Ngày 13/3, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết Công an huyện Hóc Môn đã phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh điều tra làm rõ vụ việc một phụ nữ trình báo về việc bị lừa đảo 2,5 tỉ đồng.
Theo trình báo, chị H. (46 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) quen biết với một người đàn ông xưng là Mayvvss R.Raut, quân nhân ở Syria.
Hai bên nói chuyện hồi lâu thì nảy sinh tình cảm. Đầu tháng 3, vị quân nhân đang chiến đấu ở chiến trường nói rằng sẽ gửi cho chị H. một thùng quà bên trong có 700.000 USD là tiền lương hưu.
Người đàn ông nhờ chị H. giữ hộ để sau này qua Việt Nam làm đám cưới và người phụ nữ đồng ý.
Đến ngày 3/3, chị H. nhận được điện thoại của một phụ nữ muốn xác nhận thông tin gửi hàng từ Syria và yêu cầu chuyển khoản vào một tài khoản cá nhân để hoàn tất thủ tục nhận hàng.
Đến chiều, người này tiếp tục thông báo việc thùng hàng đã bị hải quan sân bay giữ lại và yêu cầu chị H. phải chuyển các khoản thuế phí, tiền lót tay… Do đó, trong vòng mấy ngày tiếp, chị H. đã 12 lần chuyển khoản gần 2,5 tỉ đồng để mong nhận được hàng.
Khi tiền đã cạn, kèm thêm nghi ngờ, chị H. đến công an trình báo và biết mình bị lừa. Vào cuộc điều tra, công an xác định được hai chủ tài khoản Vietinbank nhận tiền và đang điều tra làm rõ.
Theo tờ Pháp luật TP Hồ Chí Minh, đây không phải là trường hợp cá biệt, Công an TP Hồ Chí Minh, Bộ Công an từng nhiều lần phát đi các cảnh báo về các hình thức lừa đảo tương tự.
Theo đó, nạn nhân thường là các phụ nữ trung tuổi, sống đơn thân… Các đối tượng sẽ làm quen, tạo mối quan hệ tình cảm và thông báo sẽ gửi quà rồi yêu cầu nộp các loại thuế phí nhỏ.
Khi người dân tin lời, chuyển tiền thì các đối tượng tiếp tục tạo ra các tình huống như bị hải quan giữ lại, yêu cầu nộp thêm các loại tiền "lót tay"… Nạn nhân thiếu cảnh giác, do đã đóng tiền nên sẽ tiếp tục đóng để nhận quà.
Ngoài ra, một hình thức khác là thông báo nợ cước điện thoại, dính líu đến đường dây mua bán ma túy, rửa tiền… yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng… để chuyển tiền đến tài khoản của các đối tượng lừa đảo nói rằng kiểm tra tiền có "sạch" hay không.
Một số vụ điều tra cho thấy, các đối tượng lừa đảo thường tinh vi, hoạt động trên không gian mạng và do người nước ngoài cầm đầu, cấu kết với người Việt. Các tài khoản ngân hàng nhận tiền có thể là do mua lại hoặc thuê người mở để tránh để lại dấu vết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.58433251131301202-gnod-yt-52-aul-gnam-nert-hnit-iougn-ib-auq-nahn-ihp-gnod/taul-pahp/nv.vtv