The CrownX là gì?
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan mới đây công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020. Điều đáng chú ý trong bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2020 là xuất hiện khoản lỗ sau thuế chưa phân phối năm trước 25.201 tỷ đồng.
Theo thuyết minh BCTC hợp nhất kiểm toán, trong tháng 6 và 8/2020, Công ty đã mua 14,8% vốn chủ sở hữu của The CrownX từ bên thứ ba (ở đây là Tập đoàn Vingroup) với tổng số tiền là 23.692 tỷ đồng. Sau khi mua lại, lợi ích kinh tế của Công ty trong The CrownX tăng từ 70% lên 84,8%.
Điều đó, dẫn đến một số ảnh hưởng, cụ thể giá trị ghi sổ tương ứng của phần tài sản thuần mua lại chỉ gần 1.672 tỷ đồng nên chênh lệch này được ghi nhận giảm 22.020 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Ngoài ra, Masan cũng thực hiện giao dịch không kiểm soát khác nên tổng lỗ sau thuế phát sinh trong năm lên tới 25.201 tỷ đồng.
Tại sao Công ty lại phải bỏ ra số tiền lớn như vậy để mua The CrownX?
Theo thuyết minh BCTC hợp nhất năm 2020, Công ty Cổ phần The CrownX (CrownX) được thành lập ngày 16/6/2020. Sau khi thực hiện quyền chọn cho các bên bán của VCM (Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM), Công ty sở hữu 70% lợi ích kinh tế trong CrownX.
Được biết, The CrownX là công ty con nắm giữ 83,74% cổ phần VCM (Đơn vị sở hữu 100% vốn VinCommerce – vận hành chuỗi VinMart, VinMart+) và 85,71% vốn tại Masan Consumer Holdings (Công ty sở hữu 95,24% vốn tại Masan Consumer).
Sau khi mua thêm cổ phần của The CrownX, Masan đang nắm giữ 84,8% cổ phần và Vingroup nắm giữ 15,2% cổ phần của The CrownX.
Năm 2020, The CrownX đạt doanh thu thuần 54.277 tỷ đồng, tăng trưởng 18,1% so với năm trước. Năm 2021, CrownX đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 15 - 20%.
Kết thúc năm 2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan ghi nhận doanh thu 77.218 tỷ đồng, tăng cao gấp 2 lần so với mức 37.354 tỷ đồng trong năm 2019. Trong đó, mảng bán lẻ gồm chuỗi Vinmart/Vinmart+ đóng góp 29.791 tỷ đồng, tương đương đến 39% tổng doanh số Tập đoàn. Hàng tiêu dùng lui về xếp thứ hai với 23.892 tỷ đồng, chiếm 31% tổng doanh số.
Vượt “bão” Covid-19, doanh thu Masan Consumer tăng vượt trội
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2020, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, MCK: MCH) ghi một năm thành công khi doanh thu thuần tăng vượt trội 26,3% lên 23.343 tỷ đồng so với 18.488 tỷ đồng năm 2019.
Kết quả đó có được là một số ngành có sự tăng trưởng vượt trội. Cụ thể, doanh thu thuần của ngành thực phẩm tiện lợi của Masan Consumer trong năm 2020 đạt 6.900 tỷ (bao gồm cả xuất khẩu) tăng trưởng vượt trội với 38,7% so với 2019.
Doanh thu thuần ngành gia vị trong năm 2020 đạt 8.150 tỷ bao gồm cả xuất khẩu, tăng trưởng 13,6% so với 2019.
Ngành hàng đồ uống của Masan đạt 3.750 tỷ, tăng trưởng 5% so với năm 2019, chủ yếu nhờ vào doanh thu từ ngành nước tăng lực. Dự kiến năm 2021, ngành nước tăng lực của công ty sẽ đạt 5.000 tỷ doanh thu, đóng góp vào mục tiêu 7.000 tỷ doanh thu từ đồ uống của Masan.
Ngành cà phê của Masan Consumer trong năm 2020 ghi nhận doanh thu thuần là 1.650 tỷ đồng, giảm 3,3% so với 2019. Doanh thu giảm được cho là do giãn cách xã hội, làm việc tại nhà, du lịch hạn chế đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành cà phê trong năm 2020.
Ngành hàng thịt chế biến đạt mức độ tăng trưởng đột phá với 104% sau khi Masan tiên phong đón đầu xu hướng mới trong phân khúc giới trẻ.
Ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình (HPC) bổ sung thêm lĩnh vực bột giặt khi nắm quyền chi phối đối với CTCP Bột giặt NET hồi đầu năm 2020. Ngành này đóng góp 5.3% doanh số cho Masan Consumer.
Về lợi nhuận thuần năm 2020 là 5.407 tỷ đồng tăng gần 20% so với năm 2019. Lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho Cổ đông Công ty năm 2020 đạt 4.598 tỷ đồng, tăng 14,2% so với 4.026 tỷ đồng năm 2019, nhờ doanh thu thuần tăng và tối ưu hóa chi phí vận chuyển, bán hàng, tiếp thị.
Masan Consumer dự báo sẽ tăng trưởng doanh thu 16% đến 31% trong năm 2021, với lợi nhuận sau thuế tăng 11% đến 22% do thành công trong việc xây dựng thương hiệu mạnh, cao cấp hóa sản phẩm, và giới thiệu các sản phẩm mới.