vĐồng tin tức tài chính 365

Sức ép Covid-19 lên cải cách môi trường kinh doanh

2021-03-12 15:11

Sức ép Covid-19 lên cải cách môi trường kinh doanh

Dũng Nguyễn

(KTSG Online) – Đại dịch Covid-19 diễn ra gây xáo trộn hầu hết các hoạt động kinh tế, nhưng đồng thời cũng là dịp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các giải pháp cải cách hệ thống pháp luật và tháo gỡ các trở ngại về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.

Dệt may là một trong những ngành buộc phải thay đổi đáng kể để thích ứng với bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu. Ảnh minh họa: TTXVN.

Bất cập đến từ việc liên tục điều chỉnh chính sách

Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng ngày 12-3, cho biết khảo sát lần này thêm lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường kinh doanh, để hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19.

Báo cáo khảo sát dựa trên 10.197 đơn vị quy mô lớn nhỏ, nêu quan điểm của khối doanh nghiệp là cơ quan nhà nước cần tiếp tục đánh giá các quy trình thủ tục hành chính hiện có trong phạm vi thẩm quyền để tìm cách đơn giản hóa, ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi hơn để tránh tối đa những phiền hà, và hạn chế hiện tượng nhũng nhiễu, tình trạng chi trả chi phí không chính thức khi giải quyết thủ tục hành chính.

Có một thực tế là trong thời gian gần đây, việc thay đổi chính sách thuế, phí với nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành khá nhiều nhằm cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, điều đó cũng dẫn tới hiện tượng là quá nhiều văn bản thay đổi, mà văn bản này lại sửa đổi bổ sung một số nội dung, điều khoản của văn bản khác, dẫn đến doanh nghiệp khó theo dõi thực hiện.

“Một số doanh nghiệp thậm chí không biết nội dung sửa đổi tốt cho mình để thực hiện, dẫn đến tác dụng còn hạn chế. Do vậy, cần phải sớm thống nhất hướng dẫn tất cả các nội dung sửa đổi áp dụng hiện hành giúp doanh nghiệp dễ thực hiện”, báo cáo có đoạn.

 

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17-5-2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trong đó yêu cầu các bộ ngành phải phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra, đảm bảo doanh nghiệp tối đa trong 1 năm chỉ bị thanh kiểm tra một lần.

Tuy nhiên, các bộ ngành chưa sử dụng kết quả thanh tra của nhau, do vậy vẫn còn tình trạng thanh, kiểm tra trùng lắp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện.

Ngay bản thân chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vẫn được cho là phức tạp, khó tiếp cận trên thực tế. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc tiếp cận vay vốn với lãi suất 0% thực sự rất khó khăn do các trở ngại về thủ tục hành chính và có rất ít doanh nghiệp có thể thực sự tiếp cận được nguồn tín dụng này.

Do đó, một giải pháp để giúp doanh nghiệp nhẹ bớt gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính là dừng hoặc giảm tối đa hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh kiểm tra thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành khác.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động bởi Covid-19, trong năm 2020, để thực hiện Chỉ thị 11, các Bộ ngành, địa phương đã ban hành khoảng 95 văn bản về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo kết quả rà soát của VCCI tính tới đầu tháng 12-2020.

Các gói hỗ trợ lớn bao gồm: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng (quy mô 250.000 tỉ đồng), chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội (quy mô 62.000 tỉ đồng); chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất (quy mô 180.000 tỉ đồng) và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động (16.000 tỉ đồng).

 

Mặc dù hầu hết các giải pháp được kiến nghị đã được các cơ quan Nhà nước đề cập tới trong các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng khảo sát vẫn cho thấy mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp vẫn là các khía cạnh về thuế, phí và tiếp cận tín dụng.

Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp kiến nghị tập trung vào các vấn đề căn cơ, vĩ mô hơn của nền kinh tế. Chẳng hạn như tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết.

Theo đại diện VCCI, nếu như các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tiếp cận tín dụng là những “thách thức” không hề nhỏ với các cơ quan Nhà nước do phải cân đối ngân sách quốc gia, thì những giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhìn chung dễ thực hiện hơn và đang được thúc đẩy trong những năm gần đây. Do đó, Covid-19 sẽ là cơ hội tốt để tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

Cần giải pháp căn cơ, dài hạn

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, tăng trưởng GDP năm ngoái chưa bằng một nửa so với những năm trước đây, còn số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, 2020 cũng là năm ghi dấu sự kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp để vượt lên hoàn cảnh khó khăn, khả năng chống chịu kiên cường đang trở thành một năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Theo đó, doanh nghiệp cũng đã thức tỉnh và ngộ ra nhiều điều qua đại dịch. "Doanh nghiệp phải suy ngẫm lại chiến lược, phải tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cũng ứng Việt, đồng thời với việc đa dạng hoá thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng,... Các sáng kiến trong ứng phó với COVID-19 đã được các doanh nghiệp thực hiện. Quá trình chuyển đổi số cũng từng bước được triển khai", lãnh đạo VCCI nhìn nhận.

 

Kết quả điều tra cho thấy, có tỷ lệ lớn doanh nghiệp đánh giá cao mong muốn và nỗ lực của các cơ quan nhà nước khi ban hành các chính sách hỗ trợ.

Dù thứ tự có khác nhau giữa các doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp FDI, ba chính sách được đánh giá cao nhất là gia hạn đóng thuế VAT, gia hạn đóng thuế TNDN và gia hạn nộp tiền thuê đất.

Ở góc độ khác, đại dịch Covid-19 đang tạo cho Việt Nam cơ hội việc làm khi các quốc gia đối tác lớn như Nhật, Mỹ, EU, Úc… đang tìm kiếm nơi để chuyển một phần nguồn cung cho các chuỗi của họ ra khỏi Trung Quốc, kèm theo đó là những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA.

Do đó, cần có chính sách tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới.

"Việc này quan trọng không kém việc cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn, vì sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và đi vào giai đoạn phát triển mới cao hơn. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp tìm cơ hội mới trong bối cảnh mới", báo cáo đánh giá.

Lãnh đạo VCCI cũng đưa ra kiến nghị các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025. Theo dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới, do vậy cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn.

Covid-19 ảnh hưởng đến 90% doanh nghiệp

Năm 2020 có 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước.

Trung bình mỗi tháng có 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Một số ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng như dịch vụ lưu trú, ăn uống (quy mô doanh thu giảm 13%); du lịch lữ hành (giảm 59,5%); vận tải hành khách và vận tải hàng hóa (giảm 29,6% và 5,2%).

Các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch Covid-19 xếp theo tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lần lượt là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%), và chuỗi cung ứng (33%). Dịch bệnh đã gây nên những xáo trộn nhiều nhất đối với doanh nghiệp FDI là về tiếp cận khách hàng (63%), dòng tiền (42%), chuỗi cung ứng (41%) và lao động (34%).

Để cầm cự trước dịch bệnh, 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc. Các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Trong khu vực FDI, 26% doanh nghiệp quy mô vừa và 32% doanh nghiệp quy mô lớn phải cho một lượng lao động nhất định nghỉ việc.

Có 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI cho biết doanh thu của họ sẽ bị giảm so với năm 2019. Doanh thu dự kiến cũng giảm nhiều hơn với các doanh nghiệp tư nhân quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Mức giảm doanh thu trung bình với doanh nghiệp tư nhân là 36%, và doanh nghiệp FDI là 34%.

 

Xem thêm: lmth.hnaod-hnik-gnourt-iom-hcac-iac-nel-91-divoc-pe-cus/505413/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sức ép Covid-19 lên cải cách môi trường kinh doanh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools