Đây là số liệu được Công ty Chứng khoán SSI đưa ra trong bản báo cáo về thị trường tiền tệ trái phiếu mới đây.
Cụ thể, theo thống kê của cơ quan này, trong 2 tháng đầu năm nay, các ngân hàng thương mại đã bán gần 7 tỷ USD kỳ hạn 6 tháng ở tỷ giá 23.125 VND/USD về Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, sẽ có khoảng 157 nghìn tỷ đồng được bơm ra vào tháng 7 và 8/2021, nếu các hợp động này không bị hủy ngang và không có các động thái trung hòa của Ngân hàng Nhà nước như phát hành tín phiếu để hút tiền về.
SSI đánh giá: "Đây là yếu tố hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và giúp lãi suất tiền gửi trên liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp".
Trước đó, trong kiến nghị gửi đến Quốc hội, cử tri Đà Nẵng đã bày tỏ lo lắng về việc hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều tiền, dẫn đến nguy cơ đồng tiền mất giá lớn và khả năng lạm phát cao.
Trước ý kiến này, Ngân hàng Nhà nước trả lời, nhu cầu tiền mặt trong lưu thông phụ thuộc vào điều kiện thị trường, tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tốc độ phát triển và khả năng thay thế của phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, lãi suất tiết kiệm...
Và theo Ngân hàng Nàh nước, thời gian vừa qua, tiền mặt trong lưu thông tăng phù hợp với diễn biến kinh tế, thị trường vì: Quy mô nền kinh tế nước ta liên tục tăng (GDP giai đoạn 2015-2020 tăng lần lượt là: 6,68%; 6,21%; 6,81%; 7,08; 7,02%; 2,91%), cùng với đó thu nhập và mức sống của người dân liên tục được nâng cao, khối lượng và giá trị hàng hóa luân chuyển trong nền kinh tế tăng nhanh dẫn đến lượng tiền mặt cung ra đối ứng cho nền kinh tế cũng tăng tương ứng; thói quen sử dụng và thanh toán bằng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến.
Ngoài ra, lượng tiền mặt trong lưu thông cũng mang tính thời vụ, thường tăng mạnh vào giai đoạn trước Tết Nguyên đán, Quốc tế lao động, Lễ Quốc khánh... do người dân có xu hướng chi tiêu mạnh hoặc tích trữ một phần tiền mặt để dự phòng cho chi tiêu trong các kỳ nghỉ.
Sau các kỳ nghỉ này, khi nhu cầu chi tiêu không còn cao, tiền mặt lại có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng thông qua hình thức tiền gửi, từ đó dẫn đến lượng tiền mặt trong lưu thông lại giảm xuống.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng để ổn định giá trị đồng tiền (thể hiện qua chỉ tiêu lạm phát luôn được kiểm soát chặt chẽ theo mục tiêu Quốc hội đề ra), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Những năm gần đây, lạm phát trong nước nhiều thời điểm chịu sức ép gia tăng khá lớn do giá thế giới biến động (giá nguyên nhiên vật liệu và lương thực, thực phẩm) trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế nước ta là rất lớn; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp... Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát và duy trì dưới 4%, thấp và ổn định hơn so với mức 4,09%-18,58% của giai đoạn 2010-2014.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát bình quân khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.