Cô trò Trường tiểu học Đăng Châu (Sơn Dương, Tuyên Quang) trong giờ học - Ảnh: VĨNH HÀ
Theo thông tư 25 về lựa chọn sách giáo khoa trong trường phổ thông, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có quyền quyết định việc chọn sách cho học sinh trên địa bàn, dựa trên đề xuất của hội đồng chọn sách của tỉnh. Điều này khác với chọn sách giáo khoa lớp 1 (do trường thành lập hội đồng, hiệu trưởng quyết định, quy định tại thông tư 01).
Mỗi giáo viên phải có bản nhận xét
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết theo thông tư 25, các tỉnh, thành phố thành lập hội đồng chọn sách để đề xuất với chủ tịch UBND. Như vậy, các trường không bắt buộc phải thành lập hội đồng chọn sách như quy định ở thông tư 21 mà chỉ tổ chức nghiên cứu, góp ý, đề xuất.
Nhưng ở nhiều trường, để việc nghiên cứu, góp ý nghiêm túc vẫn thành lập hội đồng. Trong đó, ngoài ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên, còn mời đại diện phụ huynh tham gia.
"Có một điểm mới trong quy trình chọn sách lớp 2, lớp 6 là Bộ GD-ĐT yêu cầu mỗi giáo viên phải có bản nhận xét về các sách giáo khoa của môn học thuộc chuyên môn phụ trách. Ngoài việc đánh giá ưu điểm, nhược điểm, nếu giáo viên phát hiện sách có nội dung chưa phù hợp thì phải báo ngay tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng. Lãnh đạo trường phải báo ngay với phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT để kịp thời báo cáo về Bộ GD-ĐT" - ông Nguyễn Hữu Độ cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Độ khẳng định mặc dù sách giáo khoa đã được phê duyệt nhưng nếu giáo viên, các trường phát hiện những điểm không phù hợp, những vấn đề khiến giáo viên, học sinh có thể gặp khó khăn khi thực hiện, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các đơn vị xuất bản giải thích hoặc điều chỉnh khi cần thiết. Việc này sẽ tránh được tình trạng khi đã bước vào năm học, sách được sử dụng mới nảy sinh những vấn đề như đã xảy ra với sách giáo khoa lớp 1.
Có thể giữ nguyên sách lớp 1 đã chọn
Trong cuộc làm việc của lãnh đạo Bộ GD-ĐT với tỉnh Tuyên Quang về chuẩn bị thực hiện lớp 2, lớp 6, một số trưởng phòng GD-ĐT băn khoăn có hay không được bảo lưu kết quả chọn sách giáo khoa lớp 1 từ năm trước theo thông tư 01.
"Khi chọn sách lớp 1 thẩm quyền quyết định do hiệu trưởng nên trong cùng một trường có thể chọn sách ở nhiều bộ khác nhau. Nhưng với thông tư 25, tỉnh quyết định chọn sách. Có thể chỉ chọn một bộ sách đầy đủ của một nhà xuất bản sử dụng toàn tỉnh.
Chúng tôi không hiểu trong trường hợp đó các trường có được bảo lưu kết quả chọn sách trước đó không? Vì sách lớp 1 đã chọn, trường đã được tập huấn, làm quen trong một năm học. Nếu thay đổi sẽ có xáo trộn?" - lãnh đạo Phòng GD-ĐT Sơn Dương (Tuyên Quang) trao đổi. Ý kiến này cũng là băn khoăn chung của cán bộ, giáo viên ở nhiều địa phương trong thời điểm này.
Ông Thái Văn Tài - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) - cho biết với chương trình giáo dục phổ thông mới, việc dạy học, quản lý hoạt động dạy học sẽ bám sát chương trình, lấy chương trình làm gốc. Sách giáo khoa chỉ là tài liệu chính để dạy học. Các sách giáo khoa do các đơn vị biên soạn đều phải bám sát chương trình, đảm bảo các tiêu chí do Bộ GD-ĐT quy định.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của môn học theo từng lớp và sẽ đánh giá vào cuối mỗi năm học. Vì thế lớp 1 chọn bộ sách của nhà xuất bản này, lớp 2 chọn sách của đơn vị khác sẽ không ảnh hưởng đến việc dạy học.
Tuy nhiên theo ông Tài, nếu việc chọn lại sách của đơn vị khác vất vả hơn cho giáo viên trong việc tiếp cận thì các địa phương có thể giữ nguyên sách lớp 1 đã chọn, theo nhu cầu của các trường để đảm bảo tính ổn định. "Riêng sách giáo khoa lớp 1 năm tới đây sẽ vẫn phải tái bản đủ 5 bộ, đảm bảo đủ cung ứng cho các nhà trường theo yêu cầu", ông Tài chia sẻ.
Chọn sách xong trước 5-4
Trong công văn gửi các sở GD-ĐT về lựa chọn, phê duyệt sách giáo khoa cho năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT đề nghị những ý kiến phản ảnh về khó khăn, vướng mắc hoặc phát hiện nội dung, ngữ liệu, hình ảnh trong sách giáo khoa không phù hợp, các sở GD-ĐT phải tập hợp, gửi về Bộ GD-ĐT trước ngày 20-3.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, để đảm bảo tiến độ, các địa phương phải chọn xong sách giáo khoa trước 5 tháng, có nghĩa việc này phải kết thúc trước ngày 5-4. Các sở GD-ĐT phải chủ động phối hợp với các nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn để tổ chức hiệu quả tập huấn cho 100% cán bộ giáo viên dạy lớp 2, lớp 6.
TTO - TS Thái Văn Tài, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết kết quả chọn sách giáo khoa lớp 1 mới đa dạng. Có 36/63 tỉnh, thành chọn cả 5 bộ sách giáo khoa được phê duyệt.