Sau khi tốt nghiệp cấp 3, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Vi Văn Thông trú tại xã miền núi Xuân Thái, huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa) đã không thi đại học mà xin đi làm công nhân. Tuy nhiên, một điều mà Thông luôn trăn trở tìm cách làm kinh tế trên mảnh đất quê nhà để có công việc ổn định và có thể giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn.
Năm 2019, sau khi đi học hỏi các mô hình nuôi ốc nhồi tại các huyện Nông Cống, Quảng Xương, Thông đã quyết định vay vốn, cải tạo hơn 1.000 m2 ao trước nhà để nuôi ốc nhồi sinh sản.
Ốc nhồi giống được Thông đi bắt trong môi trường tự nhiên rồi đem về thả ươm nuôi cho sinh sản, nhân giống. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nuôi ốc nhồi, kỹ thuật nuôi ốc nhồi thực tế, nên ốc bị hao hụt nhiều. Thất bại ban đầu không làm Thông nản chí, bởi anh nhìn thấy cơ hội phía trước vì thị trường ốc nhồi giống đang có nhu cầu rất lớn.
Anh Vi Văn Thông, xã Xuân Thái, huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa)
Anh Thông chia sẻ trên Thanh Hóa ngày mới, khi nuôi, ốc thường hay mắc các bệnh như sưng vòi, mòn vỏ. Sau những lần đi học hỏi và thực tế anh Thông đã rút ra kinh nghiệm để làm cho tốt, ổn hơn.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau gần 1 năm, Vi Văn Thông đã thành công với mô hình nuôi ốc nhồi sinh sản. Riêng năm 2020, anh đã sản xuất được 80.000 con ốc nhồi giống. Trong đó, anh bán ra thị trường gần 50.000 ốc nhồi giống, thu về trên 200 triệu đồng. Số ốc nhồi giống còn lại được anh tiếp tục nuôi để thành ốc nhồi bố mẹ sinh sản.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu thị trường cao, cung thấp hơn cầu nên cuối năm 2020, anh Vi Văn Thông quyết định đầu tư mở rộng 1ha ao để nuôi ốc giống cũng như ốc nhồi thương phẩm.
Ốc nhồi do anh Thôi nuôi được đánh giá cao và thị trường đón nhận.
Thông thường, ốc nhồi không ưa lạnh nên thời vụ nuôi ốc nhồi là từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm. Thời gian còn lại, chúng ngủ đông. Ốc nhồi thường ăn các loại thức ăn có trong tự nhiên như cỏ, bèo, nên nuôi ốc nhồi thương phẩm chi phí rất thấp.
Ốc nhồi thương phẩm nuôi từ 4-5 tháng là có thể xuất bán, với giá bán ốc nhồi thương phẩm trung bình 80.000 đồng/kg. Dự kiến với khu ao nuôi ốc nhồi mới này, mỗi năm anh Vi Văn Thông có thể thu được 4-5 tấn ốc nhồi thương phẩm.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Thắng, phó Chủ tịch UBND Xuân Thái, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, ngoài Vi Văn Thông, có 3 thanh niên khác đã học tập và mở rộng mô hình trên địa bàn cả xã. Đây mà mô hình có thể làm giàu và tạo công ăn việc làm cho người dân ngay trên địa phương.
Anh Huân kiểm tra sinh trưởng của ốc bố mẹ.
Nuôi ốc nhồi đem lại hiệu quả kinh tế cao, vậy nên, mô hình chăn nuôi này được phát triển tại khá nhiều địa phương trên cả nước. Đơn cử như trường hợp của anh Hà Đức Huân, 30 tuổi, thôn Làng Đồng, xã Đức Ninh (Hàm Yên).
Năm 2017, anh Huân chính thức bắt đầu làm quen với việc nuôi ốc nhồi. Để tiết kiệm chi phí mua giống, anh tự mình lặn lội khắp các ao hồ ở xã để nhặt ốc về làm giống. Anh lựa chọn cẩn thận những con ốc to, khỏe để đưa vào thả nuôi. Song song với đó, anh tích cực lên mạng Internet để tìm hiểu kiến thức, học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi.
Khi vững kiến thức, làm chủ tất cả quy trình nuôi ốc, anh về mạnh dạnh đề xuất xin phép bố mẹ cho chuyển đổi toàn bộ gần 4.000 m2 ruộng trước cửa nhà để chuyển sang nuôi ốc nhồi. Đồng thời, anh cũng dựng hẳn 1 khu lán (mái lợp lá cọ), lắp đặt bóng điện để làm khu chuyên ấp trứng ốc.
Thông qua mạng xã hội anh Huân đã kết nối với thị trường tiêu thụ ốc nhồi khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Anh Huân cho biết, giá ốc giống ổn định, trứng ốc bán được 700 nghìn đồng/kg; ốc con (loại nhỏ, cỡ 7.000 con đến 8.000 con đạt trọng lượng 1 kg) có giá 3 triệu đồng/kg, ốc giống bố mẹ 180 - 200 nghìn đồng/kg, giá ốc thương phẩm từ 70.000 - 80.000 đồng/kg.
Hiện trong ao nuôi của anh còn khoảng hơn 1 tấn ốc bố mẹ phục vụ sản xuất con giống trong năm tới. Trong năm 2020, sau khi trừ mọi chi phí, anh lãi hơn 500 triệu đồng.