Hướng đi nhiều triển vọng
Theo số liệu thống kê, trong 3 năm trở lại đây số dự án mới được công bố nằm trong nội thị các thành phố lớn đã giảm mạnh so với trước.
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn đã chuyển hướng đầu tư sang các thị trường mới đang có sự đột phá về hạ tầng, kích thích những tiềm năng trong tương lai.
Theo đó, thị trường bất động sản (BĐS) các tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh… ở miền Bắc, và Đồng Nai, Cần Thơ, Long An… ở miền Nam, đang trở thành những thỏi nam châm hút nhà đầu tư.
Dự báo trong thời gian tới, cùng với những định hướng quy hoạch hạ tầng, bất động sản tại các địa phương này sẽ tiếp tục sôi động, cùng với đó là sự đổ bộ của nhiều dự án lớn, không ít tỉnh vùng ven đã và sẽ trở thành những điểm sáng đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, trong thời gian gần đây BĐS tại khu vực ven đô thị lớn, như Hà Nội có: Sơn Tây, Đông Anh, Thạch Thất, Hoài Đức... các tỉnh vùng ven, như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình...; TP.Hồ Chí Minh gồm các huyện: Bình Chánh, Nhà Bè, thậm chí là Hóc Môn, Củ Chi và các tỉnh vùng ven: Long An, Đồng Nai, Bình Dương... thị trường BĐS hoạt động tương đối sôi nổi.
“Việc nhiều nhà đầu tư chuyển dịch sang vùng ven và tỉnh lẻ đã khiến giá BĐS tại những khu vực này tăng chóng mặt trong thời gian gần đây, mức tăng bình quân từ 20 – 30%, cá biệt một số nơi giá tăng khoảng trên 50% so với năm 2019”, ông Đính cho hay.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã tận dụng được lợi thế từ cảnh quan thiên nhiên đẹp, điều kiện tự nhiên tốt để khai thác và thu hút đầu tư vào BĐS.
Ngoài ra, hiện nay TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội đã ráo riết thanh tra và tiến hành rà soát chặt chẽ pháp lý các dự án bất động sản. Việc phát triển các dự án mới tại trung tâm cũng vì thế mà bị chậm lại.
Bên cạnh đó, việc các Thành phố này bất ngờ có những quyết định thu hồi dự án do phát hiện ra sai phạm trong quá trình mua bán, chuyển nhượng đã gây ra không ít hoang mang cho các doanh nghiệp địa ốc.
Nhiều dự án đã và đang triển khai, bỗng bị thu hồi hoặc tạm dừng do phát hiện sai phạm trong khâu giao đất của cơ quan chức năng trước đó, dù doanh nghiệp là bên thứ ba ngay tình, cũng đã không tránh khỏi những thiệt hại lớn về uy tín và tài chính, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
Cách quản lý theo kiểu “ném đá dò đường” của một bộ phận cán bộ tắc trách, đã khiến cho “trăm dâu đổ đầu doanh nghiệp”, môi trường đầu tư kinh doanh cũng vì thế mà xấu đi.
Cẩn trọng rủi ro khi xuống tiền đầu tư
Đầu tư bất động sản ở các địa phương mới nổi là một xu hướng tất yếu mà các nhà đầu tư đã và sẽ lựa chọn trong thời gian tới.
Khi thị trường chưa có sức nóng, chưa có nhiều nhà đầu tư để mắt, cùng với đòn bẩy hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, bất động sản vùng ven sẽ còn nhiều dư địa để nổi sóng. Nhu cầu tăng cao ở mọi phân khúc, “dòng tiền” sẽ tiếp tục được đổ về các địa phương tỉnh lẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đầu tư nên nắm bắt, các chuyên gia cũng đưa ra những cảnh báo khi chuyển hướng đầu tư vào các thị trường mới nổi này.
Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng đây không phải là sân chơi dễ dàng cho tất cả các nhà đầu tư địa ốc. Bởi tính mạo hiểm ở những thị trường mới sẽ rất cao.
Nhà đầu tư buộc phải chờ đợi và có những quyết định đầu tư, thời điểm ra hàng đúng đắn, chứ không thể vội vàng. Chi phí đầu tư thấp, nhưng chu kỳ kinh doanh lại có thể rất lâu mới có thể thu hồi vốn.
Dù đất tại các tỉnh còn nhiều hơn so với TP.Hồ Chí Minh hay Hà Nội nhưng tìm quỹ đất rộng đủ để triển khai một khu đô thị thì không phải là chuyện dễ. Nếu chỉ phát triển dự án đất nền phân lô bình thường sẽ rất khó thu hút người mua ở thực.
Trên thực tế, có không ít người mua đất nền ở ngoại thành không căn cứ vào giá trị thực. Về dài hạn, khi dòng tiền tiếp tục có xu hướng đổ về thị trường đất nền, nhà đầu tư cần tránh vội vàng và có quyết định phù hợp sau khi cân nhắc các yếu tố quan trọng về giá trị tài sản và tránh tâm lý đám đông.