Bộ Công thương ký kết với Alibaba.com để đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến
Vân Ly
(KTSG Online) - Bộ Công thương đã kí kết hợp tác với sàn thương mại điện tử Alibaba.com của Trung Quốc để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu. Cục Xúc tiến Thương mại và Alibaba.com sẽ lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng tham gia chương trình xuất khẩu những mặt hàng chiến lược.
Lễ ký kết hợp tác của Bộ Công thương với Alibaba.com vào ngày 16-3. Ảnh: Vân Ly |
Vì Covid-19 nên muốn thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến
Tại hội nghị Thương mại điện tử Quốc tế B2B Alibaba.com 2021 do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Công ty Alibaba.com tổ chức vào ngày 16-3, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay: “Kết thúc năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18%, với quy mô đạt 11,8 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn con số 14-15 tỉ đô la Mỹ so với dự báo trước đó. Tuy vậy, đây vẫn là mức tăng cao trong dịch Covid-19. Việt Nam cũng là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.”
Theo ông Hải, thời gian qua thị trường hàng hóa trong nước và thế giới đều chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại bị hạn chế, những chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy dẫn đến nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Hoạt động xúc tiến thương mại cũng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như hội chợ, hội thảo, hội nghị kết nối cung cầu, hoạt động giao dịch thương mại ở nước ngoài... bị huỷ hoặc hoãn trên hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn.
Trước tình hình này, ông Hải cho hay: “Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại tập trung nghiên cứu, triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình thực tiễn. Phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tiến hành các hoạt động cụ thể và thực tiễn nhằm đồng hành hiệu quả nhất với các doanh nghiệp.”
Trong phần phát biểu, ông Hải cũng thừa nhận việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại bước đầu phát huy được hiệu quả và giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí cũng như khắc phục được những khó khăn về khoảng cách, về địa lý và thời gian. Trong đó, hoạt động xúc tiến thương mại thông qua môi trường thương mại điện tử đang đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Nói về lý do vì sao hợp tác với Alibaba.com, ông Hải cho biết đây là một trong những kênh thương mại điện tử uy tín toàn cầu với hơn 260 triệu nhà mua hàng trên phạm vi 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng quy mô kinh doanh và bán hàng tới khách hàng trên toàn thế giới. Việc hợp tác với các đối tác lớn như Alibaba.com triển khai các giải pháp tổng thể về xúc tiến thương mại và hỗ trợ xuất khẩu đang mang đến cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
“Bộ Công Thương đã làm việc với Công ty Alibaba.com nhằm tập trung tăng cường hiệu quả kinh doanh thương mại điện tử, tư vấn triển khai các đơn hàng trên quy mô lớn, ổn định, với các dịch vụ hỗ trợ chuyên sâu, định hướng vào thương mại bền vững, tăng trưởng ổn định, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp; cung cấp các giải pháp và đào tạo doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả và chuyên nghiệp,” ông Hải nói.
Hợp tác để hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu
Tại hội nghị Thương mại điện tử Quốc tế B2B Alibaba.com 2021, Cục Xúc tiến Thương mại và Công ty Alibaba.com đã ký kết biên bản hợp tác chính thức để thực hiện các chương trình hợp tác chặt chẽ và có quy mô lớn trong các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu trực truyến thông qua website này.
Ông Hải cho biết, Cục Xúc tiến Thương mại và Công ty Alibaba.com sẽ lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng tham gia chương trình. Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu những mặt hàng chiến lược để thiết lập hệ thống nhận diện và thương hiệu hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com. Đồng thời sẽ nghiên cứu thiết lập chuyên trang về ngành hàng này của Việt Nam trên Alibaba.com.
“Bộ Công Thương luôn sẵn sàng phối hợp với các Bộ ban ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp liên quan tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng thành công thành công trên Alibaba.com, hướng tới tương lai phát triển kinh tế bền vững thông qua xúc tiến xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới,” ông Hải nói.
Cũng tại sự kiện trên, ông Vũ Bá Phú, cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho hay, theo Quyết định 645/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025: 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.
Ông Phú cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực về thương mại điện tử, đưa sản phẩm lên sàn Alibaba.com thành công, từ cuối năm 2020, Cục Xúc tiến Thương mại và công ty Alibaba.com đã phối hợp, triển khai huấn luyện, đào tạo cho doanh nghiệp nhằm tư vấn trực tiếp và kết nối doanh nghiệp với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ được thiết kế riêng. Qua đó, đã có hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký đào tạo, hơn 300 doanh nghiệp tham gia tư vấn xuất khẩu, hơn 50 doanh nghiệp tiềm năng sẽ lên sàn thành công trong các ngành như nông sản, thuỷ hải sản, đồ gỗ, thực phẩm chế biến đóng gói.
“Theo tinh thần hợp tác trong biên bản ghi nhớ, có 3 nội dung chính hai bên tập trung gồm: xuất khẩu qua thương mại điện tử; phát triển thương hiệu Việt Nam thông qua thương mại điện tử; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam về thương mại điện tử,” ông Phú nói.
Trong 3 năm tới, ông Phú cho biết theo tinh thần của thỏa thuận hợp tác hai bên, Cục Xúc tiến Thương mại và Alibaba.com lên kế hoạch tiếp tục triển khai chuỗi sự kiện nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp tại các địa phương trên toàn quốc. Dự kiến trên 1.200 doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ chương trình này. Các cán bộ từ các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức hỗ trợ thương mại cũng sẽ được tham gia các hoạt động huấn luyện, nâng cao năng lực về thương mại điện tử.
Ngoài ra, các kế hoạch dài hơi mang tính chiến lược trong quan hệ hợp tác hai bên liên quan đến chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm, nâng cao nhận thức, hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp lên sàn Alibaba.com sẽ được lên kế hoạch và triển khai đồng bộ.
Được biết, tại sự kiện trên, Alibaba.com đưa ra các cam kết và hỗ trợ kỹ thuật tập trung cho hai đối tượng chính là cho các tổ chức xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về chuyển đổi số. Cam kết cùng các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra toàn cầu. Cục Xúc tiến Thương mại cam kết sẽ đồng hành cùng Alibaba.com trong các hoạt động nâng cao năng lực chuyển đổi số, năng lực thương mại điện tử, đặc biệt là các kỹ năng trong thương mại quốc tế nhằm hỗ trợ các tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Theo thống nhất giữa Cục Xúc tiến Thương mại và Alibaba.com, sự kiện hội nghị này là một trong những hoạt động nằm trong “Dự án Ươm chồi - Sprout Up”. Hoạt động này tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trực tuyến và tiếp cận khách hàng trên toàn cầu. Sáng kiến này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong ba lĩnh vực chính gồm: tham gia nhanh hơn vào các nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com để thiết lập phạm vi tiếp cận toàn cầu; tiếp cận các giải pháp được thiết kế riêng để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh; các dịch vụ phù hợp để giúp các doanh nghiệp tăng cường khả năng thương mại trực tuyến của họ.
Ông Zhang Kuo, Tổng giám đốc của Alibaba.com cho biết công ty này phấn đấu đến năm 2024, đạt tổng giá trị giao dịch hơn 100 tỉ đô la Mỹ, hỗ trợ hơn 10 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp thế giới, trong đó có trên 10.000 doanh nghiệp đến từ Việt Nam hoạt động trên Alibaba.com.
Cục Xúc tiến Thương mại cho rằng, năm 2020 Covid-19 đã để lại cho nền kinh tế những hậu quả rất nặng nề. Do đó, việc chuyển sang các nền tảng kỹ thuật số để xuất khẩu không còn là một lựa chọn, mà là điều bắt buộc để các doanh nghiệp Việt Nam tồn tại và phát triển. Thêm nữa, ba Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết vào năm ngoái với Liên minh châu Âu (EVFTA), khu vực ASEAN và các đối tác (RCEP) và Vương quốc Anh (UKVFTA), cũng mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số để “xuất khẩu trực tuyến”, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng các giải pháp và công nghệ tiên tiến. |