Sáng 15-3, Sở Y tế TP.HCM cho biết nơi đây vừa kết hợp cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất “Học viện phun xăm thẩm mỹ Diễm Nguyễn - Academy” thuộc Công ty TNHH Thẩm mỹ viện và Học viện Diễm Nguyễn (416/12 Lã Xuân Oai, phường Long Trường, TP Thủ Đức, TP.HCM).
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở mở cửa hoạt động và có nhiều người đang học phun xăm.
Đại diện cơ sở cung cấp được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp về phun, xăm, thêu trên da do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cấp.
Ngoài ra, cơ sở cũng không xuất trình được giấy phép hoạt động chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế TP.HCM cấp cùng các chứng chỉ hành nghề liên quan.
Cơ sở đào tạo phun, xăm và phẫu thuật thẩm mỹ trái phép. Ảnh: SỞ Y TẾ TP.HCM
Đoàn kiểm tra ghi nhận tầng trệt là khu vực đào tạo học viên phun, xăm. Lầu một gồm 1 phòng có 2 giường chăm sóc da, 1 phòng có 2 giường được trang bị đèn tiểu phẫu, có dụng cụ tiểu phẫu, máy đốt điện, thuốc tê, chất làm đầy, chỉ khâu phẫu thuật, bơm tiêm… và thùng đựng rác thải y tế đã qua sử dụng.
Đoàn kiển tra còn ghi nhận Facebook có tên Masster Diễm Nguyễn đăng tải quảng cáo tiêm filler, nâng mũi siêu cấu trúc collagen. Chủ cơ sở cho biết khi có khách hàng cần phẫu thuật thì cơ sở liên lạc bác sĩ và thực hiện ngay tại cơ sở.
Đoàn kiểm tra niêm phong và tạm giữ thuốc, chỉ phẫu thuật, thiết bị y tế, dụng cụ y tế, 1 cuốn sổ thu tiền khách hàng, đồng thời yêu cầu cơ sở ngưng ngay thực hiện các kỹ thuật xâm lấn, ngừng quảng cáo các dịch vụ khám, chữa bệnh.
Sở Y tế TP.HCM còn cho biết cơ quan chức năng cũng vừa kiểm tra đột xuất cơ sở “Vin House Spa & Clinic” (khu Vinhome Grand Park, phòng số 319, lô S202, Nguyễn Xiển, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP.HCM).
Đoàn kiểm tra ghi nhận bên ngoài căn hộ số 0319 không có biển hiệu của cơ sở, nhưng khi bước vào trong thì khu vực lễ tân có biển hiệu “Vin House Spa & Clinic”. Khu vực này còn treo bảng giá chăm sóc da và phẫu thuật thẩm mỹ cùng 2 giường gội đầu.
Một cơ sở cung cấp các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ không phép. Ảnh: SỞ Y TẾ TP.HCM
Đoàn còn phát hiện cơ sở có 3 phòng chăm sóc da với 6 giường, có trang bị 1 máy phun hơi nước, 1 máy laser nhưng không xuất trình được hồ sơ nguồn gốc máy. Ngoài ra, đoàn phát hiện thêm tại cơ sở có các loại thuốc tê, chất làm đầy, chỉ khâu phẫu thuật, dao phẫu thuật…
Điều đáng nói, đại diện cơ sở chưa xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động.
Đoàn tiến hành niêm phong, tạm giữ các bằng chứng và yêu cầu cơ sở ngưng ngay việc thực hiện các kỹ thuật xâm lấn khi chưa xuất trình được hồ sơ pháp lý.
Theo Nghị định155/2018/NĐ-CP, điểm d Điều 11 qui định: “Đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có thực hiện xăm, phun, thêu trên dathì người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp”. Tháng 11-2019, Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cung cấp danh sách các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp về phun, xăm, thêu trên da. Sau đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã có văn bảncung cấp danh sách các cơ sởgiáo dục nghề nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp về phun, xăm, thêu trên da tính đến tháng 11-2019. |