vĐồng tin tức tài chính 365

Nữ sáng lập startup bán thịt thực vật ở tuổi 50: Theo đuổi lối sống thuần chay vì muốn bảo vệ môi trường và lòng tự hào

2021-03-13 15:29
Chị Hồ Thanh Nhiên hiện là Nhà sáng lập công ty thương mại và phân phối thực phẩm thuần thực vật Bewina, với 2 cửa hàng tại Quận 7 và Quận Bình Thạnh. Hai cửa hàng này vừa là nơi trưng bày các sản phẩm thịt thực vật chiết xuất từ nậu nành cùng đậu Hà Lan, vừa bán các loại thức ăn nhanh và ăn tại quán.

Trước khi gặp gỡ và trò chuyện với chị Hồ Thanh Nhiên – được giới thiệu là ‘người đang theo đuổi lối sống thuần chay’, chúng tôi cứ ngỡ sẽ được nghe một câu chuyện về việc vì sao chị đến với đạo Phật và quyết định chuyển từ ăn mặn sang ăn chay thuần. Nhưng hóa ra là chúng tôi đã hiểu nhầm về chữ ‘chay thuần’ ở đây. Theo chị Hồ Thanh Nhiên, chính xác thì trường phái ẩm thực mà chị đang theo đuổi có tên là plant-based – ăn uống dựa chủ yếu vào thực vật và hiện có cả nền công nghiệp phục vụ cho lối sống này.

Sở dĩ, chị Nhiên chọn lối sống plant-based thay vì những phong cách khác, bởi nó tốt cho môi trường, đang là xu hướng của thế giới và không muốn Việt Nam trở thành nạn nhân của tàn tích từ ngành công nghiệp chăn nuôi chứ không phải vì vấn đề tôn giáo. Lối sống plant-based, nôm na là chúng ta vẫn ăn uống như bình thường, chỉ là thay những thực phẩm làm từ động vật bằng thực vật, tiêu biểu như thịt.

"Lý do tôi đến với lối sống thuần chay hay ăn uống theo plant-based, bắt đầu bằng một biến cố cá nhân cách đây chưa lâu. Khi đó, tôi bệnh khá nặng và suýt chết nhưng đã sống lại, nên quyết định chuyển hẳn sang lối sống thuần chay.

Với tôi, lối sống đó gần như phép màu, bởi nó không những khiến tôi vượt qua được bệnh tật, mà còn khiến tôi sống vui vẻ, bình an và hạnh phúc. Ngoài ra, nó khiến cho tâm thức tôi thay đổi, từ bỏ nhiều thứ tưởng là định mệnh để quyết liệt theo đuổi điều mà mình cảm thấy tốt cho bản thân và mọi người", chị Hồ Thanh Nhiên bày tỏ.

Chị Hồ Thanh Nhiên đã dành cả thanh xuân để cống hiến cho ngành công nghiệp nặng, cụ thể hơn là ngành thép. Lúc đó, chị đã theo đuổi công việc trong ngành thép đã được 20 năm và đã gặt hái nhiều thành công cũng như có một chút thành tựu trong lĩnh vực này. Nhưng sau biến cố lớn trong cuộc đời cộng với việc chuyển sang ăn thuần chay, chị quyết định chuyển đổi công việc.

Cau khi thức tỉnh, chị tự đặt ra mục tiêu: mình phải làm công việc gì đó mà không ảnh hưởng xấu đến môi trường, gia đình, đất nước và hành tinh của mình. Chị Nhiên quyết định dấn thân vào nền công nghiệp thuần chay, xem như mình khởi nghiệp lần nữa ở tuổi 50.


TỐT CHO MÔI TRƯỜNG

Nữ sáng lập startup bán thịt thực vật ở tuổi 50: Theo đuổi lối sống thuần chay vì muốn bảo vệ môi trường và lòng tự hào dân tộc - Ảnh 2.

Chị Hồ Thanh Nhiên bên ngoài một nhà hàng chay ở Mỹ.

Theo chị Hồ Thanh Nhiên, công nghiệp chăn nuôi là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên nhất nhì thế giới.

Hiệu ứng nhà kính hay các loại phương tiện giao thông không phát thải khí metan ra môi trường nhiều bằng ngành chăn nuôi. Ngành chăn nuôi là một trong những thủ phạm chính khiến trái đất nóng lên, làm tầng ozon của chúng ta bị thủng, khiến băng ở 2 cực tan cũng như khiến khí metan dưới lòng đất dễ bị rò rỉ vào bầu khí quyển.

Ngoài ra, ngành chăn nuôi cũng đang gián tiếp phá rừng để lấy đất chăn thả bò và trồng cỏ cho bò ăn, đồng thời tiêu thụ một lượng nước khủng khiếp. Theo một nghiên cứu, thì để sản xuất khoảng 1kg thịt bò, người chủ phải tiêu tốn từ 20.000 đến 40.000 lít nước. Việc ăn chủ yếu dựa vào thực vật tức chúng ta đang góp phần bảo vệ môi trường và hành tinh xanh của chúng ta, lại không sát sinh.

"Khi động vật ăn cỏ hay các loại đậu để tạo ra đạm, thì đậu đã mất 90% năng lượng. Vậy tại sao chúng ta không trực tiếp ăn các loại đậu để hấp thu đạm mà phải hấp thu trực tiếp qua các loại động vật và làm lãng phí tới 90% năng lượng của đậu?!", chị Hồ Thanh Nhiên nêu vấn đề.

Hơn nữa, theo nguyên tắc ăn uống thực dưỡng được khởi xướng và lan tỏa bởi Đại sư Georges Ohsawa, thức ăn chúng ta đưa vào dạ dày cần có sự cân bằng âm dương. Thức ăn dương là những thực phẩm có khả năng sinh sôi nảy nở qua hàng chục hoặc hàng trăm năm như các loại cây trồng và lúa gạo, dù chúng ta thu hoạch nó vẫn tiếp tục mọc lên cái mới. Thức ăn âm là những thực phẩm như thịt động vật.

Nếu chúng ta ăn thức ăn mang yếu tố dương nó sẽ cung cấp chúng ta nhiều năng lượng tốt để có lối sống năng động, tâm hồn an yên, trí óc sáng suốt cùng cơ thể khỏe mạnh. Ăn uống thực dưỡng, ngoài không ăn thực phẩm nhiễm bệnh, còn cung cấp năng lượng tốt cho bản thân.

XU HƯỚNG THẾ GIỚI

"Một hiểm họa khác của nền công nghiệp chăn nuôi chính là sản xuất ra những sản phẩm không chất lượng với giá rẻ mạt. Tôi thật sự không biết họ nuôi kiểu gì để ra mức giá rẻ như vậy và liệu nó có sạch hay không?

Như chúng ta đã biết, lợn bây giờ dễ bị nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm khác nhau. Trong nền công nghiệp chăn nuôi, người ta cũng dùng thuốc kháng sinh rất nhiều.

Khi ăn thịt động vật chăn nuôi công nghiệp, những cá thể mang bệnh và dư lượng thuốc kháng sinh của chúng sẽ khiến hệ đề kháng của chúng ta xuống cấp, dễ mắc bệnh", chị Hồ Thanh Nhiên nêu minh chứng.

Nữ sáng lập startup bán thịt thực vật ở tuổi 50: Theo đuổi lối sống thuần chay vì muốn bảo vệ môi trường và lòng tự hào dân tộc - Ảnh 3.

Cận cảnh một hộp thịt chay dùng cho món hamburger.

Do ăn thịt động vật vừa tác động xấu đến thiên nhiên vừa không tốt cho sức khỏe, nên nhiều người trên thế giới đang có xu hướng chuyển dần sang ăn thuần chay hay dựa hết cả vào thực vật. Thậm chí, theo một dự đoán gần đây, năm 2030, thế giới sẽ chuyển sang ăn thuần chay.

Và nếu nhìn vào nền công nghiệp plant-based, dự đoán nói trên không hề vô căn cứ. Hiện có khoảng 100 nhà máy trên thế giới đang sản xuất các thực phẩm thuần chay – đặc biệt chúng ta đang thấy một cuộc chạy đua sản xuất thịt thực vật trên toàn thế giới. Các ông lớn trong ngành thực phẩm thế giới và cả châu Á như Unilever, Nestle, Nippon hay CP; cũng đã chuyển đổi một phần sản xuất của mình qua mảng thực phẩm thuần chay. 

Nestle đã công bố các sản phẩm phô mai và thịt xông khói thuần chay mới, sẵn sàng phục vụ cho các dịch vụ ăn uống và nhà hàng tại Hoa Kỳ và Châu Âu vào năm 2020. Nhà hàng thức ăn nhanh KFC đang bán món gà viên chiên thuần chay tại hai thành phố lớn ở Mỹ cùng Vương quốc Anh.

Cụ thể, theo tìm hiểu của chị Hồ Thanh Nhiên: 8/10 nhà sản xuất thịt lớn nhất Hoa Kỳ đã ra mắt hoặc đầu tư vào sản phẩm thuần chay, trong khi một trong những nhà chế biến thịt lớn nhất châu Âu đã công bố loạt sản phẩm thuần thực vật của riêng họ vào tháng 3/2020.

Trong khảo sát đầu tiên thuộc loại này, Gallup nhận thấy rằng: 41% người Mỹ đã thử sản phẩm thịt thực vật tại một thời điểm nào đó, bao gồm một nửa người Mỹ dưới 50 tuổi. Điểm nổi bật trong cuộc thăm dò là đối tượng rất đa dạng, cho thấy ngành công nghiệp này đã thành công trong việc tiếp cận người dân khắp cả nước.

Số người trường chay và thuần chay tại Hàn Quốc đã tăng gấp mười - từ 150.000 vào năm 2008 lên 1,5 triệu vào năm 2019. Trong số này, người thuần chay ước tính khoảng nửa triệu người.

Công ty tư vấn quản lý toàn cầu Kearney đã dự đoán rằng: trước năm 2040, việc cung cấp thịt thông thường sẽ giảm hơn 33% trong khi 60% lượng tiêu thụ thịt toàn cầu sẽ là nguồn thịt thực vật hay thịt tạo ra từ phòng thí nghiệm. Dữ liệu từ Công ty Allied Market Research tiết lộ: thị trường thịt thuần chay toàn cầu dự tính sẽ đạt 8,1 tỷ USD trước năm 2026.


KHÔNG MUỐN VIỆT NAM TRỞ THÀNH NẠN NHÂN CỦA TÀN TÍCH TỪ NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHĂN NUÔI

Là người tiên phong trong ngành công nghiệp plant-based, chị Hồ Thanh Nhiên chia sẻ không ít lần cảm thấy mệt mỏi và muốn buông xuôi; nhưng nhớ về những câu chuyện cũ, khi đối với nhiều thương nhân nước ngoài, Việt Nam trở thành nơi kiếm tiền chứ không phải nơi lan tỏa những điều tốt đẹp, chị lại dặn lòng đứng lên tiếp tục.

Nữ sáng lập startup bán thịt thực vật ở tuổi 50: Theo đuổi lối sống thuần chay vì muốn bảo vệ môi trường và lòng tự hào dân tộc - Ảnh 4.

Các món ăn thuần chay đẹp mắt của Bewina.

"Là một người làm lâu trong ngành công nghiệp nặng, có bạn bè năm châu bốn biển và đi khá nhiều nước, tôi luôn cảm thấy buồn khi Việt Nam mình không được bạn bè quốc tế xem trọng cũng như có vị thế trên bản đồ thế giới mà mình nên có.

Người Việt Nam vừa thông minh, tài giỏi cùng siêng năng, chỉ là chưa đoàn kết. Chúng ta có lực lượng trẻ lao động đầy nhiệt huyết, song lại không có người dẫn đầu. Chỉ cần giải quyết 2 vấn đề nói trên, Việt Nam chẳng thua ai trên trường quốc tế và không dễ bị ‘ăn hiếp’.

Hồi xưa, khi người Đài Loan sang Việt Nam làm ăn buôn bán, thay vì mang máy photocopy hay máy in loại 1 qua bán, thì họ lấy hàng loại hai hoặc sencond-hand, xong ‘mông má’ rồi bán lại cho chúng ta. Trong ngành thép cũng thế, nhiều thương lái nước ngoài, thay vì mang thép loại 1 sang bán thì lại mang thép đã sử dụng hoặc loại 2 và 3. Tất nhiên, nếu bán hàng tốt hoặc mới loại 1, họ chỉ lời 2, trong khi bán hàng đã qua sử dụng hoặc hàng không tốt nhất, họ lời 5, 6 thậm chí lời 10.

Hồi xưa vì chúng ta thiếu hiểu biết, nên bị bạn bè quốc tế chèn ép khi hợp tác đầu tư. Ngày nay, các thương lái nước ngoài không dễ kiếm ăn trên đất Việt Nam như vậy nữa, vì chúng ta đã mở cửa và hội nhập, đặc biệt là có internet. Chỉ cần một cú click chuột, chúng ta sẽ biết trên thế giới này đang có sản phẩm gì tốt, giá cả như thế nào…

Việc tôi cố sống chết để theo ngành plant-based, ngoài muốn thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng gia nhập trào lưu thế giới, còn vì muốn mang những sản phẩm thuần chay tốt nhất đến với người Việt Nam. Hiện tôi đang làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất thịt thực vật của Đài Loan cũng như Hungary", founder Bewina kể.

Ngoài ra, sở dĩ, chị Nhiên nôn nóng muốn kêu gọi mọi người nhanh chóng tham gia xu hướng này của thế giới, là muốn người dân Việt Nam bớt ăn thịt, để không trở thành thành ‘nạn nhân của tàn tích từ ngành công nghiệp chăn nuôi’.

Khi phần đông dân cư các nước trên thế giới chuyển sang ăn thuần chay, chắc chắn thịt động vật sẽ bị dư, mà như chúng ta biết thịt động vật thường mang nhiều mầm bệnh và không có chất lượng tốt, chúng có thể bị đẩy vào các nước đang phát triển – như Việt Nam. Bởi chúng ta không biết thế giới đang diễn ra như thế nào.

Trong giai đoạn đầu tiên, chị Hồ Thanh Nhiên và Bewina không đặt nặng chuyện lợi nhuận, hiện các sản phẩm của doanh nghiệp này đang bán với giá vốn và có khi thấp hơn giá vốn – bởi đây là lĩnh vực mới và có những chi phí phát sinh mà chị không tính đến. "Theo quan điểm của tôi, khi mình gieo điều tốt sẽ nhận về điều tốt, chỉ sớm hay muộn mà thôi!", chị Hồ Thanh Nhiên kết luận.

Quỳnh Như

Theo Trí Thức Trẻ

Xem thêm: nhc.78483932221301202-cot-nad-oah-ut-gnol-av-gnourt-iom-ev-oab-noum-iv-yahc-nauht-gnos-iol-ioud-oeht-05-iout-o-tav-cuht-tiht-nab-putrats-pal-gnas-un/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nữ sáng lập startup bán thịt thực vật ở tuổi 50: Theo đuổi lối sống thuần chay vì muốn bảo vệ môi trường và lòng tự hào ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools