Vốn quen ăn gạo tám, từ khi nghe tiếng gạo ST25, chị Hiền (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) đã tìm mua để ăn thử. Bản thân chị đã thử 2 loại gạo ST25 với giá 20.000 đồng và 40.000 đồng một kg. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, chị mới biết cả 2 loại này đều không phải là gạo ST25 chính hiệu. Do vậy, chị lại quay trở về ăn gạo tám bởi ST25 thật, giả không biết đằng nào mà mua.
"Khi ra ngoài chợ chị bán hàng bảo gạo này ngon lắm thì mình cứ mua chứ mình cũng không biết gạo thật hay gạo giả. Bao bì gạo màu trắng, đóng 5 kg. Khi về tìm hiểu mình thấy rằng đấy không phải gạo thật, mà là gạo giả. Thật sự cũng rất bất ngờ khi một loại gạo nổi tiếng như thế lại có hàng giả, ở ngoài chợ bán rất là nhiều", chị Hiền chia sẻ.
Cũng vì khó phân biệt thật giả nên người tiêu dùng như chị Hằng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) chỉ biết chọn đến cửa hàng quen, những nơi có uy tín để mua.
Gạo ST25 bán tại một cửa hàng ở Quận 3, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: NLĐ)
"Mình cũng khó phân biệt, dù nhãn mác có hình ảnh, phông chữ khác nhau, nhưng đều để là gạo ST", chị Hằng cho hay.
Còn tại các đại lý, nguồn cung gạo ST25 luôn dồi dào, họ luôn có nhiều loại ST25 cho khách hàng lựa chọn, từ ST25 của tư nhân đến ST25 của công ty, với nhãn mác bao bì na ná như nhau.
Không chỉ có ở các đại lý, tại các sàn thương mại điện tử, gạo ST25 cũng được rao bán rất nhiều với mức giá từ 20.000 - 50.000 đồng/kg và ở đâu cũng khẳng định đó là gạo chính hãng của kỹ sư Hồ Quang Cua. Chính sự nhập nhèm về nguồn gốc và giả mạo bao bì tinh vi này khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần.
Cần quy chuẩn cho gạo ST25
Việc làm giả nhãn mác bao bì gạo ST25 và bán tràn lan trên thị trường khiến người tiêu dùng không còn mặn mà với dòng gạo này sau một thời gian sử dụng. Cùng một giống lúa nhưng canh tác khác nhau cũng cho ra sản phẩm chất lượng khác nhau. Đã đến lúc cần phải có một quy chuẩn canh tác và siết chặt quản lý để dòng gạo ngon nhất thế giới năm 2019 này giữ đúng được chất lượng, tạo nên thương hiệu cho gạo Việt Nam.
Ghi nhận tại cơ sở sản xuất của kỹ sư Hồ Quang Cua - cha đẻ giống gạo ST25, trung bình mỗi năm, ông chỉ cung cấp cho thị trường 3.000 tấn gạo đặc sản này với bao bì đóng túi 5 kg, màu vàng xanh, có ghi đầy đủ thông tin và địa chỉ cơ sở. Riêng đợt Tết vừa qua, dòng sản phẩm cao cấp của gạo ST25 được đóng hộp 2 kg và hút chân không.
Quy trình chuẩn cho dòng gạo thơm ST25 cần được khẩn trương xây dựng. (Ảnh: Dân trí)
"Tất cả sản phẩm đều có logo do tổ chức thương mại lúa gạo toàn cầu cấp cho sau khi mình đoạt giải. Còn sản phẩm nào rao bán không có logo hình tam giác, đó chắc chắn là hàng giả", kỹ sư Hồ Quang Cua, tác giả sản phẩm gạo ST25, nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Cua, trên thị trường có hàng trăm nhãn mác giả, nhái thương hiệu của ông, thậm chí là đóng bao vài chục kg, dù có thể bên trong vẫn là gạo ST25. Nguyên nhân là vì cơ sở đã bán lúa giống ra thị trường, trung bình khoảng 4.000 tấn mỗi năm. Điều này cũng có nghĩa là sẽ có khoảng 100.000 tấn gạo ST25, nhưng không do ông Cua trồng.
"Từ khi thu hoạch cho đến chế biến sau thu hoạch cũng là một chuỗi rất cẩn thận, có những kinh nghiệm thì chúng ta mới làm ra sản phẩm có phẩm chất cao", kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết.
Đến nay, mới chỉ có 3 vụ vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ liên quan đến gạo ST25 bị xử phạt tại Bạc Liêu và Quảng Trị.
Vì vậy, quy trình chuẩn cho dòng gạo thơm ST25 cần được khẩn trương xây dựng, đặc biệt là thương hiệu gạo quốc gia. Nếu không, với việc nhượng quyền sản xuất như hiện nay, chất lượng gạo ngon nhất thế giới có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu được trồng đại trà, thay vì trên nền luân canh lúa tôm như hiện nay.
VTV.vn - Khi đã mất thứ hạng gạo ngon nhất cũng là lúc Việt Nam cần chiến lược bài bản hơn để tiếp thị gạo Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.50303610231301202-aig-taht-nart-am-oav-ior-gnud-ueit-iougn-52ts-oag-mahp-nas-naol/et-hnik/nv.vtv