Phát ngôn viên WHO Margaret Harris truyền tải thông điệp bình tĩnh ngày 12-3 trước việc nhiều nước nghi ngại vắc xin COVID-19 của AstraZeneca - Ảnh: WHO
Tuyên bố được đưa ra trong một buổi họp báo ngắn ngày 12-3, giữa lúc danh sách các nước ngừng tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca có dấu hiệu kéo dài. Tuy nhiên, theo bà Harris, vắc xin của AstraZeneca "tuyệt vời" và không có lý do gì nên ngừng sử dụng.
Đại diện của WHO cũng cho biết việc các nước ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca chỉ là tạm thời và là một biện pháp đề phòng rủi ro cần thiết. "Chúng ta cần hiểu rõ điều đó và nên tiếp tục sử dụng vắc xin AstraZeneca", Hãng tin Reuters trích lời bà Harris kêu gọi.
Cũng theo bà Harris, trước làn sóng lo ngại vắc xin AstraZeneca, một ủy ban gồm các chuyên gia toàn cầu cố vấn cho WHO trong vấn đề vắc xin đã vào cuộc xem xét và sẽ công bố những gì được tìm thấy. Nhóm này luôn họp ít nhất mỗi 2 tuần và sẽ sớm đưa ra các báo cáo, đánh giá chi tiết.
"Tất nhiên khi triển khai một loại vắc xin nào đó luôn phải theo dõi xem nó có an toàn hay không và đánh giá lại. Nhưng hiện tại không có chỉ dấu gì (là không an toàn) để không sử dụng vắc xin AstraZeneca", phát ngôn viên Harris nêu quan điểm.
Theo bà Harris, chưa có bằng chứng nào cho thấy có sự liên hệ theo kiểu "nhân - quả" giữa việc tiêm vắc xin AstraZeneca và tình trạng máu đông. Bà Harris cũng dẫn ra con số hơn 260 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu nhưng chưa ghi nhận trường hợp chết người nào vì tiêm vắc xin.
Đan Mạch đã quyết định ngừng tiêm vắc xin của AstraZeneca trong vòng 2 tuần để làm rõ thông tin những người được tiêm gặp phải tình trạng máu đông. Người gặp tình trạng này có thể đối mặt với thuyên tắc phổi hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu.
Na Uy, Iceland, Bulgaria, Áo, Estonia, Lithuania, Luxembourg và Latvia đã ngừng tiêm toàn bộ hoặc một phần các lô vắc xin AstraZeneca nhận được. Tuy nhiên Đức, Pháp và Úc khẳng định loại vắc xin này vẫn hiệu quả và sẽ tiếp tục sử dụng.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias xác nhận nước này đã sử dụng hết các liều thuộc lô vắc xin AstraZeneca bị các nước trên nghi là "có vấn đề". Cũng theo bà này, Tây Ban Nha có hệ thống theo dõi những người đã tiêm vắc xin và chưa ghi nhận trường hợp nào bị máu đông sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca.
Theo Hãng thông tấn AFP, các triệu chứng thường gặp ở người tiêm vắc xin AstraZeneca là nhức đầu, mắc ói hoặc đau bụng. Tuy nhiên theo Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu, danh sách tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca có thể sẽ phải bổ sung phản ứng phản vệ và phản ứng quá mẫn.
TTO - Nối gót động thái mở đường của Đan Mạch, Na Uy, Iceland và mới nhất là Bulgaria đã tạm dừng việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 do AstraZeneca và Đại học Oxford nghiên cứu sản xuất. Pháp, một quốc gia châu Âu, lại khẳng định vắc xin hiệu quả.
Xem thêm: mth.44284220221301202-acenezartsa-nix-cav-meit-gnud-uv-couc-oav-ohw-aig-neyuhc/nv.ertiout