Hơn 10 năm chưa di dời được các cảng trên sông Sài Gòn
Lê Anh
(TBKTSG Online) - Sau 11 năm, các cảng trên sông Sài Gòn vẫn chưa thể di dời do các quy định của pháp luật đã thay đổi khi nhiều luật mới được ban hành.
Một tàu hàng cập cảng Sài Gòn ở khu vực quận 4, TPHCM - Ảnh: Anh Quân |
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chiều 15-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ về việc di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son theo Quyết định 46/2010/QĐ-TTg.
Báo cáo về tiến độ di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn, Bộ Tài chính cho biết việc triển khai di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son kéo dài, không dứt điểm. Sau 11 năm kể từ khi Quyết định 46/2010 được ban hành, đến nay các cơ chế chính sách có sự thay đổi. Do vậy, cần có biện pháp quản lý phù hợp, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tính pháp lý của Quyết định 46/2010 cần phải được xem xét đầy đủ.
Thường trực Chính phủ quyết định giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; chính quyền TPHCM… thẩm định và lên phương án di dời. Trong các phương án cần làm rõ phần nào làm tiếp, phần nào phải dừng lại không được làm; phương án cũng cần đánh giá các hệ lụy liên quan, đề xuất biện pháp giải quyết. Sau khi các bộ, ngành lên phương án rồi báo cáo Chính phủ để xem xét, quyết định.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh rằng, việc di dời các cảng trên sông Sài Gòn không để thất thoát tài sản Nhà nước, chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng và đặc biệt là không làm trái pháp luật. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng, Bộ Quốc phòng, TPHCM tăng cường quản lý chặt chẽ đất đai và các tài sản trên đất cũng như các khoản tiền thu được theo quy định của pháp luật và báo cáo công khai, rõ ràng quá trình giải quyết, xử lý, quản lý đất đai ở khu vực này.
Theo Quyết định 46/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM có 5 cảng phải di dời ra khỏi nội thành trước năm 2010, song đến nay đã 11 năm mới chỉ có Tân Cảng Sài Gòn đã di dời đến Cát Lái (quận 2), còn những cảng khác vẫn chưa thể di dời do nhiều vướng mắc về thủ tục.
Theo quy hoạch, sau khi các cảng trong khu vực nội thành rời đi, khu đất tại nhà máy đóng tàu Ba Son sẽ được chuyển đổi thành khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son, với chức năng là trung tâm tài chính, văn phòng, khách sạn cao cấp, trong đó có khu truyền thống lịch sử như xưởng đóng tàu Ba Son, nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng...
Còn đối với khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, sau khi chuyển đổi công năng sẽ trở thành khu vực dành cho dịch vụ giáo dục, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, giải trí, khách sạn, khu dân cư, khu phức hợp cảng tàu khách quốc tế, quảng trường, cây xanh, phố đi bộ.
Việc di dời các cảng ra khỏi khu vực nội thành TPHCM nhằm giảm tình trạng kẹt xe ở khu trung tâm do lượng xe tải đi qua đây khá lớn.
Mời xem thêm:
Xem thêm: lmth.nog-ias-gnos-nert-gnac-cac-coud-iod-id-auhc-man-01-noh/775413/nv.semitnogiaseht.coaid