Từ sáng 13-3, hàng trăm công nhân đã tập trung trước cổng chi nhánh Công ty TNHH Seidensticker ở tổ dân phố Kha Lâm 3 (phường Nam Sơn), căng băng rôn yêu cầu công ty giải quyết quyền lợi của mình.
Cụ thể, công nhân yêu cầu công ty tăng đơn giá khoán sản phẩm vì thu nhập của người lao động theo đơn giá khoán không bằng mức lương tối thiểu vùng. Hơn nữa, công nhân làm thêm giờ và làm thêm ngày chủ nhật nhưng không được hưởng mức lương đúng quy định về làm thêm giờ và ngày nghỉ.
Công nhân ngừng việc tập thể yêu cầu tăng lương
Theo những công nhân này, trước đó, người lao động đã kiến nghị lên lãnh đạo công ty nhưng không được giải quyết nên sáng 13-3 hàng trăm công nhân đã ngừng việc tập thể. Chiều 13-3, người lao động tiếp tục tập trung trước trụ sở chi nhánh công ty đòi hỏi quyền lợi.
Công ty TNHH Seidensticker Việt Nam có trụ sở chính tại TP Chí Linh (Hải Dương) chuyên về may mặc. Công ty này có mở thêm chi nhánh tại phường Nam Sơn (quận Kiến An, Hải Phòng) chuyên may áo sơ mi với khoảng hơn 300 công nhân. Do là chi nhánh của DN có trụ sở tại TP Chí Linh nên việc việc phối hợp giải quyết kiến nghị của người lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Liên đoàn Lao động TP Chí Linh.
Theo Liên đoàn Lao động TP Chí Linh, cơ quan này đã chỉ đạo công đoàn cơ sở nắm bắt tình hình, yêu cầu DN giải quyết thắc mắc, kiến nghị của người lao động. Chiều 13-3, tại trụ sở chi nhánh, lãnh đạo Công ty TNHH Seidensticker Việt Nam đã làm việc với đại diện công đoàn DN, đại diện người lao động để giải quyết yêu cầu của công nhân.
Theo thông báo mà Công ty Seidensticker Việt Nam gửi tới người lao động, Ban giám đốc công ty đã thống nhất đồng ý áp dụng đơn giá sản phẩm như năm 2020. Từ ngày 1-4, đơn giá sản phẩm sẽ tăng 10% so với đơn giá khoán sản phẩm của năm 2020. Công ty sẽ không trừ giảm đơn giá sản phẩm đối với những đơn hàng số lượng lớn.
Trong trường hợp người lao động đã làm việc từ thứ hai đến thứ bảy mà công ty tiếp tục yêu cầu người lao động đi làm thêm ngày chủ nhật thì tiền lương ngày chủ nhật sẽ được tính gấp 2 lần so với ngày thường. Trong trường hợp tiền lương ngày chủ nhật (khoán sản phẩm) không bằng mức lương tối thiểu theo quy định thì DN sẽ trả cho người lao động bằng 2 lần mức lương tối thiểu.
Ngoài ra, trong các ngày từ thứ hai đến thứ bảy, nếu công ty yêu cầu người lao động làm thêm giờ thì tiền lương làm thêm sẽ được tính bằng 1,5 lần.
Sau khi tiếp nhận thông báo, người lao động đã ra về, không tập trung trước cổng chi nhánh công ty này nữa. Tuy nhiên, người lao động cho rằng công ty giải quyết quyền lợi vẫn chưa rõ ràng, nhất là việc tính lương làm thêm giờ hàng ngày, nếu không bằng mức tối thiểu theo quy định thì có được tính bằng 1,5 lần mức tối thiểu hay không?