Thụy Điển sẽ tư vấn hỗ trợ Việt Nam trong chuyển dịch cơ cấu năng lượng
Vân Phong
(KTSG Online) - Đánh giá cao tiềm năng phát triển các loại hình năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe cho biết Thụy Điển sẽ tiếp tục làm việc với EU và các quốc gia Bắc Âu trong các dự án phát triển xanh và tư vấn hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong chuyển dịch cơ cấu năng lượng.
Theo bà Ann Måwe, năng lượng tái tạo là nền tảng giúp giải quyết những thách thức mà thế giới phải đối mặt như tình trạng đói nghèo, an ninh lương thực, tình trạng biến đổi khí hậu, nước sạch, sức khỏe và sự tăng trưởng kinh tế tổng thể.
Hệ thống điện sử dụng mặt trời được lắp đặt ở nhà của Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Ảnh: ĐSQ Thụy Điển cung cấp. |
Đại sứ quán Thụy Điển đã có buổi giới thiệu hệ thống điện sử dụng năng lượng mặt trời được lắp đặt tại nhà riêng của bà Ann Måwe – Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam – nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế Năng lượng mặt trời và khuyến khích các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững.
Bà Ann Måwe cho rằng năng lượng tái tạo, sạch và hiện đại là nền tảng giúp giải quyết những thách thức mà thế giới phải đối mặt, như tình trạng đói nghèo, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, nước sạch, sức khỏe và tăng trưởng kinh tế tổng thể. Bên cạnh đó, các loại năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời sẽ làm giảm lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng cường an ninh năng lượng.
Với hệ thống điện mặt trời được lắp đặt tại nhà, bà Ann cho biết hệ thống có tổng công suất 18,5kW và có khả năng lưu trữ năng lượng. Điều này cho phép hệ thống cũng hoạt động như một nguồn cung cấp điện dự phòng khi mất điện.
Hệ thống này đã tạo ra lượng điện năng là 1,74MWh sau hai tháng vận hành thử nghiệm. Mức điện năng này tương đương với việc trồng 5 cây xanh, đồng thời giúp tiết kiệm 0,6 tấn than tiêu thụ và giảm 1,73 khí CO2 thải ra môi trường.
Bà Ann Måwe – Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam – giới thiệu hệ thống điện sử dụng năng lượng mặt trời. Ảnh: ĐSQ Thụy Điển cung cấp. |
Dự báo triển vọng phát triển của các loại hình năng lượng tái tạo, bà Ann cho rằng tương lai nằm trong tay những nền kinh tế có mức phát thải carbon thấp. Vì vậy, Thụy Điển sẽ tiếp tục làm việc với EU và các quốc gia Bắc Âu trong các dự án phát triển xanh và tư vấn hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong chuyển dịch cơ cấu năng lượng.
Với Việt Nam, bà nhận định có thể giữ vai trò tiên phong trong khu vực về khả năng phục hồi xanh và toàn diện, theo các nguyên tắc của Thỏa thuận Paris và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc hướng đến 2030.
“Điều đó không chỉ có lợi cho con người và khí hậu, mà còn mang lại các cơ hội hợp tác kinh doanh mới”, bà Ann chia sẻ.
Cũng theo Đại sứ Thụy Điển, năng lượng tái tạo đang ngày càng cạnh tranh về chi phí. Vì vậy, Việt Nam có tiềm năng lớn để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng. Cụ thể, hơn 4,5 GW điện mặt trời đã được lắp đặt ở Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2020.
Về thách thức, bà Ann cho biết Việt Nam sẽ phải tìm giải pháp tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện nhằm tạo ra các đầu vào bền vững cho năng lượng tái tạo.