Chiều 12-3, sau năm ngày làm việc, phiên tòa của TAND TP Hà Nội xét xử 12 bị cáo trong vụ án sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ kết thúc phần tranh luận. Chủ tọa thông báo HĐXX sẽ nghị án kéo dài, tuyên án vào chiều 15-3 tới.
Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) cho rằng triển khai dự án với mục đích vì lợi ích của đất nước, bản thân “hoàn toàn không có tội”.
Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa. Ảnh: TTXVN
VKS: Ông Thăng “vô trách nhiệm”
Ông Thăng mong HĐXX xem xét toàn diện về hành vi của các bị cáo khác trong vụ án này, vì họ không có sự bàn bạc, đồng phạm gì với ông. Riêng bị cáo Trần Thị Bình (cựu phó tổng giám đốc PVN) thì ông Thăng xin miễn trách nhiệm hình sự, nếu HĐXX vẫn quy trách nhiệm thì ông xin nhận toàn bộ trách nhiệm cho bà Bình cả về hình sự lẫn dân sự.
Nhiều bị cáo khác nói lời sau cùng cũng mong muốn HĐXX cân nhắc, xem xét cho mình được hưởng mức án nhẹ nhất, sớm trở về với gia đình.
Trước đó HĐXX dành thời gian để đại diện VKS, các bị cáo và luật sư bào chữa cho mình tham gia tranh luận. Ông Đinh La Thăng bị VKS đề nghị mức án 12-13 năm tù về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Đại diện VKS khẳng định hành vi phạm tội của ông Thăng đúng như cáo trạng truy tố, đồng thời bác bỏ các quan điểm bào chữa mà ông Thăng và luật sư đưa ra.
Theo kiểm sát viên, chủ trương PVN được thực hiện chỉ định thầu nhằm phát huy nội lực các cơ sở sẵn có trong tập đoàn là chủ trương không sai. Tuy nhiên, khi triển khai phải tuân thủ đúng theo quy định pháp luật, không được tùy tiện, áp đặt duy ý chí. Điều này được thể hiện rõ trong Thông báo số 49/2009 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Với vai trò là chủ tịch HĐQT PVN, trưởng ban chỉ đạo dự án Ethanol Phú Thọ, bị cáo Thăng có trách nhiệm phải chỉ đạo đúng quy định đối với việc chỉ định thầu. Tuy nhiên, bị cáo lại nói bản thân không biết và không có trách nhiệm phải biết về năng lực của nhà thầu là một sự “vô trách nhiệm”, “bất chấp quy định” và “đi ngược lại với chỉ đạo của Thủ tướng”.
Đại diện VKS cũng bác bỏ lập luận của ông Thăng khi nói rằng chỉ giữ vai trò trưởng ban chỉ đạo dự án, không có quyền quyết định đối với chủ đầu tư (Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí - PVB).
“PVB là công ty cổ phần nên có quyền quyết định mọi vấn đề tại dự án, tuy nhiên thực tế PVB không thực hiện được mà PVN đã thực hiện thay. PVN thành lập ban chỉ đạo dự án để thông qua tổ chức này thực hiện các quyền, chủ trương của PVN đối với dự án. Mặt khác, HĐQT PVB gồm các cá nhân là đại diện các công ty con của PVN nên PVN hoàn toàn có thể chỉ đạo, chi phối thông qua công ty con của mình là cổ đông của PVB” - đại diện VKS phân tích.
Cũng theo đại diện VKS, dù biết tình hình tài chính PVC đang khó khăn nhưng ông Thăng vẫn chủ trương chỉ định thầu dự án cho công ty. Bị cáo còn chủ trì nhiều cuộc họp, quyết liệt chỉ đạo cấp dưới thực hiện giao thầu cho PVC dù công ty chưa từng thực hiện dự án nào về ethanol.
“Giữa các bị cáo từ đứng đầu đến nhân viên cấp dưới có sự thống nhất, câu kết với nhau cùng thực hiện hành vi tội phạm, đây là vấn đề lợi ích nhóm tiêu cực…” - kiểm sát viên nhấn mạnh.
Sau khi đại diện VKS kết thúc lượt đối đáp, ông Đinh La Thăng bước lên bục khai báo. Cựu chủ tịch PVN tiếp tục không đồng tình với quan điểm của cơ quan công tố, đề nghị đưa ra chứng cứ chứng minh việc bị cáo biết năng lực nhà thầu yếu kém nhưng vẫn chỉ định thầu.
Ông Thăng cũng lặp lại quan điểm tại phiên tòa hôm trước khi cho rằng thẩm quyền lựa chọn nhà thầu là của PVB chứ không phải PVN, đồng thời đề nghị đại diện VKS làm rõ về vấn đề thiệt hại của vụ án, vì bị cáo thấy cách tính thiệt hại như hiện nay là chưa phù hợp.
Tranh luận của Trịnh Xuân Thanh
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC), là người bị đề nghị mức án cao nhất trong vụ án này, đã tranh luận với đại diện VKS. Trong khi các luật sư đưa ra nhiều căn cứ đề nghị HĐXX tuyên mình không phạm tội, bị cáo Thanh dành nhiều thời gian nói về “năng lực của PVC”.
Theo đại diện VKS, với vai trò chủ tịch HĐQT, là người đứng đầu PVC, bị cáo được cấp dưới báo cáo và biết rõ liên danh nhà thầu không đủ năng lực nhưng vì chịu sức ép nên vẫn tiếp nhận việc chỉ định thầu. Tiếp đó, bị cáo chủ trì cuộc họp của PVC để ban hành nghị quyết với nội dung đồng ý thực hiện gói thầu TK05 với giá hơn 59 triệu USD, mặc dù trước đó đã đưa giá chào thầu là 87 triệu USD…
Phản đối các cáo buộc trên, bị cáo Thanh khẳng định nguyên nhân chính khiến dự án Ethanol Phú Thọ phải dừng thi công là do “thiếu tiền” chứ không phải do PVC thiếu năng lực.
“Tôi biết chắc là làm được, chỉ thiếu 1-2 tiêu chí chứ không phải không đủ năng lực. Không có nhà thầu nào mua hồ sơ thầu mà đủ 100% tiêu chí cả, chỉ 75%-80% mà thôi” - bị cáo biện hộ và cho rằng VKS “chỉ căn cứ vào 1-2 tiêu chí bị thiếu đó” để truy tố các bị cáo.
Đối với vụ án liên quan đến khu đất 3.400 m2 tại thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Trịnh Xuân Thanh vẫn cho rằng đại diện VKS chỉ căn cứ duy nhất vào lời khai của Vũ Đức Thuận (cựu tổng giám đốc PVC) để cáo buộc mình chỉ đạo chuyển 25 tỉ đồng.
Cùng với đó, cơ quan công tố nhận định bị cáo hưởng lợi 3 tỉ đồng nhưng không thấy 3 tỉ đồng này ở đâu, bản thân bị cáo không hề bàn bạc với Đỗ Văn Hồng (cựu chủ tịch HĐQT PVC Kinh Bắc) trong việc ứng tiền của PVC để mang đi mua đất…
“Đã lãnh án chung thân, 10 năm nữa cũng không sao…” Bị cáo Trịnh Xuân Thanh không đồng tình với lời luận tội của đại diện VKS về yếu tố “lợi ích nhóm tiêu cực”. “Tôi đã lãnh án chung thân rồi, bây giờ có thêm chục năm nữa cũng không là vấn đề gì cả nhưng những người anh em tôi không vi phạm pháp luật, không làm gì vẫn phải ra tòa…” - ông Thanh nói. Bị cáo này đề nghị đại diện VKS cần tranh luận tới cùng để xác định mình cũng như các bị cáo khác có hành vi phạm tội hay không. |