Ngày 18-3 tới đây, các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại thành phố Anchorage, bang Alaska (Mỹ) để thảo luận về mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước.
Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung đã leo thang dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nhiều nhà quan sát nhận định rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể sẽ đảo ngược lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm và thúc đẩy hợp tác với Bắc Kinh nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, như vấn đề biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, triển vọng về việc tái thiết lập quan hệ Mỹ - Trung đang nhanh chóng mờ nhạt dần và nguyên nhân đến từ cả hai phía, tờ Nikkei Asia ngày 14-3 dẫn lời nhà phân tích quốc phòng cấp cao Derek Grossman tại Tổ chức Rand Corporation nhận định.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP
Ông Biden sẽ nhấn nút “tái thiết lập” quan hệ Mỹ - Trung?
Ngay ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, chính quyền ông Biden hôm 20-1 đã mời bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) - người đứng đầu Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Mỹ - tham dự buổi lễ nhậm chức của ông Biden. Đây là lần đầu tiên một quan chức Đài Loan được mời tham dự sự kiện kể từ khi Mỹ cắt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này và thiết lập quan hệ với Trung Quốc năm 1979.
Đáp lại, Trung Quốc đã điều hàng chục máy bay chiến đấu, trong đó có tám máy bay ném bom, vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Đài Loan thiết lập.
Nhận thấy rằng Trung Quốc đang thách thức lằn ranh đỏ của mình, chính quyền ông Biden đã cảnh báo Bắc Kinh rằng hành vi của họ "đe dọa hòa bình và ổn định khu vực", đồng thời khẳng định cam kết của Washington đối với Đài Loan là "vững chắc".
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành các chiến dịch trên không, động thái khiến Mỹ đã điều một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường qua eo biển Đài Loan. Đây là lần đầu tiên một tàu chiến Mỹ di chuyển qua khu vực này dưới chính quyền ông Biden.
Sau đó, trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại hôm 4-2, ông Biden đã gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất với Mỹ". Ông cũng nói thêm rằng trong khi Mỹ có kế hoạch "đối đầu" với Trung Quốc liên quan một loạt thách thức, Washington cũng "sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh trong các vấn đề Mỹ có lợi ích".
Theo ông Grossman, đây khó có thể coi là một thông điệp mong muốn khởi động lại toàn diện mối quan hệ.
Lực lượng hải quân Mỹ cũng tiến hành các hoạt động tự do hàng hải nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Từ khi ông Biden nhậm chức đến nay, hải quân Mỹ đã ba lần triển khai các hoạt động tự do hàng hải tại khu vực này.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 5-2 đã có cuộc điện đàm đầu tiên với nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ông Blinken đã đề cập hàng loạt vấn đề nhạy cảm như Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng, đồng thời chỉ trích Bắc Kinh "làm suy yếu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài CBS hôm 7-2, ông Biden khẳng định Mỹ “không xung đột nhưng sẽ có sự cạnh tranh gay gắt” với Trung Quốc.
Ông Biden hôm 10-2 đã đến thăm Lầu Năm Góc và tuyên bố bắt đầu xem xét chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, động thái cho thấy chính sách của ông có thể sẽ nghiêng về lập trường quân sự mạnh mẽ.
Tối cùng ngày, ông Biden đã có cuộc điện đàm kéo dài hai tiếng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau cuộc điện đàm, ông Biden cho biết ông đã nêu loạt vấn đề trước Chủ tịch Tập, từ tình trạng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương đến Hong Kong và nhiều vấn đề nhạy cảm khác.
Chính quyền ông Biden sau đó đã ban hành Hướng dẫn An ninh Quốc gia Chiến lược tạm thời, nhấn mạnh sự cần thiết phải cạnh tranh với Trung Quốc, trong khi vấn đề hợp tác ít được chú trọng hơn nhiều.
Mới đây, ông Biden ngày 12-3 đã lần đầu tiên tham dự hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên nhóm “Bộ tứ” (QUAD) - gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật. Lãnh đạo bốn nước đã thảo luận nhiều vấn đề toàn cầu và thống nhất phản đối hành vi trên biển của Trung Quốc.
Trung Quốc chìa cành ô liu?
Theo ông Grossman, những diễn biến xảy ra từ khi ông Biden nhậm chức không có gì đáng ngạc nhiên. Tranh chấp ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nỗ lực tái khởi động quan hệ song phương là một nhiệm vụ phức tạp. Tuy nhiên, mọi triển vọng không hẳn đã tiêu tan ngay từ đầu.
Bắc Kinh đến nay cho thấy sự kiên nhẫn với mong muốn khởi động lại quan hệ với Washington.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: REUTERS
Ngày 7-3, bên lề kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã bày tỏ hy vọng rằng bằng cách khởi động lại hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu, Trung Quốc và Mỹ cũng có thể "mang lại sự thay đổi tích cực cho quan hệ song phương".
Ông Biden rõ ràng rất coi trọng việc chống biến đổi khí hậu, và ông sẽ cần sự giúp đỡ của Trung Quốc, ông Grossman nhận định.
Tuy nhiên, hy vọng của Trung Quốc rằng sự hỗ trợ của mình trong việc giảm lượng khí thải carbon có thể đổi lấy sự nhượng bộ của Mỹ trong các lĩnh vực khác đã nhanh chóng bị dập tắt, khi Đặc phái viên của tổng thống về khí hậu John Kerry khẳng định Mỹ "sẽ không bao giờ đánh đổi lợi ích cho bất cứ điều gì liên quan vấn đề khí hậu".
Sau khi ông Vương Nghị hồi tháng 12-2020 kêu gọi hai nước xây dựng lại lòng tin trong giai đoạn tiếp theo của quan hệ song phương, Bắc Kinh hồi tháng 1 đã phát đi thông điệp về việc khôi phục quan hệ với Mỹ trên các phương tiện truyền thông nhà nước.
"Trung Quốc luôn mở cửa đối thoại. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với phía Mỹ và tham gia vào các cuộc đối thoại nhằm giải quyết các vấn đề" - ông Vương nói.
Căng thẳng Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt trong tương lai?
Tuy nhiên, sau tất cả những nỗ lực, dường như vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự khả quan trong quan hệ hai bên, chủ yếu là vì Bắc Kinh đã từ chối thay đổi các hành vi quyết đoán của mình.
Và không may cho Bắc Kinh, tất cả các dấu hiệu cho đến nay đều cho thấy chính quyền ông Biden có kế hoạch thực hiện một đường lối đặc biệt cứng rắn chống lại Trung Quốc, ông Grossman nhận định.
Cạnh tranh có thể vẫn sẽ xu hướng trong quan hệ Mỹ - Trung thời gian tới. Ảnh: BLOOMBERG
Chẳng hạn, dưới thời ông Biden, Mỹ có thể sẽ tập trung thúc đẩy các giá trị dân chủ. Ông Biden tuyên bố rằng trong năm đầu tiên nắm quyền, ông có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ để "đổi mới tinh thần và mục đích chung của các quốc gia thuộc thế giới tự do".
Trung Quốc cũng nhanh chóng trở thành một mối đe dọa thường trực đối với Lầu Năm Góc, khi các bộ phận trong Hội đồng An ninh Quốc gia, dù trong lĩnh vực công nghệ, y tế hay khí hậu, đều đang để mắt đến những tác động an ninh quốc gia từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ông Grossman nhấn mạnh cạnh tranh rõ ràng sẽ là chủ đề chi phối lập trường của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc.
Theo ông, thật khó để tìm ra cách Mỹ và Trung Quốc có thể tái thiết lập lại quan hệ thành công.
Liên quan vấn đề Đài Loan, đến nay, vẫn không bên nào tỏ ra sẵn sàng nhượng bộ. Trung Quốc tiếp tục gia tăng sức ép ngoại giao, kinh tế và quân sự lên hòn đảo này, trong khi Mỹ tiếp tục củng cố mối quan hệ với Đài Loan. Ngoài ra, Washington và Bắc Kinh có nhiều bất đồng sâu sắc và dai dẳng đến mức khả năng đạt được một thỏa thuận có thể thay đổi cuộc chơi dường như là bằng không.
Trong tương lai, Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng chỉ hợp tác hạn chế trong những thách thức mà đôi bên cùng quan tâm, thay vì tái thiết lập lại tổng thể mối quan hệ.
Theo ông Grossman, có lẽ do đã dự báo được điều này, Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời của chính quyền ông Biden lưu ý rằng "chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác của chính phủ Trung Quốc trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, an ninh y tế toàn cầu, kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân, những lĩnh vực mà vận mệnh hai nước gắn bó với nhau".
"Hy vọng những lĩnh vực này không quá tham vọng. Dù bằng cách nào, việc tái thiết lập toàn bộ mối quan hệ là điều không tưởng vào thời điểm này" - ông Grossman kết luận.