Thời gian tới, Việt Nam sẽ có một bản Đề án mới nhằm Đổi mới toàn diện khu vực Kinh tế tư nhân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chịu trách nhiệm chấp bút xây dựng dự thảo.
Chiều 12/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trực tiếp chủ trì cuộc hội thảo "Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong Phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam" nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, doanh nghiệp cho bản đề án quan trọng này.
Đóng góp trên 42% GDP, khu vực kinh tế tư nhân đã là một cấu phần không thể thiếu trong bức tranh kinh tế đang tăng trưởng khá mạnh của Việt Nam. Sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ từ những thay đổi đột phá trong tư duy quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, vần còn vô số tồn tại đã khiến 7 năm qua Việt Nam chỉ dậm chân tại chỗ trong top 6 châu Á về chất lượng môi trường kinh doanh.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: "Quản lý Nhà nước phải là hình phễu, tất cả mọi thứ phải tự do thuận lợi vào, xong dùng các cơ chế chính sách, kiểm tra giám sát và làm hậu kiểm cho tốt. Chứ bây giờ chúng ta lại làm theo hình nón, vào cái là ghè ngay, nào là đất cát, vốn liếng, không thể làm được, tiếp cận được, mà lại phải tạo cơ chế xin cho".
Để kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế cần đổi mới toàn diện phương thức quản lý Nhà nước. Ảnh minh họa - Dân trí.
Đôi khi không phải cứ tư duy thay đổi là hành động sẽ theo ngay. Ví dụ, trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, khi thay đổi tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
"Thay vì kiểm tra trước, chúng ta lại chuyển sang kiểm tra sau, doanh nghiệp thậm chí còn cảm thấy rủi ro hơn. Trước đây, thà rằng họ chờ đợi được kiểm tra, sau đó yên tâm đưa vào sản xuất, còn hơn bây giờ thậm chí nguyên liệu đưa về nhà kho, dây chuyển đã chạy nhưng cũng không dám sản xuất vì còn phải chờ để được kiểm tra", ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho hay.
Bên cạnh bất cập trong thể chế, các chuyên gia cũng nhìn nhận về tính liên kết yếu của doanh nghiệp ở các khu vực và thành phần kinh tế nhà nước, tư nhân, đầu tư nước ngoài. Việc chưa chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh dẫn đến thực tế là mới chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa chạm chân được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trên tinh thần quyết tâm xây dựng một Đề án đột phá, toàn diện cho khu vực kinh tế tư nhân, các đại biểu đều nhất trí với quan điểm: Để kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế cần đổi mới toàn diện phương thức quản lý Nhà nước theo hướng chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo, từ tiền kiểm sang hậu kiểm; tạo ra những khuôn khổ mới cho các mô hình kinh doanh chưa từng tồn tại trong tiền lệ.
VTV.vn - Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều nay (18/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân yên tâm đầu tư, kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!