Người dân đi qua các chướng ngại vật tạm thời được người biểu tình dựng lên trên đường trong cuộc biểu tình ở Yangon, Myanmar hôm 15-3 - Ảnh: AFP
Hãng tin Reuters ngày 15-3 dẫn thông tin từ cảnh sát Ấn Độ cho biết hơn 400 người đến từ Myanmar, trong đó nhiều người là cảnh sát, đã vượt biên sang Ấn Độ kể từ cuối tháng 2-2021, trong bối cảnh các lực lượng an ninh Myanmar ngày càng mạnh tay với người biểu tình sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1-2.
Những cảnh sát Myanmar vượt biên cho biết họ bỏ trốn vì sợ bị ngược đãi sau khi từ chối nghe theo mệnh lệnh bắn người biểu tình của quân đội Myanmar.
"Chỉ hôm 12-3 có khoảng 116 người đã vượt biên" - một cảnh sát giấu tên ở bang Mizoram (Ấn Độ) tiết lộ với Hãng tin Reuters. Trong số những người này có cảnh sát, nhân viên cứu hỏa. Một số người chỉ mang theo quần áo đựng trong những chiếc túi nhựa trắng khi họ vượt biên.
Chính phủ Ấn Độ đã chỉ đạo chính quyền các địa phương ngăn dòng người đến từ Myanmar, nhưng địa hình đồi núi khiến công tác tuần tra khó khăn.
Ngày 15-3, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, cho biết ít nhất 138 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Myanmar kể từ ngày 1-2.
Theo Hãng tin AFP, Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Trung Quốc và Anh đều đã lên án tình trạng bạo lực ở Myanmar. Tuy nhiên, đến nay các tướng lĩnh quân đội Myanmar vẫn chưa cho thấy dấu hiệu quan tâm đến những lời kêu gọi kiềm chế từ cộng đồng quốc tế.
Mỹ chỉ trích quân đội Myanmar
Ngày 15-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter nói rằng hành động bạo lực của quân đội Myanmar nhắm vào người biểu tình là "trái đạo đức và không thể bào chữa được".
"Quân đội Myanmar đã dùng những viên đạn để phản hồi với những lời kêu gọi khôi phục nền dân chủ ở Myanmar" - bà Porter nói.
Trong khi đó, quân đội Myanmar nói rằng họ đang hết sức kiềm chế trong việc xử lý "những người biểu tình bạo loạn" mà họ cáo buộc tấn công cảnh sát và gây tổn hại đến an ninh và ổn định quốc gia.
TTO - Đài Loan đề nghị các doanh nhân Đài Loan treo những tấm biển bằng tiếng Myanmar tại các nhà máy và giải thích rằng họ là công ty Đài Loan 'để tránh bị người ngoài nhầm lẫn và đánh giá sai', sau khi một số công ty Trung Quốc bị đốt phá.