Theo cáo buộc, ngoài vụ án xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ, năm 2010 với mục đích mua 3.400 m2 đất tại thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc), lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch HĐQT PVC, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền tại PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng.
Để hợp thức việc cho tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng trái quy định, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo chuyển 21 tỷ đồng tiền tạm ứng thành tiền góp vốn điều lệ của PVC tại PVC Kinh Bắc, gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng.
Sau đó, bị cáo Thanh yêu cầu bị cáo Đỗ Văn Hồng (Tổng Giám đốc PVC Kinh Bắc) chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty TNHH Đầu tư Mai Phương của mình (do bị cáo Thanh nhờ bố đẻ đứng tên thành lập), qua đó hưởng lợi 3 tỷ đồng.
Công ty Mai Phương sau đó được chuyển nhượng cho vợ Trịnh Xuân Thanh là bà Trần Dương Nga. Đến năm 2016, bà Nga tiếp tục chuyển nhượng cho ông Kiều Đào Lâm (trú tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) với giá 45 tỷ đồng, bao gồm cả khu đất 3.400 m2 ở Tam Đảo.
Tháng 12/2019, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định tạm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu đất trên.
Tại bản án sơ thẩm được tuyên chiều 15/3, HĐXX sơ thẩm xác định, trong vụ án trên, tại tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng khai không thỏa thuận, bàn bạc trong chuyển tiền tạm ứng vượt quá phụ lục Hợp đồng số 173 (Hợp đồng thực hiện một số hạng mục của dự án Polyester Đình Vũ) để mua đất tại Tam Đảo. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, bị cáo Hồng đã khai có bàn bạc với bị cáo Thanh về việc mua đất ở Tam Đảo, đã dẫn bị cáo Thanh đi xem đất.
Lời khai này cũng phù hợp với lời khai của một số cá nhân khác có liên quan như Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC), Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó TGĐ PVC). Ông Trịnh Xuân Giới (bố bị cáo Trịnh Xuân Thanh) cho biết mình chỉ đứng tên Công ty Mai Phương cho vợ chồng Trịnh Xuân Thanh.
Đến ngày nhận chuyển nhượng hơn 3.400 m2 đất Tam Đảo từ bị cáo Đỗ Văn Hồng, Công ty Mai Phương mới thành lập 2 ngày, chưa có bất cứ một hoạt động sản xuất kinh doanh nào.
Án sơ thẩm xác định, hành vi của Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh chịu trách nhiệm chính. Bị cáo Hồng là người thực hành, giữ vai trò đồng phạm, giúp sức nhưng không được hưởng gì về vật chất nên trách nhiệm thấp hơn.
Với tội danh trên, Tòa tuyên phạt Trịnh Xuân Thanh 8 năm tù, ông Đỗ Văn Hồng 4 năm tù.
Ngoài ra, Tòa sơ thẩm tuyên tịch thu quyền sử dụng 3.400 m2 đất tại Tam Đảo để đảm bảo đảm quyền lợi của PVC. Theo HĐXX, PVC là chủ sở hữu hợp pháp thửa đất trên nên cần trả lại quyền sử dụng thửa đất cho PVC. PVC có quyền xác nhận lại thửa đất, kiến nghị cơ quan chức năng của địa phương để xác nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Về việc chuyển nhượng lô đất giữa các bên, phiên tòa không xem xét. Nếu các bên có tranh chấp có thể khởi kiện ra tòa trong một vụ án dân sự khác.
Liên quan đến vấn đề bồi thường dân sự, Tòa tuyên PVC Kinh Bắc trả cho PVC 1,2 tỷ đồng (khoản chênh lệch giữa số tiền 25 tỉ đồng được PVC tạm ứng với số tiền mua lô đất ban đầu). Bị cáo Trịnh Xuân Thanh không phải bồi thường cho PVC nhưng phải nộp 3 tỷ đồng chiếm dụng của PVC Kinh Bắc để sung quỹ Nhà nước.
Trong vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ, ngoài hình phạt 10 năm tù, HĐXX còn buộc Trịnh Xuân Thanh phải liên đới bồi thường 143 tỷ đồng.
Tiến Nguyên