Lần đầu tổng thu ngân sách Nhà nước tăng kể từ đại dịch Covid-19
Vân Phong
(KTSG Online) – Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 286.700 tỉ đồng sau hai tháng đầu năm 2021 - tăng 0,6% so với cùng giai đoạn năm 2020, theo Bộ Tài chính.
Dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ trong năm 2020, gây ảnh hưởng tới thu ngân sách. Ảnh: Trọng Hiếu. |
9 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán
Cơ quan này cho biết, thu NSNN ước đạt 97.200 tỉ đồng trong tháng 2-2021. Cụ thể, thu nội địa ước đạt 81.900 tỉ đồng, thu từ dầu thô ước đạt 2.200 tỉ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 13.100 tỉ đồng.
Như vậy, thu NSNN đạt 286.700 tỉ đồng trong hai tháng đầu năm - bằng 21,3% dự toán và tăng 0,6% so cùng giai đoạn năm 2020. Cụ thể, thu nội địa đạt 246.650 tỉ đồng - bằng 21,8% dự toán và tăng 2,8% so cùng giai đoạn năm trước, thu từ dầu thô đạt gần 4.900 tỉ đồng - bằng 21,1% dự toán và giảm 53,3% so với cùng giai đoạn năm trước, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 34.600 tỉ đồng - bằng 19,4% dự toán và tăng 0,3% so với cùng giai đoạn năm trước.
Đáng chú ý, có 9 trên tổng số 12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán - đạt trên 17%, gồm: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 21,1% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 26,7% dự toán, tăng 10,2%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 27,2% dự toán, tăng 24%.
Chỉ có ba khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán, gồm: thu thuế bảo vệ môi trường đạt 14,7% dự toán; thu cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 9,1% dự toán; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước đạt 7% dự toán.
Theo Bộ Tài chính, việc duy trì được tiến độ thu ở mức khá cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế và khả năng thích ứng của doanh nghiệp đã được cải thiện. Điều này đồng thời khẳng định tính hiệu quả của các giải pháp do Chính phủ đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu kép - “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân”.
Còn Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết kết quả này phản ánh sự phục hồi kinh tế đang diễn ra và việc chấm dứt hầu hết các ưu đãi thuế được áp dụng từ tháng 4-2020.
Bên cạnh đó, tháng 2-2021 cũng ghi nhận lần đầu tổng thu NSNN tăng, tính từ khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xuất hiện vào một năm trước, theo WB.
Đảm bảo nguồn chi trong dự toán
Về chi, tổng chi NSNN đạt 207.300 tỉ đồng trong hai tháng đầu năm 2021 - bằng 12,3% dự toán và giảm 6% so với cùng giai đoạn năm 2020. Trong đó chi đầu tư phát triển đạt 23.490 tỉ đồng - bằng 4,9% dự toán và giảm 32,4% so với cùng giai đoạn năm trước.
Nguyên nhân chính là các bộ, ngành, địa phương chủ yếu tập trung triển khai phân bổ kế hoạch vốn được giao. Ngoài ra, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày cũng ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, ngân sách chi 21.880 tỉ đồng đồng để trả nợ lãi - bằng 19,9% dự toán và giảm 14,3% so với cùng giai đoạn năm trước.
Còn chi thường xuyên đạt 161.800 tỉ đồng - bằng 15,6% dự toán và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã tăng chi cho hoạt động y tế, tập trung cho công tác truy vết và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm phát hiện bệnh trên diện rộng tại các địa bàn bùng phát dịch Covid-19.
Ngoài ra, ngân sách cũng bổ sung kinh phí cho bộ đội biên phòng để tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới, biển đảo dịp Tết Nguyên đán.
Xem thêm: lmth.91-divoc-hcid-iad-ut-ek-gnat-coun-ahn-hcas-nagn-uht-gnot-uad-nal/845413/nv.semitnogiaseht.www