Bóng đá Singapore quyết làm lại nhưng làm lại từ đâu?
Ba kỳ SEA Games gần nhất, U-23 Singapore đều bị loại ngay sau vòng bảng, trong đó có kỳ SEA Games 2015 trên sân nhà. Bóng đá Singapore đang quá yếu sau thời kỳ giã từ với chính sách nhập tịch.
Ông Lim Teck Yin, Chủ tịch Ủy ban Olympic Singapore nêu mục tiêu cho bóng đá Singapore tại SEA Games 2027. Ảnh: ST
Đội tuyển quốc gia Singapore chia tay với chính sách tài năng đã thành hình ở nước ngoài đến Singspore thi đấu và được xem xét nhập tịch nếu cầu thủ có ước muốn. Ba trong bốn danh hiệu vô địch AFF Cup của Singapore là nhờ chính sách nhập tịch ồ ạt những tài năng nước ngoài.
Nay Singapore quyết xây dựng lại từ bóng đá trẻ và lộ trình của họ là đến SEA Games 2027 những tuyến trẻ sẽ phải trình làng nhiều tài năng và phải vô địch. Đây là một thời hạn tương đối dài để chuẩn bị cho một thế hệ.
U-22 Singapore và U-22 VN tại SEA Games 2019. Ảnh: AFF
Từ nay đến SEA Games 2027 còn ba kỳ SEA Games nữa, đủ để nuôi một thế hệ tạo ra nhiều triển vọng.
Tuy nhiên bóng đá Singapore quá khó để săn lùng tài năng trẻ. Có rất nhiều học viện bóng đá bề thế ra đời nhưng không có nhiều em nhỏ tham gia tuyển sinh. Ở Singapore ngoài những học viện, những trung tâm đào tạo trẻ của nhà nước rồi đến các tư nhân mở học viện nhưng đều bất thành.
Điển hình nhất là học viện F-17 của huyền thoại bóng đá Singapore Fandi Ahmad ra đời nhưng cũng phá sản. Học viện bóng đá Ronaldinho ra đời rồi cũng giải tán vì không có học viên đăng ký thi tuyển.