Ngày 12-3, các quan chức an ninh cho biết nhiều cảnh sát Myanmar và gia đình họ đã chạy sang Ấn Độ. Theo hãng tin AFP, một sĩ quan đã nói với họ rằng chính quyền đang "đánh đập và tra tấn" những người biểu tình.
"Lý do chúng tôi từ Myanmar đến Ấn Độ là vì tôi không muốn phục vụ dưới chính quyền quân sự nữa. Lý do thứ hai là nếu tôi từ bỏ quân đội và tham gia cùng mọi người, tôi tin chúng tôi có thể thắng trong cuộc chiến chống quân đội" - một cảnh sát giấu tên nói với AFP.
Theo cảnh sát này, giới chức Myanmar đang thực hiện "đánh đập hoặc tra tấn theo ý muốn của họ".
Cảnh sát Myanmar được trang bị vũ trang đối phó người biểu tình. Ảnh: AFP
"Tôi đã chứng kiến cảnh sát bắt giữ rất nhiều người mà họ thấy, thậm chí cả những người không tham gia biểu tình mà chỉ đứng bên ngoài để xem hoặc chụp ảnh" - cảnh sát nói thêm.
Tính đến ngày 12-3, có tổng cộng 264 người Myanmar đã vượt biên sang Ấn Độ, bao gồm 198 cảnh sát và thành viên gia đình của họ, các quan chức an ninh cho biết.
Theo Liên Hợp Quốc, mức độ bạo lực trong đối phó biểu tình của các nhà chức trách quân sự Myanmar ngày càng tăng. Đã có ít nhất 70 người thiệt mạng.
Sau chính biến, ngày càng có nhiều người Myanmar vượt biên sang Ấn Độ, trong đó gồm nhiều cảnh sát từ chối tham gia đối phó biểu tình. Một quan chức địa phương ở bang Mizoram, Ấn Độ cho biết hàng chục người Myanmar đang chờ ở biên giới để được vào Ấn Độ.
Nguồn tin an ninh cho biết, chính quyền Ấn Độ đã trả về tám người trong số những người vượt biên.
Trước đó, vào hôm 6-3, một quan chức ở đông bắc Ấn Độ tiết lộ chính quyền Myanmar yêu cầu Ấn Độ trao trả tám sĩ quan cảnh sát đã tìm kiếm tị nạn để không phải thực thi mệnh lệnh quân đội vì “để duy trì mối quan hệ hữu nghị” giữa hai nước.
“Để duy trì quan hệ hữu nghị giữa hai nước láng giềng, các bạn vui lòng bắt tám sĩ quan cảnh sát đã đi vào lãnh thổ Ấn Độ và bàn giao lại cho chúng tôi” – thư có đoạn.
Ấn Độ có chung biên giới đất liền dài 1.600 km với Myanmar.
Hôm 1-2, quân đội Myanmar bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng những lãnh đạo khác của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Phía quân đội tuyên bố đây là phản ứng của họ với cáo buộc cuộc bầu cử tháng 11-2020 tại Myanmar có gian lận.