải cứu nông sản, các trang thương mại điện tử (TMĐT) gần đây cũng tham gia hoạt động này. voso.vn (Vỏ Sò) của Viettel Post hay Sendo kết hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương, đều đưa các loại nông sản như trứng gà Cẩm Đông, gà đồi Chí Linh, ổi Thanh Hà; bắp cải, su hào của tỉnh Hải Dương tiêu thụ qua kênh này… Tuy nhiên, đại diện các sàn TMĐT này cho rằng đó chỉ là giải pháp tình thế. Theo đại diện Viettel Post, lâu dài, TMĐT là cầu nối để nông dân nắm bắt nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản, ổn định đầu ra mới có thể bền vững.
Mới đây, ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN), cho rằng thị trường nông sản hiện nay rối rắm. Không phải chỉ COVID-19 làm cho nông sản ùn ứ mà cứ lâu lâu lại có một đợt ùn ứ dưa hấu, thanh long, hành tím… Cần xóa tình trạng mua mùa, bán mùa như hiện nay. Muốn vậy, theo ông Hoan, thị trường mua bán nông sản phải có thông tin minh bạch, từ đó mới biết được cần trồng loại cây nào, sản lượng bao nhiêu là đủ…
Làm sao thoát cảnh giải cứu?
Rất nhiều ý kiến cho rằng, ngành nông nghiệp cần tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Sản xuất phải gắn với tín hiệu thị trường, ở góc độ vĩ mô là thị trường xuất khẩu, vi mô là đầu ra tại địa phương trên nền tảng thông tin về mặt kết nối cung cầu, các loại hình cung ứng sản phẩm để bám sát kế hoạch sản xuất, kiểm soát sản lượng. Đồng thời, cần nâng cao năng lực thị trường của tất cả các chủ thể đặc biệt là nông dân. Các cấp quản lý cũng cần nâng cao sự giám sát, hỗ trợ nông dân. Các bên cần hiểu rõ tính chất mùa vụ phải gắn liền với tính chất thị trường để tăng hoặc giảm sản lượng, mùa vụ. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số, tư duy kinh tế số trong nông nghiệp. Mỗi sản phẩm phải đáp ứng chất lượng, truy xuất nguồn gốc và phối hợp với các kênh truyền thống và online để phân phối hiệu quả.
Rau củ Đà Lạt được chất đống trên vỉa hè một tuyến đường tại TPHCM để bán cho người đi đường |
Để nông sản thoát cảnh giải cứu thì cần phải đa dạng thị trường đầu ra, tận dụng kênh TMĐT, hình thành các trung tâm bảo quản, chế biến sâu để xuất khẩu đi các nước… Chẳng hạn, với các mặt hàng rau, trái theo mùa nếu được bảo quản tốt có thể bán trong vài tháng đến một năm, tránh tình trạng rớt giá khi thu hoạch rộ. Hay có thể chế biến thành các sản phẩm tiêu dùng nhanh như sấy, nước ép… để xuất khẩu. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi chất lượng nông sản phải được nâng cao mới có thể đáp ứng hàng rào kỹ thuật khắt khe từ nhiều nước nhập khẩu.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường Bộ NN-PTNT, cho rằng do tính chất mùa vụ của một số sản phẩm nông sản có đặc thù là thời gian thu hoạch rất ngắn, vì thế việc kiểm soát sau thu hoạch không hề dễ. Ngành nông nghiệp cũng đang chuẩn bị chuyến đổi số trong các khâu từ sản xuất, chế biến, lưu thông. Trong đó, hướng đến tận dụng kênh TMĐT để tiêu thụ, giải quyết đầu ra nông sản. Thế nhưng, khó khăn nhất khi kinh doanh sàn TMĐT là phải tạo niềm tin cho người mua lẫn đối tác các bên. Để thay đổi, theo ông Toản, tuyệt đối không coi “chợ điện tử” là phương tiện ảo và có hành vi không trung thực, gian dối chất lượng nông sản. Để kiện toàn quy trình bán nông sản trực tuyến, các bên cần tổ chức thực hiện chặt chẽ, bài bản. Các mặt hàng trên kênh phân phối phải có truy xuất nguồn gốc, thậm chí có kích cỡ, mẫu mã để phục vụ lợi ích của người tiêu dùng.
Theo tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ NN-PTNT, ngành nông nghiệp cần có nhiều giải pháp tổng thể hơn. Việc cần làm lúc này là phân tích, đánh giá lại thị trường để có sự điều chỉnh về sản xuất, hạn chế tình trạng cung vượt cầu. Cụ thể, cần có hệ thống phân tích dự báo về thị trường để đưa ra những quy hoạch về vùng nuôi, trồng. Đồng thời, đã đến lúc cần tập trung phát triển nông sản theo hướng chất lượng cao, có như vậy sản phẩm mới đa dạng đầu ra, thu nhập của nông dân mới cải thiện…
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.1639241a-gnouht-gnol-oav-aud-iam-eht-gnohk-nas-gnon-uuc/nv.moc.enilnounuhp.www