Tại Hội nghị, đại diện Vụ Tiền tệ và Kinh tế BIS đã trình bày về kế hoạch thúc đẩy hoạt động nghiên cứu đồng thời báo cáo một số kết quả nghiên cứu và phân tích chính sách do Văn phòng đại diện BIS ở khu vực châu Á đã, đang và sẽ tiến hành trong thời gian tới. Theo đó, từ tháng 8/2020 đến tháng 2/2021, hàng loạt các nghiên cứu kinh tế đã được phân tích, tổng hợp và công bố. Đại diện Vụ Tiền tệ và Kinh tế BIS đã giới thiệu một số đề tài, bài báo tiêu biểu mà Văn phòng đại diện BIS ở khu vực châu Á tham gia và đã công bố như “Các khuôn khổ chính sách, luồng vốn, và tỉ giá hối đoái ở các nước châu Á mới nổi”; “Thương mại điện tử trong thời kỳ dịch bệnh và sau này”; “Rủi ro tín dụng nhà nước và tỷ giá hối đoái: bằng chứng từ trái phiếu bằng đồng nội tệ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”... Trong thời gian tới, BIS sẽ tiếp tục nghiên cứu và tiến tới công bố các bài báo, nghiên cứu về dòng vốn và tỉ giá hối đoái ở các nền kinh tế mới nổi, các vấn đề ở Trung Quốc và các chủ đề khác như lạm phát, trái phiếu xanh.
Đại diện Vụ Tiền tệ và Kinh tế BIS cũng điểm lại nội dung đã trao đổi tại các hội nghị các cấp đã được tổ chức từ tháng 8/2020 đến nay, đồng thời đưa ra kế hoạch tổ chức các sự kiện liên quan. Cụ thể, từ nay đến tháng 2/2022 sẽ có khoảng 10 hội nghị, hội thảo và diễn đàn các cấp được tổ chức dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp (tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid – 19).
Một chủ đề quan trọng khác của Hội nghị được đề cập đến là việc cử cán bộ biệt phái từ các NHTW đến làm việc tại Văn phòng đại diện BIS ở khu vực châu Á. Theo thông báo, mỗi nhiệm kỳ biệt phái sẽ kéo dài 3 tháng và cơ hội sẽ chia đều cho các ứng viên của các nước thành viên. Nhiệm vụ chính của các cán bộ biệt phái là tham gia vào các dự án nghiên cứu và có bài viết được công bố khi kết thúc nhiệm kỳ công tác. Đến nay, danh sách cán bộ biệt phái đã được cập nhật đến tháng 9/2021.
Với những thông tin cập nhật từ BIS, đại diện các nước đánh giá cao những nhận định và các bài phân tích kinh tế của BIS nói chung và Văn phòng đại diện BIS ở khu vực châu Á nói riêng, đồng thời mong muốn BIS tiếp tục phát huy và đẩy mạnh việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình kinh tế, tài chính trong khu vực và trên thế giới để các NHTW tham khảo, đưa vào chính sách của từng quốc gia.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Tô Huy Vũ - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế NHNN, Giám đốc Nghiên cứu và hợp tác quốc tế của NHNN tại ACC - cho biết, Việt Nam cho rằng các báo cáo nghiên cứu, phân tích chính sách của BIS có ý nghĩa thiết thực đối với Việt Nam. Ông Tô Huy Vũ cũng chia sẻ rằng Việt Nam mới trở thành thành viên của BIS từ tháng 10/2020 nên rất mong muốn BIS tạo điều kiện để Việt Nam được tham gia sâu hơn vào các hoạt động nghiên cứu, phân tích chính sách cũng như cử cán bộ biệt phái tại Văn phòng đại diện BIS tại khu vực châu Á.
Phản hồi lại ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, đại diện Vụ Tiền tệ và Kinh tế BIS cam kết ghi nhận đầy đủ các ý kiến và sẽ báo cáo các nội dung trao dổi trong khuôn khổ Hội nghị Giám đốc Nghiên cứu ACC lên Hội nghị Thống đốc ACC dự kiến diễn ra vào ngày 24/03/2021.
HTQT
Xem thêm: 812634VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www