Ngày 4.3, Báo Lao động đã có bài viết “Tín dụng đen ở vùng cao Điện Biên: Quay cuồng với vòng xoáy vay - trả”, phản ánh về những khó khăn của người dân một số địa bàn vùng cao huyện Điện Biên Đông do vay nặng lãi của đối tượng “Trì cá”. Thượng tá Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lao động về nội dung liên quan.
Khởi tố “Trì cá”
Thượng tá Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên - cho biết: Nguyễn Thế Trì (tức “Trì cá”) sinh năm 1974 là đối tượng có điều kiện kinh tế. Dù không đăng ký kinh doanh, Trì vẫn tự ý đứng ra cho một số người dân xã Mường Luân và các xã lân cận của huyện Điện Biên Đông vay tiền, với lãi suất cao (từ 104 - 189%/năm). Đã có nhiều trường hợp phải thế chấp sổ đỏ để vay tiền Trì, nhưng do lãi suất cao, không đủ khả năng trả nợ phải chuyển nhượng sổ đỏ cho Trì.
Ngày 17.12.2020, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Công an huyện Điện Biên Đông đã tiến hành bắt giữ Trì để điều tra. Khám xét tại nơi ở, cơ quan công an thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến hoạt động phạm tội của đối tượng. “Hiện nay, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thế Trì về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Công an tỉnh đã chuyển Công an huyện Điện Biên Đông để tiếp tục tiến hành các thủ tục điều tra theo thẩm quyền, với yêu cầu phải xử lý nghiêm đối tượng”, thượng tá Thắng thông tin.
Không để thành điểm nóng
Thượng tá Nguyễn Ngọc Thắng cho biết thêm: “Tội phạm tín dụng đen len lỏi về các địa bàn vùng sâu, vùng xa của Điện Biên để hoạt động đã vài năm gần đây. Mặc dù chưa phức tạp và có dấu hiệu hình sự như ở các thành phố lớn, song hoạt động này đã gây ra nhiều hệ lụy cho đồng bào nghèo địa phương”.
Thống kê từ Công an tỉnh Điện Biên, từ năm 2019 đến nay cơ quan này đã phát hiện, bắt giữ 8 vụ, với 13 bị can về các hành vi liên quan đến tín dụng đen. Qua điều tra, xử lý cho thấy, các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính, cho vay, cầm đồ để thực hiện các hành vi cho vay lãi nặng. Lãi suất cho vay chủ yếu tự thỏa thuận, không thể hiện trên giấy tờ. Đây là một trong những mánh khóe để các đối tượng lách luật khi có kiểm tra của lực lượng chức năng.
Công an Điện Biên còn phát hiện một số nhóm đối tượng từ các tỉnh, thành (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng…) đã tìm cách móc nối với các đối tượng hình sự trên địa bàn, nhằm thực hiện các hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, khiến công tác phòng ngừa, đấu tranh càng trở nên phức tạp.
Trong khi đó, trên thực tế, một bộ phận người dân nhận thức còn hạn chế, đa số nạn nhân bị đe dọa, sợ trả thù nên không dám tố giác, thậm chí một số người không hợp tác khiến công tác nắm bắt, điều tra tình hình càng trở nên phức tạp hơn.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Thắng là người được Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên giao trực tiếp chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu để xảy ra các vấn đề “nóng” liên quan đến hoạt động tín dụng đen, với quyết tâm không để địa phương trở thành điểm nóng của loại hình tội phạm này..
“Đa phần người đi vay là người nghèo và khi vay họ chỉ quan tâm đến việc vay được tiền, mà không để ý hoặc không đủ nhận thức để tính toán được khoản lãi “khổng lồ” phát sinh sau đó. Chính vì vậy, nâng cao nhận thức của người dân, mới là giải pháp căn cơ để giải quyết thực trạng này. Cũng như việc nhổ cỏ, muốn không để nó lây lan thì phải nhổ tận gốc” - Thượng tá Thắng nói.
Xem thêm: odl.645888-neib-neid-oac-gnuv-o-ned-gnud-nit-nan-ed-teirt-teyuq-iaig/taul-pahp/nv.gnodoal