Ông Hồ Xuân Quý - chồng bà Hà - tiếp tục theo đuổi vụ kiện - Ảnh: TUYẾT MAI
Một lần nữa, bản án đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia pháp lý và xôn xao dư luận về việc trách nhiệm bồi thường thuộc về ai.
Không có lỗi nên không bồi thường?
Theo nội dung vụ việc, ngày 31-3-2019, bà Lê Thị Thu Hà mua vé xe khách Phương Trang đi từ Nha Trang vào TP.HCM. Trên đường đi, xe khách Phương Trang bị một xe đầu kéo đâm trúng.
Theo biên bản giải quyết tai nạn giao thông của Cơ quan cảnh sát giao thông huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) thì lỗi dẫn đến tai nạn là do xe đầu kéo tránh xe không đúng quy định.
Vụ tai nạn khiến bà Hà bị thương tật nghiêm trọng, phải cưa một phần chân. Sau đó, đại diện chủ xe đầu kéo đã hỗ trợ cho gia đình bà Hà 115 triệu đồng, Công ty CP xe khách Phương Trang hỗ trợ 8,5 triệu đồng.
Sau tai nạn, bà Hà phải điều trị ở nhiều bệnh viện, tốn kém nhiều chi phí. Gia đình bà Hà nhiều lần liên hệ yêu cầu Công ty Phương Trang bồi thường theo trách nhiệm của bên vận chuyển nhưng không được đáp ứng.
Tháng 6-2019, bà Hà khởi kiện Công ty Phương Trang đòi bồi thường 903 triệu đồng. Quá trình xét xử sơ thẩm, Công ty Phương Trang đồng ý hỗ trợ 14,6 triệu đồng chi phí lắp chân giả cho bà Hà, còn các yêu cầu khác phía công ty không đồng ý. Đến ngày 20-5-2020, bà Hà mất, gia đình bà tiếp tục theo đuổi vụ kiện.
Xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, TAND quận 7 và TAND TP.HCM đều cho rằng lỗi gây ra vụ tai nạn là xe đầu kéo, xe Phương Trang không có lỗi gây ra tai nạn. Người bồi thường cho bà Hà là chủ xe đầu kéo. Do đó, tòa án đã không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.
Còn nhiều mâu thuẫn
Luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định tại điều 528 Bộ luật dân sự 2015, Công ty Phương Trang phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho hành khách theo quan hệ hợp đồng vận chuyển được giao kết giữa Phương Trang và hành khách.
Bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại cho hành khách trong trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách.
Pháp luật không quy định bên vận chuyển được loại trừ trách nhiệm do lỗi của bên thứ ba. Do đó, không thể cho rằng do lỗi của chủ xe đầu kéo nên chỉ chủ xe đầu kéo mới phải có trách nhiệm bồi thường.
Việc xe đầu kéo có lỗi với Công ty Phương Trang thì công ty hoàn toàn có thể yêu cầu chủ xe đầu kéo bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho mình theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hành khách nhưng lại áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.
Theo luật sư Cường, về tố tụng, tòa án không yêu cầu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là doanh nghiệp bảo hiểm, nơi Công ty Phương Trang mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, tham gia tố tụng là không phù hợp quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cũng cho rằng bản án không làm rõ việc Phương Trang đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho hành khách chưa.
Mặc dù lỗi tai nạn xảy ra không phải do tài xế của Phương Trang gây ra nhưng căn cứ quy định của Bộ luật dân sự 2015 về bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới thì trong trường hợp này Phương Trang vẫn phải trả tiền bồi thường cho hành khách đúng với mức pháp luật quy định, khoản tiền này sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả lại.
Bản án nhận định Phương Trang không có trách nhiệm chi trả bất kỳ khoản tiền nào cho hành khách là không phù hợp quy định của pháp luật.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Nguyễn Công Nhân (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng quan hệ giữa đơn vị vận chuyển và hành khách là quan hệ vận chuyển được xác lập bằng hợp đồng. Vé của hành khách là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển này.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của đơn vị vận chuyển đã được cụ thể hóa tại khoản 1, điều 528 Bộ luật dân sự: "Trường hợp tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật".
Khi giao kết hợp đồng, chính đơn vị vận chuyển là bên giao kết trực tiếp với hành khách, hành khách không thể biết hoặc không có trách nhiệm phải biết có hay không sự hợp tác giữa đơn vị vận chuyển và bất kỳ bên thứ ba nào.
Ngoài ra, chính đơn vị vận chuyển là người nhận phí vận chuyển từ hành khách. Do đó, đơn vị vận chuyển phải có trách nhiệm bồi thường cho hành khách; đơn vị vận chuyển không thể thoái thoát trách nhiệm bồi thường đối với hành khách cho bên thứ ba được.
Trong trường hợp này, nếu đơn vị vận chuyển cho rằng nguyên nhân gây ra tai nạn là do bên thứ ba thì sau khi bồi thường cho hành khách, đơn vị vận chuyển có quyền khởi kiện yêu cầu bên thứ ba - bên gây ra tai nạn - bồi thường lại cho mình.
Bảo hiểm tai nạn có ý nghĩa gì?
Theo luật sư Trương Nguyễn Công Nhân, bảo hiểm tai nạn đối với hành khách có ý nghĩa quan trọng, giúp giảm thiểu gánh nặng về thiệt hại vật chất cho đơn vị vận chuyển và hành khách.
Tùy theo mức tham gia bảo hiểm, công ty bảo hiểm chỉ chi trả trong hạn mức bảo hiểm do đơn vị vận chuyển tham gia theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thiệt hại thực tế xảy ra ngoài hạn mức bảo hiểm thì đơn vị vận chuyển phải bồi thường phần giá trị vượt hạn mức theo quy định. Tuy nhiên, không phải bất kỳ trường hợp nào cũng được bảo hiểm.
TTO - Chiều 1-3, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp hợp đồng vận chuyển, yêu cầu bồi thường giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Thu Hà (49 tuổi, hành khách đi xe Phương Trang, đã mất) và bị đơn là Công ty cổ phần xe khách Phương Trang.
Xem thêm: mth.20110031261301202-gnouht-iob-ia-nan-iat-ib-hcahk-ex-id/nv.ertiout