Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), Ấn Độ đang phát triển tên lửa BrahMos-II có tốc độ lên tới Mach 5 - Ảnh: REUTERS
Hải quân Philippines chọn tên lửa BrahMos của Ấn Độ cho dự án tên lửa phòng thủ bờ biển và quyết tâm theo đuổi dự án, theo Thông tấn xã Philippines (PNA).
Phó đô đốc Giovanni Bacordo, tư lệnh hải quân Philippines, khẳng định tên lửa BrahMos và các bệ phóng là "lựa chọn đầy hứa hẹn".
"Đề xuất dự án đã được trình lên lãnh đạo cấp cao, chờ phê duyệt và phân bổ ngân sách", tướng Bacordo xác nhận hồi đầu tuần này.
Hôm 2-3, Ấn Độ và Philippines ký thỏa thuận, thống nhất tên lửa sẽ được bán theo hình thức chuyển giao giữa chính phủ với chính phủ.
Khi được hỏi Philippines sẽ mua bao nhiêu tên lửa, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết "sẽ chỉ một khẩu đội". Mỗi khẩu đội BrahMos gồm 3 xe phóng tự hành cùng các xe radar, điều khiển hỏa lực. Cơ số tên lửa cho mỗi khẩu đội dao động từ 6 đến 9 tên lửa, theo PNA.
Nếu hợp đồng được ký kết, Philippines sẽ trở thành nước đầu tiên sở hữu tên lửa BrahMos ngoài Ấn Độ. Chính quyền New Delhi đã triển khai BrahMos dọc theo các khu vực tranh chấp với Trung Quốc trên đất liền trong nhiều năm qua.
Ấn Độ được cho là đã cấp khoản tín dụng trị giá 100 triệu USD để Philippines mua tên lửa BrahMos. Giá của hợp đồng nhiều khả năng sẽ cao hơn 100 triệu USD.
"Chắc chắn là nhắm tới Trung Quốc. Chúng tôi cần những tên lửa này để tăng cường năng lực phòng thủ trước Trung Quốc", chuyên gia Jose Antonio Custodio thuộc Viện Stratbase ADR (Philippines) nhận định với SCMP.
Sự nguy hiểm của BrahMos, ngoài đầu đạn hơn 300kg và thiết kế "tàng hình" để hạn chế việc bị phát hiện, còn nằm ở tốc độ cực nhanh gây khó khăn cho việc đánh chặn.
Với vận tốc gấp 3 lần vận tốc âm thanh trong không khí (Mach 3), BrahMos là tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới vào thời điểm hiện tại, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Tầm bắn của BrahMos từ 300 - 500km (phiên bản xuất khẩu khoảng 290km), có thể triển khai từ máy bay, tàu chiến mặt nước, tàu ngầm hoặc bệ phóng cơ động trên mặt đất.
Theo ông Custodio, mặc dù nhắm tới phiên bản đất - đối - hạm, Philippines vẫn có thể lắp tên lửa BrahMos lên tàu chiến để tăng tính răn đe. "Chúng tôi có những tàu chiến đủ năng lực để làm điều đó như các khinh hạm của Hàn Quốc hay lớp tàu Hamilton do Mỹ chuyển giao. Vấn đề là chúng tôi không có ngân sách cho việc đó", ông Custodio nêu quan điểm.
TTO - Tờ Yomiuri của Nhật Bản ngày 13-1 dẫn các nguồn tin cho biết sự việc xảy ra trong cuộc tập trận của Trung Quốc tháng 8 năm ngoái. Hai tên lửa đạn đạo được phóng từ hai vị trí, trúng một tàu đang chạy trên biển.