Kế hoạch triển khai vệ tinh đầu tiên do Myanmar tham gia chế tạo đang bị hoãn lại sau cuộc chính biến hồi đầu tháng trước tại Naypyidaw, hãng tin Reuters cho hay.
Vệ tinh do các chuyên gia thuộc Đại học Kỹ thuật hàng không vũ trụ Myanmar (MAEU) và Đại học Hokkaido (Nhật) hợp tác phát triển đang bị giữa lại ở Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong khi chờ giới chức Tokyo quyết định thời điểm cho vệ tinh bắt đầu hoạt động. Reuters lưu ý rằng MAEU là cơ sở giáo dục do chính phủ Myanmar tài trợ.
Hai nguồn tin từ Đại học Hokkaido chia sẻ với Reuters rằng trường này và Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật (JAXA) đang thảo luận để đưa ra quyết định sau cùng liên quan tới vệ tinh của Myanmar.
Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Ảnh: REUTERS
“Chúng tôi sẽ không can dự vào bất kỳ điều gì liên quan tới quân đội. Vệ tinh không được thiết kế để phục vụ (cho mục đích quân sự)” - một quan chức quản lý dự án tại Đại học Hokkaido nói.
Nhà khoa học này cho biết chưa thể dự đoán quyết định sau cùng của phía Nhật sẽ là như thế nào. Người này cũng hy vọng nếu việc triển khai vệ tinh bị tạm hoãn do vấn đề của Myanmar, dự án vẫn có thể được khởi động lại.
Một nguồn tin khác từ Đại học Hokkaido chỉ ra rằng hợp đồng hợp tác giữa trường này và MAEU không nếu rõ vệ tinh không được dùng cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, người này lưu ý rằng phía Nhật sẽ tham gia thu thập và kiểm soát dữ liệu, đồng nghĩa rằng phía Myanmar không thể độc lập truy cập dữ liệu vệ tinh.
Nguồn tin này còn cho biết từ sau vụ chính biến hôm 1-2, Đại học Hokkaido chưa thể liên hệ với Hiệu trưởng MAEU, Giáo sư Kyi Thwin.
Reuters chưa thể liên lạc với JAXA, với MAEU hay chính quyền quân sự Myanmar để phỏng vấn về việc hoãn triển khai vệ tinh này.
Nhật là nước có quan hệ thân thiết và là một trong những nước viện trợ nhiều nhất cho Myanmar.
Chính quyền Tokyo vấp phải nhiều chỉ trích vì không thể hiện lập trường cứng rắn như các đồng minh phương Tây sau khi quân đội Myanmar tổ chức chính biến và bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.
Vệ tinh nhỏ của Myanmar có kinh phí phát triển là 15 triệu USD, được lắp camera quan sát Trái Đất hỗ trợ hoạt động nông nghiệp và ngư nghiệp. Vệ tinh được phóng lên ISS hôm 20-2.
Nhiều nhóm hoạt động xã hội và vận động vì quyền con người liên tục kêu gọi phía Nhật ngừng dự án hợp tác với Myanmar để xem xét những nguy cơ có thể xảy ra đối với người dân Myanmar.