Với số lượt người xem video lên đến hàng tỉ mỗi ngày, Vlog là thị trường hấp dẫn cho các nhà quảng cáo. Nguồn tiền khổng lồ từ quảng cáo đổ vào Vlog ngày càng tăng đã kích thích các Vlogger đua nhau sản xuất nội dung để đưa lên kênh của họ. Mặt tốt từ cuộc chạy đua của các Vlogger là giúp nội dung trên các mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok, Twitter... ngày càng phong phú, thế nhưng cuộc đua kiếm tiền này xảy ra nhiều bất cập, thậm chí gây chết người...
GIÁN TIẾP GIẾT NGƯỜI
Số lượng nội dung độc hại, nhảm nhí ngày càng tràn lan và khó kiểm soát. Bản thân các nền tảng công nghệ như YouTube, Facebook dù có chính sách quy định nhưng việc kiểm soát nội dung ngày càng không theo kịp số lượng bùng nổ của các video tải lên.
Anh Văn, một công chức ở TPHCM một tối nọ chợt thấy cô con gái tuổi mẫu giáo của mình miệng cứ phồng ra bất thường. Tưởng con bị sưng răng, anh hỏi thì bé gái nhả ra... 2 cục đá viên nhỏ đang ngậm. Bé hồn nhiên cho biết làm theo một clip mới xem trên YouTube hướng dẫn là "ngậm 2 viên nước đá trước khi ngủ sẽ giúp... thông minh hơn". Vợ chồng anh Văn giật mình, từ đó trở đi đã để ý theo dõi, không khoán trắng con cái cho "bảo mẫu iPad" nữa.
Trẻ con rất dễ học và làm theo những gì các em thấy trên video vì không thể suy nghĩ cặn kẽ, thấu đáo như người lớn. Nhiều chuyện đau lòng bắt nguồn từ clip độc hại trên mạng xã hội mà các em xem và tò mò bắt chước làm theo. Gần đây nhất có thể kể đến vụ một thiếu niên 15 tuổi ở Hải Dương nhập viện trong tình trạng đa chấn thương do chế thuốc nổ làm pháo. Cháu bé được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương: dập nát cẳng bàn tay phải, vết thương cẳng tay trái, đứt gân duỗi cổ tay quay và đa vết thương phần mềm cẳng chân hai bên. Người nhà cho biết, em đã xem cách chế thuốc nổ trên YouTube, sau đó lên mạng tìm mua thuốc nổ và lưu huỳnh về làm theo. Khi cháu bé đang nghiền nguyên liệu thì các hóa chất bất ngờ phát nổ làm cháu bị thương nặng.
Một số vụ việc nguy hiểm đến tính mạng khi tò mò làm theo hướng dẫn "thắt cổ không chết", "thử thách Momo" đã xảy ra trong năm 2020 vừa qua. Một bé gái 5 tuổi ở TPHCM sau khi xem video hướng dẫn trò thắt cổ trên mạng và tò mò lấy chiếc khăn voan làm theo. Khi được người nhà phát hiện, bé đã ở trong tình trạng mặt mũi tím tái, không còn hơi thở và không qua khỏi. Tại Đồng Nai, một bé trai 8 tuổi cũng đã tử vong sau khi tự treo cổ bằng cách móc cổ áo đang mặc lên móc treo quần áo trong nhà vệ sinh theo hướng dẫn trên YouTube.
Trước đó, vào năm 2019, một bé trai 7 tuổi ở TPHCM cũng làm theo video bày trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube. Gia đình phát hiện bé treo cổ bằng chính chiếc khăn quàng đỏ, người tím ngắt, ngất lịm. May mắn được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên bé này thoát chết. Khi được hỏi lý do, bé cho biết nhiều lần xem trò chơi "chết đi sống lại" trên YouTube. Trong video đó, Vlogger hướng dẫn cách thắt cổ nhưng vẫn thở được mà không chết nên bé đã tin và làm theo.
"BỘI THỰC" VIDEO ONLINE
Theo Wibbitz, đến năm 2022 nội dung video online sẽ chiếm hơn 80% tổng băng thông của internet dân dụng, cao gấp 15 lần so với năm 2017. Xem video ngày càng trở nên phổ biến với người dùng internet, mạng xã hội. Thống kê trong năm 2020 cho thấy có đến 500 triệu người xem video mỗi ngày trên Facebook. Trong khi đó, mạng xã hội Twitter có đến 2 tỉ lượt xem video mỗi ngày. Nền tảng video ngắn TikTok cũng đã chinh phục 1 tỉ người dùng đầu tiên của họ trong tương lại không xa.
Với thâm niên của mình và sự phổ biến của cỗ máy tìm kiếm Google, YouTube hiện là kho nội dung video cực lớn. Theo Oberlo, mỗi ngày có đến 1 tỉ giờ video được xem trên Youtube (số liệu năm 2019). Cứ mỗi phút có 500 giờ video được upload lên YouTube, tức mỗi ngày YouTube được bổ sung thêm lượng video mới với tổng thời lượng 720.000 giờ. Nếu một người bỏ ra thời gian chỉ để xem video thì phải mất hơn 80 năm mới có thể xem hết số clip được đưa lên YouTube chỉ trong... một giờ!
Nếu số lượng video được tải lên các mạng xã hội lớn khủng khiếp như vậy, việc kiểm soát nội dung thủ công là hoàn toàn bất khả thi. Các mạng đều phải xây dựng cơ chế kiểm duyệt ba thành phần: Máy móc (dựa trên trí thông minh nhân tạo - AI); người dùng (báo cáo nội dung xấu) và nhân sự kiểm duyệt (kiểm tra lại kết quả do AI và người dùng đưa ra để đưa ra quyết định cuối cùng).
Như vậy, khi đưa một video lên mạng xã hội, đầu tiên nội dung clip sẽ được máy tính rà quét xem có vi phạm các chính sách về nội dung không. Tiếp theo, khi video được phát online, hệ thống sẽ ghi nhận các phản ánh/báo cáo (report) nội dung xấu. Khi một video bị nhiều report, bộ máy kiểm duyệt của các mạng xã hội sẽ thẩm định trực tiếp bằng con người và đưa ra quyết định cuối cùng.
Thoạt xem thì quy trình thanh lọc nội dung video có vẻ rất chặt chẽ nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Đạo cao một sào, ma cao một trượng. Các Vlogger cũng thừa ma mãnh để lách luật, qua mặt AI bằng nhiều chiêu thức kiểu ngụy trang bằng vỏ bọc vô hại như nhân vật hoạt hình, kênh nội dung trẻ em hay dùng từ ngữ không bị bộ lọc kiểm duyệt. YouTube thừa nhận dù họ có đội ngũ 10.000 nhân viên kiểm soát nội dung nhưng cũng không đáp ứng nổi khối lượng công việc hiện nay. Chính vì vậy, nhiều clip bị cộng đồng mạng báo cáo nội dung xấu nhưng vẫn không bị xử lý kịp thời.
Trong khi chờ các mạng xã hội cập nhật thuật toán, chính sách thì các Vlogger vẫn ung dung kiếm tiền bằng những clip độc hại nhưng đông người xem. Khi thu nhập lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi năm, nhiều Vlogger bán linh hồn cho quỷ dữ, chà đạp lên đạo lý miễn sao kiếm được nhiều tiền.
Chính sách về sự an toàn cho trẻ em của YouTube
YouTube không chấp nhận những nội dung gây nguy hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ vị thành niên. Theo định nghĩa, trẻ vị thành niên là người dưới độ tuổi trưởng thành theo quy định của pháp luật, thường là người dưới 18 tuổi ở hầu hết các quốc gia/khu vực.
Bạn không được đăng nội dung trên YouTube nếu nội dung đó trùng với bất kỳ phần mô tả nào dưới đây.
l Nội dung khiêu dâm về trẻ vị thành niên: Nội dung khiêu dâm có trẻ vị thành niên và nội dung xâm hại tình dục trẻ vị thành niên.
l Các hành động gây hại hoặc nguy hiểm có liên quan đến trẻ vị thành niên: Nội dung có cảnh trẻ em tham gia các hoạt động nguy hiểm hoặc khuyến khích trẻ em tham gia những hoạt động này. Không bao giờ được phép đặt trẻ vào tình huống có hại có thể gây tổn thương, bao gồm cả các trò đùa, thách đố hoặc trò biểu diễn nguy hiểm.
l Nội dung gây ra cảm xúc đau buồn cho trẻ vị thành niên: Nội dung có thể gây ra cảm xúc đau buồn cho người tham gia hoặc người xem là trẻ vị thành niên, bao gồm việc:
- Để trẻ vị thành niên xem các chủ đề dành cho người lớn.
- Mô phỏng hành vi bạo hành của cha mẹ.
- Cưỡng ép trẻ vị thành niên.
- Bạo lực.
l Nội dung gây hiểu lầm là dành cho gia đình: Nội dung nhắm đến trẻ vị thành niên nhỏ tuổi và gia đình nhưng lại có các chủ đề như:
- Khiêu dâm.
- Bạo lực.
- Chủ đề tục tĩu hoặc chủ đề khác dành cho người trưởng thành và không phù hợp với khán giả nhỏ tuổi.
- Các bộ phim hoạt hình phù hợp với gia đình và nhắm đến trẻ vị thành niên nhỏ tuổi nhưng lại có các chủ đề người lớn hoặc không phù hợp với lứa tuổi, chẳng hạn như bạo lực, tình dục, sự chết chóc, ma túy,..
l Hành vi bắt nạt qua mạng và quấy rối có liên quan đến trẻ vị thành niên: Bao gồm những nội dung:
- Nhắm đến cá nhân nào đó nhằm mục đích lăng mạ hoặc hạ nhục.
- Tiết lộ thông tin cá nhân (ví dụ như địa chỉ email hay số tài khoản ngân hàng).
- Ghi hình người nào đó khi chưa có sự đồng ý của họ.
- Quấy rối tình dục.
- Khuyến khích người khác bắt nạt hoặc quấy rối.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.567801_gnoul-nohk-aoh-na-golv-ioig-eht/gnos-iod/nv.moc.nagnoc