Người biểu tình đụng độ với các lực lượng an ninh ở Hlaing Thar Yar, Yangon hôm 14-3 - Ảnh: Getty Images
Tình hình Myanmar tiếp tục diễn biến tệ hơn khi một số nhà máy có vốn đầu tư của Trung Quốc bị cướp bóc và đốt phá hôm 14-3 tại Yangon - thành phố lớn nhất Myanmar, khiến một số nhân viên người Trung Quốc bị thương.
Các nhà máy bị tấn công nằm tại Khu công nghiệp Shwe Lin Ban ở Hlaingthaya (Hlaing Thar Yar), Yangon. Hầu hết trong số đó là nhà máy may mặc, theo thông cáo của Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar đã liên hệ các công ty bị ảnh hưởng và yêu cầu cảnh sát địa phương hành động để đảm bảo sự an toàn của các công ty và nhân viên Trung Quốc. Đồng thời gửi cảnh báo an toàn tới các công ty và công dân Trung Quốc ở Myanmar.
"Việc Trung Quốc đầu tư vào ngành dệt may ở Myanmar đã tạo ra gần 400.000 việc làm cho Myanmar và hành vi (đốt phá) như vậy cũng làm tổn hại các lợi ích của người dân Myanmar" - Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết.
Theo Hãng tin Bloomberg, trong tuyên bố phát cuối ngày 14-3, đại sứ quán này nói: "Chúng tôi thúc giục nhà chức trách Myanmar áp các biện pháp hiệu quả để chấm dứt tất cả hành vi bạo lực, đồng thời điều tra và trừng phạt các thủ phạm theo luật".
Cảnh các nhà máy bị đốt phá ở Yangon, Myanmar hôm 14-3 - Video: Global Times
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 15-3 đăng bài xã luận thúc giục phía Myanmar trừng phạt nặng những người đã đốt phá và bồi thường thiệt hại cho các nhà máy Trung Quốc.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, các vụ tấn công trên "dường như được tổ chức và lên kế hoạch tốt". Tờ báo này cho biết cách đây 2 ngày, một tài khoản Twitter đã đăng lời cảnh báo gửi tới quân đội Myanmar: "Nếu một dân thường bị giết, một nhà máy Trung Quốc sẽ thành tro".
Tài khoản có dấu tích xanh tên "Kyaw Win", là người sáng lập Mạng lưới nhân quyền Myanmar (BHRN).
"Tài khoản này đã công khai xem các nhà máy Trung Quốc là con tin của tình hình Myanmar. Đây là tội nghiêm trọng. Chủ tài khoản nên bị bắt chịu trách nhiệm và đối diện với biện pháp trừng phạt pháp lý" - Thời báo Hoàn Cầu viết.
Tờ báo này nói rằng những người nói xấu Trung Quốc và xúi giục tấn công các nhà máy Trung Quốc là "kẻ thù chung của Trung Quốc và Myanmar", phải bị trừng phạt nghiêm khắc.
TTO - Những người biểu tình phản đối chính quyền quân sự tại Myanmar có công cụ mới - những hình xăm theo chủ đề phản đối đảo chính - để bày tỏ thái độ, theo Hãng tin Reuters ngày 15-3.