Tôi đặc biệt thấm thía chữ "G" cuối cùng.
Thấm thía và trăn trở vì hơn 30 năm công tác ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, tôi đã đi, đã gặp, đã nghe bao nhiêu câu chuyện, nỗi niềm của những người mẹ, người chị, bao nhiêu em gái, cháu gái miệt đồng này. Và tôi nữa, bản thân tôi cũng từng là nạn nhân của bất bình đẳng giới.
Tôi vẫn thường kể cho các con nghe chuyện đời mình. Mới 15 tuổi, tôi đã phải làm cuộc bứt phá: trốn nhà đi học vì cha cho rằng con gái học hết lớp 9 trường làng là quá đủ.
Hôm ấy, tôi mặc bộ quần áo làm đồng rách nát, ố phèn, một mình đón xe đi 20km xuống huyện tìm nhà trọ học cấp III. Trước cuộc vượt thoát này, cha tôi nghĩ lại. Ông làm ngơ để mẹ tôi tiếp tế tiền bạc, thực phẩm cho tôi tiếp tục đèn sách.
Tôi vẫn thường nói với các con: "Nếu ngày ấy mẹ không dũng cảm trốn nhà đi học chắc làm nghề hái dừa mà sống. Mà mấy năm nay dừa treo lúa lép...". Những đứa trẻ nghe chuyện mẹ rất thấm, dẫu bị áp lực học hành cũng nỗ lực vượt qua.
Nhưng bao năm, chuyện buồn con gái miền Tây vẫn tràn đồng. Báo đăng hoài chuyện vợ bị chồng hành hung khảo tiền đi nhậu. Mỗi dịp tết về, các cô dâu tha phương Đài Loan, Hàn Quốc ngập sân bay, miệng cười mà ánh mắt xót xa. Đôi lần, tôi đi cùng nhóm đàn anh đến vài quán quen. Nhìn những cô tiếp viên trẻ, không cần hỏi cũng biết chắc nụi: người miền Tây...
Vì mưu sinh. Mà cũng chưa hẳn vậy. Nếu như trong chiến tranh những người mẹ, người chị đảm đương việc nhà cho con em đi đánh giặc là chuyện đương nhiên, thì đến hòa bình những người phụ nữ miền Tây tôi gặp vẫn đương nhiên chấp nhận hi sinh những giấc mơ đời mình cho những người con trai trong gia đình vô tư ăn học, lập thân, lập nghiệp.
Bất cập giáo dục ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là nỗi nhức nhối nhiều nhiệm kỳ Chính phủ. Phụ nữ không được tiếp cận giáo dục là tổn thất quốc gia. Tôi nhớ bà Nguyễn Thị Bình - nguyên phó chủ tịch nước - có câu nói rất nổi tiếng: "Nếu phụ nữ được giải phóng sức lực, sức mạnh dân tộc tăng gấp bội phần".
Một lần gặp một nhà từ thiện người Mỹ, ông quả quyết ưu tiên chương trình giúp đỡ trẻ em gái. Ông giải thích: "Giúp một bé gái là giúp nhiều thế hệ. Tình yêu thương và trách nhiệm tràn ngập trong người phụ nữ. Một bé gái được học hành, được tiếp cận cơ hội nghề nghiệp sẽ giúp không chỉ bản thân mình mà còn giúp gia đình mình hiện tại và con cái mình sau này thoát nghèo. Giúp trẻ em gái vươn lên, có sự nghiệp là góp phần làm giàu cho đất nước".
Nhìn những phụ nữ đã tự nguyện lùi lại quanh mình, tôi càng thấm thía lời ông nói.
Bình đẳng giới không phải lần đầu được đặt lên bàn nghị sự. Vậy nên hôm nay, chữ "G" thứ 8 này cần nhất là những chiến lược thiết thực, hành động cụ thể đi vào cuộc sống để các cô gái miền Tây vốn đã đẹp, tháo vát, năng động và đầy tình yêu thương có được thêm nhiều cơ hội để sống cuộc đời đích thực của mình, xây dựng ước mơ lớn của chính mình.
Miền Tây sẽ trở lại đẹp lành, phồn vinh, vững bền trên tay những cô gái ấy.
TTO - Phát biểu kết luận chỉ đạo Hội nghị lần thứ 3 về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu diễn ra tại TP Cần Thơ sáng 13-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra khái niệm '8G' để phát triển.
Xem thêm: mth.20371557041301202-8-uht-g-uhc/nv.ertiout