ThS Hoàng Thúy Nga chia sẻ thông tin liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại buổi tư vấn sáng nay - Ảnh: TRUNG TÂN
Đó là mối quan tâm của phần lớn trong số hơn 3.000 học sinh có mặt trong Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 tại Trường THPT Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) sáng nay 14-3.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) và Sở GD-ĐT Đắk Lắk phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Việc báo Tuổi Trẻ thực hiện kết nối các trường đại học tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp là một hoạt động vì cộng đồng hết sức thiết thực và ý nghĩa. Đây là cơ hội để các em học sinh tỉnh Đắk Lắk được tiếp cận trực tiếp với các chuyên gia đến từ Bộ Giáo dục và đào tạo và các trường đại học để tìm hiểu và được cung cấp thông tin quan trọng về thi và tuyển sinh.
Bà Lê Thị Thanh Xuân - phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đắk Lắk - khẳng định như vậy tại lễ khai mạc chương trình.
Bà Lê Thị Thanh Xuân - phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đắk Lắk - phát biểu trong phần khai mạc buổi tư vấn sáng nay - Ảnh: ĐỨC THẾ
Học sinh tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại thị xã Buôn Hồ sáng 14-3 - Ảnh: TRUNG TÂN
Học sinh đặt câu hỏi tại buổi tư vấn sáng 14-3 - Ảnh: ĐỨC THẾ
Kỳ thi chỉ thay đổi nhỏ về kỹ thuật
Theo ThS Hoàng Thúy Nga - chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới về cơ bản vẫn ổn định như năm trước, chỉ có thay đổi về kỹ thuật rất nhỏ để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của học sinh.
"Đề thi tốt nghiệp THPT nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi với mục tiêu kiểm tra kiến thức tối thiểu của học sinh để xét tốt nghiệp nhưng có độ khó, độ phân hóa nhất định để các trường sử dụng có thể dùng kết quả này xét tốt nghiệp. Đề thi sẽ không ra những kiến thức đã giảm tải, phù hợp với chương trình giảm tải", cô Nga chia sẻ.
Cũng theo ThS Hoàng Thúy Nga, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với khối ngành sư phạm và nhóm ngành khoa học sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề; các trường đại học cũng sẽ công bố điều chỉnh ngưỡng nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường.
Bà Nga lưu ý: "Đây là thời điểm rất quan trọng, sau khi biết điểm thi THPT, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sao cho phù hợp với khả năng, mức điểm của mình và mong muốn của bản thân".
Theo dự kiến, quy chế tuyển sinh năm nay sẽ cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần bằng hình thức trực tuyến trong thời gian quy định của Bộ GD-ĐT. Thí sinh phải đăng nhập hệ thống bằng tài khoản của mình để thực hiện điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến.
Các trường trong xét tuyển đợt 1 đều xét bình đẳng các nguyện vọng đăng ký của thí sinh từ cao xuống thấp, không phân biệt thứ tự nguyện vọng, dựa theo mức điểm của thí sinh đến khi đủ chỉ tiêu. Do vậy các em cần xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên từ cao xuống thấp, nguyện vọng số 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất.
"Khi đã trúng tuyển nguyện vọng nào thì các nguyện vọng thí sinh không được xét tuyển nữa. Hiện nay rất nhiều trường xét tuyển học bạ, nếu thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức này và trúng tuyển, các trường nhập dữ liệu thí sinh lên hệ thống thì sẽ mất cơ hội xét tuyển các hình thức khác và các nguyện vọng bổ sung", bà Nga lưu ý thêm.
5 bước chọn ngành nghề
Chia sẻ với học sinh tại buổi tư vấn sáng nay, TS Lê Thị Thanh Mai - Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng về nguyên tắc chọn ngành nghề tương lai, kết thúc bậc THPT cần phải xác định bản thân mình muốn làm gì trong tương lai, để làm công việc đó thì phải học ngành gì, để học ngành đó có trường nào đào tạo, điều kiện tuyển sinh của các trường ra sao.
"Sau 5 bước chọn ngành nghề này, các em cần xem lại năng lực của mình với yêu cầu, điều kiện tuyển sinh mình có đáp ứng được hay không và xem mình còn thiếu gì. Nếu thiếu về năng lực học tập thì chúng ta cải thiện năng lực học tập, thiếu kỹ năng thì phải rèn luyện trong quá trình học phổ thông", bà Mai tư vấn.
Cũng theo TS Lê Thị Thanh Mai, dù chọn phương thức tuyển sinh nào thì thí sinh đừng quên mục tiêu việc làm tương lai của mình, cùng một ngành học có thể có nhiều phương thức xét tuyển. Không nên đăng ký theo kiểu mỗi phương thức xét tuyển một ngành học khác nhau.
Tư vấn về cách xác định tố chất nghề nghiệp bản thân, TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho hay: "Mỗi ngành nghề đòi hỏi chúng ta có những tố chất nhất định phù hợp với đặc thù công việc. Như vậy, bên cạnh năng lực học tập của mình, các em cần phải hiểu được chính mình và biết cách khám phả bản thân xem mình phù hợp với những nghề nào, từ đó có sự chọn lựa phù hợp".
Tại buổi tư vấn, rất nhiều học sinh quan tâm đến ngành y khoa nên đã đặt nhiều câu hỏi với ban tư vấn. PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết do Bộ GD-ĐT chưa công bố quy chế tuyển sinh chính thức nên nhà trường chưa công bố đề án tuyển sinh 2021. Tuy nhiên, dự kiến phương thức tuyển sinh của trường năm nay không thay đổi so với năm trước.
Trả lời thắc mắc về mức học phí ngành y khoa, thầy Khôi cho hay: "Học phí ngành y khoa hiện tại của trường là 70 triệu đồng/năm và dự kiến năm nay sẽ tăng thêm 10%, tức 77 triệu đồng/năm".
TTO - Sau thời gian tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 sẽ bắt đầu trở lại vào cuối tuần này.
Xem thêm: mth.66093010141301202-iat-maig-hnirt-gnouhc-iov-poh-uhp-1202-tpht-peihgn-tot-iht-ed/nv.ertiout