vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh nghiệp xắn tay xử lý cổ phiếu quỹ

2021-03-12 17:33

Doanh nghiệp xắn tay xử lý cổ phiếu quỹ

V.Dũng

(TBKTSG Online) - Vào đầu năm ngoái, khi "cơn bão" Covid-19 tàn phá thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn đã trấn an cổ đông bằng cách mua lại cổ phiếu quỹ để giữ thị giá cổ phiếu. Sau một năm thị trường đã ổn định, luật chứng khoán mới đã có hiệu lực tác động đến kỹ thuật giao dịch thì nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu có động thái xả cổ phiếu quỹ.

Những quy định mới của Luật Chứng khoán đã siết lại tình trạng "lướt sóng" cổ phiếu quỹ của nhiều doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Thị trường chứng khoán khởi sắc là thời điểm để các doanh nghiệp đã mua vào cổ phiếu quỹ từ năm 2020 thực hiện việc chốt lời, qua đó tăng vốn cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên đây có thể là “chuyến tàu cuối cùng” cho hành trình lướt sóng cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp khi Luật Chứng khoán 2019 chính thức có hiệu lực đầu năm nay đã siết chặt phương pháp này.

Cuộc đua vào "chuyến tàu cuối"

Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ đầu năm 2021 đã hạn chế doanh nghiệp tiếp tục thực hiện công cụ mua lại cổ phiếu khi giá trên thị trường giảm mạnh, đồng thời thúc đẩy hoạt động bán cổ phiếu quỹ trong thời gian tới. Giao dịch cổ phiếu thời điểm này được xem như là chuyến hàng cuối cùng của các doanh nghiệp đang cần cơ cấu dòng tiền trước khi quy định về giao dịch cổ phiếu quỹ được siết lại.

Vào cuối tháng 1, khi cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen bất ngờ giảm mạnh từ vùng 27.000 đồng về 22.000 đồng, lãnh đạo doanh nghiệp đã quyết định mua vào 22 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, do quy định mới, Hoa Sen phải bán lượng cổ phiếu quỹ đang có và tiến hành lấy ý kiến cổ đông mua lại cổ phiếu giảm vốn điều lệ.

Theo Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ 1-1-2021, công ty đại chúng muốn mua lại cổ phiếu của chính mình phải tiến hành xin ý kiến cổ đông thông qua để giảm vốn điều lệ. Trong khi trước đây, doanh nghiệp muốn mua lại cổ phiếu của chính mình chỉ cần công khai thông tin mục đích mua, số lượng cổ phiếu được mua, nguồn vốn mua và thời gian thực hiện. Điều này khiến doanh nghiệp cân nhắc kỹ trong việc sử dụng việc mua cổ phiếu quỹ như một công cụ để bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Hay Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons vừa lấy ý kiến cổ đông và được thông qua phương án bán 58.600 cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Sau khi bán xong, doanh nghiệp sẽ tiến hành mua lại 3 triệu cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, nguồn mua từ thặng dư vốn cổ phần.

Thực tế, từ cuối năm trước, việc thị trường chứng khoán sôi động, cổ phiếu tăng giá mạnh nhiều doanh nghiệp như DIC Corp, Haxaco, Vinamilk, GTN Foods, Fecon… đã bán hết cổ phiếu quỹ và ghi nhận lợi nhuận lớn. Làn sóng này vẫn được tiếp diễn cho đến đầu năm nay khi các doanh nghiệp đang cần lượng tiền mặt để thúc đẩy kinh doanh hậu Covid-19.

Gần đây nhất hãng hàng không Vietjet Air đã đăng ký bán sạch 17 triệu cổ phiếu quỹ đang năm giữ tương đương 3,28% vốn điều lệ. Theo thời giá cổ phiếu hiện tại doanh nghiệp này ước tính thu về 2.400 tỉ nhằm tăng nguồn vốn lưu động. Giao dịch bán cổ phiếu quỹ của Vietjet Air sẽ thực hiện theo quy định mới tại Thông tư 120/2020 theo cả phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Trong mỗi ngày giao dịch, tổng khối lượng đặt bán tối thiểu từ 3% và tối đa là 10% khối lượng giao dịch đã đăng ký với UBCKNN.

Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long mới đây thông bán bán toàn bộ 10 triệu cổ phiếu quỹ để tài trợ vốn lưu động và mở rộng quỹ đất, thời gian giao dịch từ 9-3 đến 7-4. Đây là lượng cổ phiếu doanh nghiệp mua lại từ giữa năm 2019 với giá bình quân 29.628 tỉ đồng.

Tập đoàn Petrolimex lên kế hoạch bán toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ đang nắm giữ trong năm nay. Mới đây, doanh nghiệp thông báo bán tiếp 25 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 1-3 đến 30-3, sau giao dịch lượng cổ phiếu quỹ giảm từ 75 triệu về 50 triệu đơn vị. Được biết, Eneos Corporotion (Nhật Bản), cổ đông chiến lược của Petrolimex, đã đăng ký mua.

Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (GEX) dự kiến bán hết 6,3 triệu cổ phiếu quỹ trong quí 2 để bổ sung vốn lưu động. Trước đó, doanh nghiệp đã phân phối 12 triệu cổ phiếu quỹ cho cán bộ công nhân viên theo chương trình ESOP (thưởng cổ phiếu) với giá ưu đãi 12.000 đồng/cổ phiếu.

Công ty cổ phần Phát triển Đô thị (UDJ) đăng ký bán gần 1,89 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng tỷ lệ 12,93% vốn để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh. Số cổ phiếu quỹ nói trên được công ty mua 2 đợt hồi năm 2015 và 2017 với giá trung bình khoảng 8.000 đồng/cổ phiếu. Hiện nay, cổ phiếu được giao dịch ở vùng giá 12.000 đồng/cổ phiếu, nếu bán được ở mức giá này thì đơn vị 198%.

Trên thị trường chứng khoán, còn rất nhiều doanh nghiệp có khối lượng cổ phiếu quỹ lớn. Tính đến cuối năm 2020, Vinhomes ghi nhận đang nắm giữ 5.549 tỉ đồng cổ phiếu quỹ, tương đương 60 triệu đơn vị; Vincom Retail có lượng cổ phiếu quỹ ghi sổ 1.954 tỉ đồng  (56,5 triệu đơn vị); hãng hàng không Vietjet Air có 17,8 triệu cổ phiếu quỹ, giá trị sổ sách 2.347 tỉ đồng. Vào cuối năm 2020, Vinaconex ghi sổ 1.644 tỉ đồng  (39 triệu đơn vị). Hay Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII) có 44,3 triệu cổ phiếu quỹ, giá trị ghi sổ 1.028 tỉ đồng . Đầu năm 2020, đơn vị này mua lại thêm 9 triệu cổ phiếu để bình ổn giá.

"Con đường tơ lụa" đã hẹp lại

Việc các công ty bán ra cổ phiếu vào thời điểm này cũng đi cùng với việc nếu họ muốn mua lại sẽ không còn dễ dàng như trước nữa. Doanh nghiệp muốn mua cổ phiếu quỹ sẽ phải thực hiện theo Luật Chứng khoán mới, tức sẽ phải đăng ký giảm vốn. Trường hợp này về bản chất, tương tự việc doanh nghiệp tự nguyện thu hẹp quy mô vốn của mình.

Trước đây, ngoài mục đích làm cổ phiếu ESOP, cũng có công ty cho biết việc mua vào cổ phiếu quỹ nhằm bình ổn thị giá cổ phiếu. Thực tế, có một số công ty tranh thủ thời cơ thị trường đi lên mua cổ phiếu quỹ ở mức giá thấp để sau đó giá tăng cao hơn thì lại bán ra, qua đó hưởng lợi ích từ chênh lệch giá mua vào/bán ra. “Lãi” từ việc tự “buôn” cổ phiếu của chính mình thậm chí còn không bị đánh thuế thu nhập doanh nghiệp, do khoản này không bị tính vào lợi nhuận mà đó là khoản thặng dư vốn.

Với quy định mới, doanh nghiệp nên cân nhắc kỹ trong việc mua cổ phiếu quỹ như một công cụ để bình ổn giá. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp tự “buôn” cổ phiếu của chính mình nếu có “lãi” thì cũng thường không nhận được thiện cảm từ cổ đông, bởi bản chất khoản “lãi” này có được nhờ “hút” từ nhà đầu tư, chứ không phải đến từ kết quả làm ăn kinh doanh.

Ngoài ra, ở góc độ tài chính, một doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ quá nhiều phần nào cũng cho thấy doanh nghiệp đang trong tình trạng dồn ứ tiền nhưng chưa có dự án đầu tư hiệu quả. Thực tế, động thái mua cổ phiếu quỹ về bản chất sẽ làm cho quy mô doanh nghiệp nhỏ đi, tức doanh nghiệp có xu hướng bị thu hẹp.

Việc doanh nghiệp công bố mua cổ phiếu quỹ phần nào giúp nhà đầu tư cảm nhận tích cực, với mong muốn dòng tiền từ cổ phiếu quỹ sẽ thực sự chảy vào thị trường để hỗ trợ cân đối cung cầu, giảm bớt áp lực xuống giá ít nhất là trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại cho rằng, không hẳn doanh nghiệp tung tiền mua cổ phiếu quỹ là để “trợ giá” cho các cổ đông đại chúng. Ngược lại, có thể xảy ra tình huống doanh nghiệp công bố mua cổ phiếu quỹ chỉ là cách giúp một hoặc một số “cổ đông đặc biệt” thoái vốn trong thời điểm cổ phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn.

Đến nay, với quy định mới con đường “buôn” cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp đang hẹp lại. Bởi doanh nghiệp sẽ tiến hành hủy lượng cổ phiếu quỹ đã mua, đồng thời không được chào bán cổ phần tăng vốn trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc việc mua cổ phiếu quỹ. Những quy định mới này có thể khiến doanh nghiệp cân nhắc kỹ trong việc mua cổ phiếu quỹ như một công cụ để bình ổn giá cổ phiếu hoặc để đầu tư “lướt sóng” như trước đây.

Xem thêm: lmth.yuq-ueihp-oc-yl-ux-yat-nax-peihgn-hnaod/705413/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Doanh nghiệp xắn tay xử lý cổ phiếu quỹ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools