Cửa van đầu tiên nặng 200 tấn đã được lắp vào cống Cái Lớn chiều 14-3. Còn 10 cửa van nữa sẽ được lắp đặt trong thời gian tới - Ảnh: NGỌC HÂN
Theo Ban quản lý đầu tư và xây dựng công trình thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cửa van này có chiều ngang 40m, cao 9m, nặng 200 tấn. Việc lắp cửa van này là khâu khó khăn, phức tạp nhất, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, kỹ thuật cao, được lắp đặt giữa sông, chịu áp lực lớn của dòng chảy và gió thổi…
Do độ phức tạp như vậy nên để được lắp đặt chính thức, nhà thầu thi công phải "tập dượt" trong vài ngày qua cho đến khi thuần thục. 10 cửa van còn lại của dự án này sẽ được lắp đặt từ nay cho tới tháng 6 để đưa toàn bộ dự án vào vận hành tạm.
Trước đó, cống Cái Bé đã bắt đầu vận hành tạm từ đầu tháng 2 (nhanh hơn một mùa khô theo tiến độ hợp đồng) để kịp phòng chống hạn mặn mùa khô năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị lần thứ 3 về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu tổ chức hôm qua (13-3) tại TP Cần Thơ, ông Đỗ Thanh Bình - bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang - cho biết việc kịp thời đưa vào vận hành tạm này đã giúp tỉnh bảo vệ khoảng 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp khỏi xâm nhập mặn và tỉnh không phải đắp 134 đập tạm trong mùa khô năm nay.
Với 11 cửa van, mỗi cửa van rộng 40m, cống Cái Lớn được xem là công trình thủy lợi "khủng" nhất ở miền Tây và cả nước - Ảnh: NGỌC HÂN
Vì vậy, đến thời điểm hiện tại Kiên Giang cơ bản chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 (thuộc tỉnh Kiên Giang) có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỉ đồng, được khởi công vào tháng 10-2019, là dự án "khủng" nhất miền Tây và cả nước.
Dự án này có chức năng điều tiết, chống xâm nhập mặn nhiều tỉnh phía tây sông Hậu như Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau...
Theo các nhà thầu, lần đầu tiên họ phải dùng cẩu tháp để thi công cống này thay vì chỉ dùng sà lan như những dự án cống thông thường khác.
TTO - Ngày 4-3, ông Trần Hùng - tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre - cho biết hiện nước sông Giồng Trôm bị nhiễm mặn trên 3 phần ngàn, đơn vị phải chở nước thô bằng sà lan về xử lý nên giá nước sẽ tăng.